Nga mời chuyên gia Anh phân tích hộp đen Su-24; Iraq xuống giọng với Ankara

10/12/2015 - 07:18

PNO - Việc phân tích tỉ mỉ hộp đen Su-24 sẽ giúp chỉ ra đường bay cũng như vị trí của chiếc máy bay này khi bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Nga tìm thấy hộp đen của Su-24

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 8/12 đã trình lên Tổng thống Putin hộp đen - là bộ phận ghi nhận dữ liệu chuyến bay của cường kích Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở Syria hồi tháng trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/12 đã mời các chuyên gia Anh đến giúp phân tích dữ liệu hộp đen. Theo hãng tin AFP, lời mời trên được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa ông Putin và Thủ tướng Anh David Cameron về cuộc khủng hoảng Syria.

Nga moi chuyen gia Anh phan tich hop den Su-24; Iraq xuong giong voi Ankara
Bộ trưởng Sergei Shoigu trình hộp đen của chiếc Su-24 lên Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Ông Putin cũng khẳng định, việc phân tích tỉ mỉ hộp đen sẽ giúp chỉ ra đường bay cũng như vị trí của máy bay Su-24 khi bị bắn hạ. 

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng: "Dù chúng tôi có khám phá ra sự thật nào, Nga cũng không thay đổi thái độ trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi từng xem nước này không chỉ là một quốc gia thân thiện mà còn là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Do vậy, không ai ngờ hành động đâm sau lưng như vậy".

Ngày 24/11, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã phóng tên lửa bắn rơi máy bay Su-24 của Nga sau khi nó vừa hoàn thành chiến dịch không kích IS và đang trở về căn cứ. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hành động này nhằm tự vệ trước việc máy bay Nga liên tục xâm phạm không phận. Trong khi đó, Moscow khẳng định máy bay của họ chưa bao giờ rời không phận Syria.

Iraq xuống giọng khi Thổ cứng rắn

Trong một diễn biến khác trên thực địa, Đại sứ Iraq ở LHQ Mohamed Ali Alhakim bất ngờ dịu giọng khi phát biểu trước báo giới hôm 8/12 về việc Ankara đưa quân sang nước này.

"Chúng tôi đang giải quyết vấn đề giữa Baghdad và Ankara. Chúng tôi vẫn chưa đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đối với chúng tôi, cuộc thảo luận song phương đang diễn ra giữa Baghdad và Ankara rất hữu ích và tốt đẹp", Đại sứ nói.

Nga moi chuyen gia Anh phan tich hop den Su-24; Iraq xuong giong voi Ankara
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đến Iraq chủ yếu huấn luyện cho lực lượng người Kurd - Ảnh: AFP

Tuyên bố trên nêu ra sau khi Nga đưa vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tới Iraq trong một cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Ông Alhakim cho biết Nga đã không tham vấn Baghdad trước khi nêu vấn đề này tại Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, ông Alhakim nhắc lại rằng, Iraq muốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi lãnh thổ nước này ngay lập tức, bởi hành động triển khai quân của Ankara là bất hợp pháp, vi phạm hiến chương LHQ.

Động thái "xuống nước" bất ngờ của Iraq bị ảnh hưởng bởi thái độ cứng rắn của Thổ trước đó. Theo tin từ tờ Der Spiegel (Đức) hôm 6/12, chính phủ Iraq đã ra tối hậu thư yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ra khỏi lãnh thổ của Iraq trong vòng 48 giờ.

Vài ngày trước, chính phủ Thổ đã gửi 20 đến 25 chiến xa và khoảng 150 quân lính Thổ đến trấn đóng tại khu vực Baschika, nằm ở phía bắc của thành phố Mossul (Iraq). Báo chí Thổ (nhuw tờ Hürriyet) cho rằng, con số quân lính lên đến 600 người.

Theo yêu cầu tối hậu của nước Iraq, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút ra khỏi lãnh thổ của Iraq trước chiều thứ ba 8/12. Nhưng việc này đã không xảy ra. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, trong một cuộc điện đàm trực tiếp với tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã yêu cầu khối NATO buộc quân đội Thổ phải rút lui tức khắc ra khỏi lãnh thổ của Iraq.

Bộ trưởng bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu tuyên bố trên đài CNN là quân đội Thổ sẽ không rút lui. Thủ tướng nước này Ahmet Davutoglu sau đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Trước đó, hôm 7/12, trong lúc tình hình căng thẳng leo thang, khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm trái phép lãnh thổ Iraq, thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã cáo buộc nước láng giềng là nơi trung chuyển phần lớn lượng dầu lậu từ IS. Theo đánh giá mới nhất, 43% lượng ngân sách của IS đến từ dầu mỏ lậu.

Trước đó, Nga đã trưng bằng chứng là hình ảnh và video để chứng minh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và gia đình ông dính líu đến hoạt động phi pháp này.

Giới chức Iran sau đó cũng tuyên bố rằng, các cố vấn quân sự trên mặt đất ở Iraq và Syria có hình ảnh các xe tải chở dầu của nhóm khủng bố đi vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, ông Erdogan liên tục bác bỏ các cáo buộc trên và tố ngược Nga mới là bên có quan hệ giao thương với IS. Mỹ cho rằng, lượng dầu buôn lậu của IS qua Thổ Nhĩ Kỳ không đáng kể, vì vậy, Moscow đã cáo buộc Washington che đậy cho đồng minh.

Sự bất đồng trong mối quan hệ giữa các nước càng khiến cho tình hình chính trị, ngoại giao trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây.

Trần Thùy (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI