Người Anh liệu có còn cơ hội thay đổi?

22/10/2018 - 05:56

PNO - “Cuộc tuần hành bỏ phiếu của người dân” diễn ra ngày 21/10 (giờ Việt Nam) tại London (Anh) dự kiến có 100.000 người tham dự nhưng con số thực tế lên đến 670.000 người.

Nguoi Anh lieu co con co hoi thay doi?
Không ít người dân Anh đã thất vọng sau kết quả trưng cầu ý dân tháng 6/2016 nhưng họ phải hiểu rằng, đây là lúc phải cùng nhau gánh lấy trách nhiệm tương lai nước Anh.

Đây là cuộc tuần hành lớn nhất từ trước đến nay nhằm phản đối Brexit, yêu cầu có cuộc trưng cầu ý dân thứ hai ở thời điểm cận kề ngày Anh chính thức rời “ngôi nhà chung” Liên minh châu Âu (EU) ấn định vào cuối tháng 3/2019. Người Anh liệu có còn cơ hội thay đổi khi cũng chính họ hai năm trước đó đã bỏ phiếu chọn rời EU với tỷ lệ đến gần 52%?

Thời điểm đó, việc bà Theresa May ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Anh thay cho ông David Cameron được cho là hành động dũng cảm. Bà May bị buộc vào thế phải “dọn dẹp hậu quả” mà nhóm khởi xướng Brexit để lại. Cựu Thị trưởng London Boris Johnson chính là người dẫn đầu đám đông “gợi ý” Anh rời EU nhưng cũng chính ông bỏ cuộc, không dám nhận vị trí thủ tướng, lèo lái những cuộc đàm phán để Anh có thể bước ra khỏi EU một cách lành lặn nhất. 

Thủ tướng Anh Theresa May có quan điểm không tin tưởng hoàn toàn EU nhưng nhìn cho đại cuộc, bà từng chọn đứng về phía người tiền nhiệm, ông David Cameron vì không muốn có sự xáo trộn ảnh hưởng toàn diện đến đất nước. Thế nhưng, khi phải ngồi vào “ghế nóng”, bà May cứng rắn nhấn mạnh: “Brexit có nghĩa là Brexit. Trưng cầu ý dân đã diễn ra, tỷ lệ bỏ phiếu là câu trả lời cuối cùng để xác định người dân đã đưa ra quyết định. Sẽ không có nỗ lực cho sự níu kéo ở lại EU, và cũng sẽ không có một cuộc trưng cầu ý dân nào nữa. Hãy quên đi việc gia nhập EU trở lại bằng một cách nào đó”.  

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan (thành viên Công đảng đối lập) cho rằng, với tình hình hiện tại, nước Anh sẽ khó tránh được những thiệt hại khi bước ra khỏi EU. Ông mong mỏi một cuộc trưng cầu ý dân mà người dân có thể chọn chấp nhận bản thỏa thuận rời EU hiện tại hoặc chọn ở lại EU. Dù ông Khan cho rằng, không thể đảo ngược cuộc bỏ phiếu tháng 6/2016, nhưng cách mà ông đưa ra chẳng khác nào gieo niềm tin nước Anh có thể quay trở lại thời điểm hơn hai năm trước. Điều này là không thể. 

Bà Theresa May nhận nhiệm vụ quá khó khăn khi phải đảm bảo quyền lợi của người dân Anh giữa dồn dập sức ép từ các bên. Nước Anh chia rẽ sâu sắc vì Brexit là điều không thể phủ nhận. Nhóm ủng hộ ở lại gây sức ép đến mức dọa rằng, Scotland sẽ tổ chức trưng cầu tách khỏi Anh và sau đó gia nhập EU. Điều này buộc nhóm còn lại phải có động thái cứng rắn và quyết liệt, tránh gây ra tâm lý hoang mang làm cho tình hình thêm rối ren.

Chính quyền bà Theresa May vì thế càng phải tỏ thái dộ dứt khoát về việc nước Anh sẽ ra đi, giữ vai trò là một đối tác độc lập, bình đẳng trong quan hệ với EU. Cụ thể là từ bỏ ba giá trị cốt lõi của EU gồm: thị trường chung, liên minh thuế quan và khu vực tự do thương mại. Như thế thì Anh mới có quyền kiểm soát chặt chẽ hơn đối với vấn đề nhập cư và lao động, là một trong những vấn đề sống còn mà người Anh quyết bảo vệ để vực dậy nền kinh tế sau giai đoạn trì trệ kéo dài.

Hơn nữa, Anh cần mở rộng đàm phán, cần nhiều cái bắt tay hợp tác ở những thị trường quốc tế. Cụ thể, trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshimitsu Motegi cuối tháng Bảy vừa qua, phía Anh đã hoan nghênh việc Nhật Bản ủng hộ Anh tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Động thái này cho thấy thông điệp rõ ràng mà phía Anh gửi đi, đó là Anh đang mở đường cho những thỏa thuận thương mại mới thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa của nước này hậu Brexit.

Những ai không chấp nhận Brexit lập luận rằng, nền kinh tế Anh sẽ phải trả giá cho sự cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Theresa May. Họ dẫn số liệu 44% xuất khẩu từ Anh là vào các quốc gia thuộc EU, 20% lao động nam giới có học vấn trung bình và làm trong các ngành công nghiệp nặng sẽ chịu thiệt hại nặng nề vì các rào cản thương mại, ba triệu người dân từ các nước thuộc EU đang sống ở Anh và một triệu người dân Anh sống ở các nước EU sẽ mất những quyền lợi đã có khi Anh còn thuộc EU. 

Còn nhớ, ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố, nhiều người Anh đã ngã quỵ giữa đường phố, rơi nước mắt và lặng đi trong tiếc nuối. Nhưng tất cả đã quá muộn. 

Thiên như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI