Người mẹ ‘trong bóng tối’ của Malala bước ra ánh sáng

19/04/2017 - 06:58

PNO - Giờ đây, không ai không biết đến Malala Yousafzai, cô gái Pakistan can đảm đối diện với thế lực cực đoan trong hành trình đòi quyền đến trường cho các bé gái ở nước này, nhưng ít người biết đến người mẹ của cô.

Khi Malala, 19 tuổi, hiện sống ở Birmingham (Anh) sau khi phẫu thuật bị đạn bắn vào mặt, trở thành một trong những phụ nữ trẻ nổi tiếng nhất thế giới, cô được trao giải Nobel Hoà bình, và trở thành nguồn cảm hứng khích lệ những người đấu tranh cho nữ quyền toàn cầu, thì người mẹ của cô mới bước ra khỏi "bóng tối".

Mẹ cô, bà Toor Pekai Yousafzai, hôm 18/4 lần đầu tiên chia sẻ với kênh phát thanh và truyền hình tin tức BBC của Anh về cuộc sống của bà đã thay đổi thế nào trong 5 năm qua.

Nguoi me ‘trong bong toi’ cua Malala buoc ra anh sang
Bà Toor Pekai Yousafzai, mẹ của Malala, ít khi xuất hiện trước công chúng - Ảnh: BBC

Toor Pekai nói: "Thật là khó khăn khi gia đình li tán, chúng tôi không mong muốn sống ở nước ngoài khi Malala được mời sang Anh điều trị sau khi bị bắn”.

Vì tương lai của Malala, gia đình bà phải đột ngột rời Pakistan. Sự cố xảy ra ở Thung lũng Swat đã thay đổi toàn bộ mọi thứ trong cuộc đời của bà.

“Khi người ta rời khỏi đất nước, người ta chấp nhận mọi việc sẽ đến và sẵn sàng đón nhận mọi việc, nhưng chúng tôi thì không như vậy”, bà Pekai nói.

Rất ít người nhận ra Toor Pekai trong các bức ảnh của con gái nổi tiếng. Đơn giản vì bất cứ khi nào Malala tham gia vào một hoạt động lớn để quảng bá cho sự nghiệp nữ quyền của mình, cô luôn đồng hành với cha là ông Ziauddin.

Ông Ziauddin cũng là người thường xuyên được phỏng vấn về thành công của con gái.

Nguoi me ‘trong bong toi’ cua Malala buoc ra anh sang
Bà Pekai là người lo cho toàn bộ sinh hoạt hàng ngày của cô con gái nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Hòa bình - Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, mẹ của Malala đóng một vai trò “kém nổi bật”, nhưng hết sức quan trọng đối với toàn bộ những thành viên còn lại của gia đình ở Birmingham.

Bà Toor Pekai giải thích: "Khi Malala được điều trị tại bệnh viện, cả nhà đều bận rộn chăm sóc cho con gái, sau đó nó viết một cuốn sách, chúng tôi cũng bận rộn lo mọi chuyện để cuốn sách được ra mắt, bởi vậy tôi không xuất hiện trước công chúng”.

"Nhưng bây giờ tôi muốn giúp người khác cũng được tiếp nhận một nền giáo dục, vì vậy từ bây giờ tôi muốn tham gia nhiều hơn vào những hoạt động, nhưng nếu những cuộc phỏng vấn bằng tiếng mẹ đẻ của tôi thì sẽ dễ dàng hơn!", bà Pekai cởi mở nói.

Và rõ ràng câu chuyện của bà Toor Pekai có sự hấp dẫn của riêng khi bà kể lại một cách mộc mạc về những sự kiện đã đưa Malala lên đỉnh cao thế giới.

Bà nhớ nhiều đến thời gian Malala đấu tranh với cái chết trong bệnh viện, bà lo cho tương lai cuộc sống còn mờ mịt đối với cô con gái bướng bỉnh của mình.  

Mỗi năm tháng cuộc đời của Malala thực sự là một phần thưởng cho bà Toor Pekai.

"Năm ngoái, tôi đã viết trong thiệp chúc mừng sinh nhật của mình cho con gái – ‘con là con gái bốn tuổi của mẹ’ - vì tôi đếm những năm từ khi Malala bị bắn, giống như con gái tôi được tái sinh từ thời điểm đó”, người mẹ nghẹn ngào.

Nguoi me ‘trong bong toi’ cua Malala buoc ra anh sang
Gia đình Malala Yousafzai - Ảnh: Telegraph

Cuộc đời của bà Toor Pekai nay đã bắt rễ ở Anh, bà chăm sóc cho Malala và hai con trai của mình. Mặc dù Malala giành giải Nobel hòa bình và truyện trò với các nhà lãnh đạo thế giới, bà vẫn phải nhắc nhở cô dọn dẹp phòng ngủ và chăm sóc bản thân.

Thực ra, khi bà mô tả mối quan hệ hằng ngày với con gái, nghe không khác gì câu chuyện của mọi người mẹ đối với đứa con bé bỏng của mình, dù đứa con ấy của bà Pekai năm nay đã 19 tuổi.

"Cô gái tôi ăn uống không tốt lắm và nó uống không đủ nước. Nó không đi ngủ đúng giờ và hôm nào cũng học bài đến nửa đêm. Tôi nhắc nó ăn trái cây và cầu nguyện, nó thì nhắc các em trai, nhưng bản thân không làm”, người mẹ than phiền.

Mặc dù bà Toor Pekai không được đi học ở Pakistan, nhưng giờ đây bà đang theo học các lớp tiếng Anh tại Birmingham và đã xây dựng được một mạng lưới bạn bè thông qua việc học hành.

Nguoi me ‘trong bong toi’ cua Malala buoc ra anh sang
"Malala thường không đi ngủ đúng giờ và hôm nào cũng học bài đến nửa đêm" - Ảnh: Getty Images

Bà kể, "trong lớp học tiếng Anh không có bất kỳ người nào đến từ Pakistan, nhưng có những người đến từ Iraq, Iran và Afghanistan”. Thỉnh thoảng họ tổ chức bữa ăn chung, bà Pekai nấu cơm, thịt gà và cá, bà nói “họ thích các món ăn tôi nấu”.

Việc đi học ở Anh đã mang lại cho người phụ nữ 45 tuổi, người luôn đứng đằng sau những sự kiện hào nhoáng của con gái, một sự độc lập dễ chịu.

"Lúc đầu, tôi rất vất vả để hiểu khi mọi người nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, nay tình hình đã được cải thiện và tôi thấy cuộc sống dễ dàng hơn, tôi thoải mái đi lại và tôi sẽ tự mình đi khám bệnh được”.

Việt Hưng (Theo BBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI