Huy chương cho sự tử tế

15/08/2016 - 14:57

PNO - Cuối tuần qua, Joseph Isaac Schooling (21 tuổi) đã gây chấn động đường đua xanh Olympic Rio 2016 khi chiến thắng siêu kình ngư Michael Phelps (Mỹ) để đoạt HCV đầu tiên cho bơi lội Singapore, phá kỷ lục Olympic ở cự ly 100m bướm nam.

Điều kỳ diệu trong thể thao không chỉ đến từ thành tích mà còn được tạo nên từ nhân cách của các vận động viên (VĐV).

Tám năm trước, cậu thiếu niên “mặt búng ra sữa” Joseph Schooling hãy còn bẽn lẽn khi được chụp hình cùng thần tượng Michael Phepls (với kỷ lục tám HCV tại Olympic Bắc Kinh). Schooling lúc đó mới chập chững thi đấu quốc tế và ấp ủ giấc mơ mình sẽ được như thần tượng. Giờ đây, với thành tích 100m bướm là 50”39, Schooling lần đầu tiên đăng quang ở Olympic, trong khi Phelps, Le Clos (Nam Phi) và Cseh (Hungary) cùng nhận HCB (khi cùng đạt 51”14).

Huy chuong cho su tu te
Michael Phelps, Joseph Isaac Schooling ngày ấy và bây giờ - Ảnh: REUTERS

Ở Olympic London 2012, Schooling thất bại thảm thương, chính Michael Phelps đã động viên Schooling: “Em còn trẻ, em vẫn còn hành trình dài phía trước. Hãy xem đây là kinh nghiệm cọ xát và cứ tiến lên theo con đường em đã chọn”. Chỉ chừng ấy thôi, nhưng là sức mạnh vô biên giúp Schooling không ngừng luyện tập. Sau khi đoạt HCV 100m bướm Olympic và được chính Michael Phepls chúc mừng, Schooling xúc động: “Tôi không thể là tôi hôm nay nếu thiếu niềm cảm hứng từ anh ấy. Tôi không mang tâm lý cạnh tranh với thần tượng. Tôi chỉ muốn làm tốt nhất khả năng của mình”.

Schooling không phải là người trẻ duy nhất được Michael Phelps thắp lửa. Năm 2006, Katie Ledecky (chín tuổi) may mắn có được chữ ký và chụp hình chung với Phelps tại một sự kiện. Những chia sẻ nhiệt tình của Phelps đã trở thành hành trang quý giá cho Katie phấn đấu theo con đường bơi lội. Ở Olympic 2016, Katie Ledecky, giờ đã 19 tuổi, là thành viên cùng đội tuyển với thần tượng của mình. Katie vừa lập kỷ lục ở nội dung 800m tự do, bỏ xa người về nhì đến 12 giây.

Huy chuong cho su tu te
VĐV Lawrence Lemieux đã mang đến Olympic Seoul 1988 niềm tin vào giá trị tốt đẹp của tinh thần thể thao chân chính - Ảnh: OLYMPIC.CA

Chưa kể, Katie từng chín lần vô địch thế giới, sở hữu năm HCV Olympic. Không hổ danh siêu kình ngư, Michael Phelps (31 tuổi) hiện đang có trong tay 28 HC (23 HCV) ở các kỳ Olympic từ năm 2004 đến 2016. Những gì Phepls dành cho các đàn em như Joseph Schooling, Katie Ledecky đơn giản chính là cảm hứng anh nhận được từ thần tượng của mình - huyền thoại người Australia Ian Thorpe.

Bên cạnh sự đua tranh khốc liệt và cả những tính toán nhỏ nhen, thể thao còn luôn làm cho bất cứ ai cũng phấn khích, cảm động chính vì những bài học vô giá mà những người hùng như Michael Phepls được kế thừa. Ngày 30/4/2012, làng bơi quốc tế chấn động vì tay bơi Na Uy Alexander Dale Oen (27 tuổi), người giữ kỷ lục thế giới 100m ếch, bỗng đột quỵ, qua đời trong lúc tập huấn ở Arizona (Mỹ). Alexander không thể có mặt ở Olympic London năm ấy, nhưng bạn thân của anh là VĐV Hungary Daniel Gyurta đã xuất sắc giành HCV 200m ếch.

Ngay sau khi nhận HCV, Daniel tuyên bố, anh muốn làm một bản sao của HCV Oympic London 2012 để gửi tặng gia đình Alexander Dale Oen. Dĩ nhiên, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không thực hiện bản sao HCV, Daniel phải tự chuẩn bị một huy chương đặc biệt tặng cho người bạn quá cố. Daniel nhắc về người bạn thân với nhiều xúc động: “Alexander không chỉ là VĐV tuyệt vời mà còn là người bạn chân thành, một con người vĩ đại. Tôi nghĩ lẽ ra anh ấy đã đoạt HCV Olympic. Tấm HC đặc biệt này nhắc nhở những ai yêu thương anh ấy về ước mơ không kịp thực hiện bởi cái chết quá đột ngột của anh”. Tình bạn giữa Daniel Gyurta và Alexander Dale Oen là một trong những điểm sáng của bức tranh Olympic đầy ắp cảm xúc.

Trong thi đấu, chiến thắng là đích đến của tất cả các VĐV, nhưng không có nghĩa phải bằng mọi giá để có được nó. Gần 30 năm trôi qua, nhưng lịch sử Olympic vẫn ghi nhớ nghĩa cử cao đẹp của VĐV người Canada Lawrence Lemieux. Tại Olympic Seoul 1988, Lawrence Lemieux đang tạm xếp thứ hai trong cuộc đua thuyền buồm cá nhân, nhưng anh đã từ bỏ khả năng tranh chấp HC để cứu hai VĐV Singapore đang gặp tình huống nguy hiểm, có thể bị gió đánh bật trôi xa ra biển. Nhờ kinh nghiệm đi biển, Lawrence Lemieux ứng biến rất nhanh. Đến khi nhân viên cứu hộ có mặt, anh mới tiếp tục cuộc đua và chỉ xếp thứ 11.

Được hỏi về quyết định dũng cảm ấy, Lawrence Lemieux chia sẻ: “Họ có thể bị lạc giữa biển. Nhìn những con sóng lớn cuồn cuộn, tôi không suy nghĩ gì khác ngoài việc nhanh chóng cứu họ”. Không đoạt HC Olympic, nhưng Lawrence Lemieux được tôn vinh bằng HC De Coubertin (HC Tinh thần thể thao chân chính).

Thiên Như (AOL, Body Building, Olympic.ca, CBS Sports, Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI