Hoa hồng cho em

07/03/2015 - 07:47

PNO - PN - Họ là những bé gái, thiếu nữ, người mẹ bình thường nhưng khi cuộc sống đem đến tai ương hoặc trở ngại, họ kiên cường vượt qua, và không cô đơn trong “cuộc chiến” của chính mình vì còn có người thân, cộng đồng. Những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoa hong cho em

Jordyn Miller (trái) và em gái đội khăn để cùng có “mái tóc” dài - Ảnh: Tarin Miller

Ở tuổi lên năm, cô bé người Úc Jordyn Miller được chẩn đoán mắc chứng ung thư thận. Hai năm qua, có lúc Jordyn gục ngã, không phải vì những cơn đau tột cùng mà vì em sợ ánh mắt kỳ thị, lời trêu chọc từ bạn bè khi nhìn thấy em không còn sợi tóc nào trên đầu do phải hóa trị. Thế nhưng, chính sự hồn nhiên, vô tư của một đứa trẻ và sự sẻ chia từ gia đình, xã hội đã giúp em vượt qua cơn ác mộng đầu đời. Jordyn tự quấn một chiếc khăn lên đầu và xem đó là mái tóc dài em hằng mơ ước.

Hoa hong cho em

Phát thanh viên Mark Ferguson (trái) và vận động viên Eamon Sullivan ủng hộ phong trào đội khăn để khích lệ “ Jordyn rất xinh xắn” - Ảnh: Daily Mail

Charli, em gái ba tuổi của Jordyn nhanh chóng bắt chước chị. Hai chị em thích thú với “quả đầu” mới, khiến mọi người trong gia đình cũng làm theo. Thật bất ngờ, ai cũng chợt nhận ra mình ngộ nghĩnh hơn. Không chỉ người thân của Jordyn chịu buộc khăn mà câu chuyện của Jordyn nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội thông qua những “đại sứ hình ảnh” là người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực. Họ không chỉ động viên Jordyn bé bỏng mà còn muốn thông qua đó để gửi thông điệp yêu thương đến bất cứ ai gặp nghịch cảnh. Trong những bức ảnh đăng lên mạng, họ luôn kèm theo ghi chú “Jordyn rất xinh xắn”.

Sáng kiến vực dậy chính mình của Jordyn tạo nên một phong trào nâng cao ý thức đồng cảm và chia sẻ với bệnh nhân ung thư. Quỹ từ thiện Camp Quality, nhân trường hợp này, kêu gọi mọi người quyên góp nhằm thực hiện hàng loạt tiết mục múa rối đến từng trường học, mục đích giáo dục học sinh tinh thần vì cộng đồng, hướng đến bệnh nhi ung thư. Trong năm 2014, hơn 230.000 học sinh Úc đã được xem tiết mục múa rối ý nghĩa này.

Hoa hong cho em

Bà Hu Fenglian trên đường phố Trung Quốc - Ảnh: Internet

Đường đời của bà Hu Fenglian (50 tuổi) ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chưa bao giờ được trải hoa hồng. Bị bỏng nặng từ lúc sáu tháng tuổi, bà Hu Fenglian chập chững những bước đi đầu tiên… bằng hai đầu gối. Gia đình sống ở vùng nông thôn, tuổi thơ của bà rất cơ cực, bà phụ giúp bố mẹ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt rau củ để đem ra chợ bán, nuôi sáu miệng ăn của gia đình. Trưởng thành, bà Hu Fenglian kết hôn với người đàn ông tưởng rằng đủ dũng khí và yêu thương để gắn bó suốt đời với mình nhưng ngờ đâu, khi con tròn bốn tháng, ông ta bỏ rơi bà.

Mọi thứ không hề dễ dàng với Hu Fenglian nhưng bà chưa bao giờ từ bỏ hy vọng. Hu Fenglian không dựa dẫm vào khuyết tật của mình để “mưu cầu” sự thương xót của bất cứ ai. Bà sẵn sàng làm bất cứ công việc nào phù hợp với khả năng của mình. Cuối năm ngoái, bà tìm được việc làm mới là đánh bóng đá tại một xưởng sản xuất đồ lưu niệm. Từ tháng 7/2014, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã hỗ trợ bà mỗi tháng khoảng 40 USD. Hu Fenglian tâm sự: “Từ bé, tôi luôn tự nhắc rằng không nên đóng cửa đời mình, tôi phải tự tạo đường tới tương lai cho chính mình”. Ý chí mạnh mẽ từ cơ thể không lành lặn của phụ nữ nhỏ bé này đã lan tỏa đến những ai quen biết bà Hu. Họ nhìn vào bà để cố gắng sống tử tế hơn.

Hoa hong cho em

Được đến trường là niềm ao ước của nhiều bé gái Ấn Độ - Ảnh: BrainBuxa

Đôi khi, những điều tưởng chừng hiển nhiên với nhiều người, đơn cử như quyền được tiếp cận tri thức, nhưng lại là niềm ao ước của Neelam Padukone, một thiếu nữ Ấn Độ. Gia đình cô sống ở vùng làng quê thuộc bang Uttar Pradesh, nơi phụ nữ ít được theo đuổi việc học văn hóa đến nơi đến chốn. Không như những người đàn ông thiển cận xung quanh, vốn “trọng nam, khinh nữ”, cha của Neelam, ông Virat Kohli luôn nhắc nhở con gái: “Hạnh phúc là một hành trình dài và con sẽ cảm nhận được niềm vui từ kho tàng tri thức luôn rộng mở mỗi ngày”. Ông Kohli bàn với vợ, quyết định gom góp mọi của cải, kể cả bán đất, để trang trải chi phí học tập cho Neelam không kém gì hai anh của cô. Neelam ham học, từ nhỏ đã khẳng khái nói với cha mẹ là cô không cần của hồi môn về nhà chồng sau này.

Nhờ định hướng đúng và quyết tâm sắt đá của ông Virat Kohli, Neelam hiện là sinh viên y khoa, niềm tự hào và điểm sáng hiếm hoi ở vùng quê mà hầu hết phụ nữ không được theo đuổi con đường học vấn lâu dài. Con đường Neelam Padukone đang đi cũng là lựa chọn của nhiều phụ nữ trẻ Ấn Độ muốn thoát khỏi định kiến xã hội. Nếu có thêm nhiều người cha như ông Virat Kohli thì ngày càng có nhiều cô gái biết dám biến ước mơ thành hành động như Neelam.

 THIÊN ANH
(Theo Daily Mail, Asia One, India Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI