Hẹn hò cũng phải... học

17/05/2019 - 09:06

PNO - Tại Hàn Quốc, tính từ năm 2016 đến năm 2018, số vụ tấn công tình dục mà nạn nhân và kẻ tấn công là cặp đôi đang yêu tăng từ 9.000 lên 19.000 trường hợp.

Kim Joon Hyup công khai hẹn hò lần đầu tiên lúc 24 tuổi. Trông anh hạnh phúc và vui vẻ là thế, nhưng chẳng ai ngờ đó chỉ là phần bài tập mà chàng trai trẻ phải hoàn thành mới có đủ điểm cho môn “Giới tính và văn hóa”. Hẹn hò cũng phải học - là câu chuyện đang diễn ra với không ít người trẻ Hàn Quốc.

Ám ảnh không an toàn

Ngôi trường Kim Joon Hyup theo học là Đại học Sejong ở Seoul. Trường này có một bộ môn đặc biệt mới nghe ai cũng tưởng là chuyện đùa nhưng lại là môn học bắt buộc, môn “Giới tính và văn hóa”.

Giảng viên dạy sinh viên (SV) những khía cạnh của tình yêu, hẹn hò và giới tính. SV không chỉ học “chay” mà còn phải hoàn thành bài tập đặc biệt, đó là hẹn hò với một bạn được chọn ngẫu nhiên. Cuộc hẹn kéo dài trong bốn tiếng sẽ là lúc học viên thực hành những kỹ năng, kiến thức đã học để tương tác, trò chuyện, thể hiện bản thân với người đối diện.

Giáo sư Bae Jeong Weon, một trong những người hướng dẫn chính môn học cho rằng: “Môn học này rất cần thiết vì phần lớn SV thừa nhận chưa từng hẹn hò với bất kỳ người bạn khác phái nào cho đến khi phải làm bài tập này. Một số SV đã tận dụng được cơ hội để tìm cho mình người yêu vì nghĩ rằng rất khó để mở lòng với những người xa lạ”. 

Hen ho cung phai... hoc
Lớp học hẹn hò của giáo sư Bae Jeong Weon

Theo thống kê năm 2018 của Viện Hàn Quốc về sức khỏe và các vấn đề xã hội (KIHSA), phần lớn người Hàn Quốc từ 20-44 tuổi sống độc thân. Chỉ 26% nam giới và 32% nữ giới trong nhóm này đang hẹn hò. Trong số những người đang không hẹn hò thì 51% nam giới và 64% nữ giới nói rằng họ thích ở một mình, chẳng muốn nghĩ đến việc phải chung sống với ai cả.

Lee Ji Su (21 tuổi) cho biết, cô sợ hẹn hò bởi quá ám ảnh từ câu chuyện của người bạn thân. Cô bạn thân của Kim Ji Yeon sau khi đòi chia tay bạn trai đã bị hắn ta tấn công và không ngừng theo dõi trong thời gian dài. Với Kim Ji Yeon, yêu đương và câu chuyện theo sau đó khiến cô có cảm giác không an toàn.

Nữ giới Hàn Quốc có một nỗi sợ đeo bám họ, đó chính là sợ tấn công tình dục bạo lực. Theo số liệu báo cáo từ cảnh sát, trong năm 2017, Hàn Quốc có 32.000 vụ tấn công tình dục, gấp đôi con số năm 2008. Tính từ năm 2016 đến năm 2018, số vụ tấn công tình dục mà nạn nhân và kẻ tấn công là cặp đôi đang yêu tăng từ 9.000 lên 19.000 trường hợp.

Giáo sư Bae cho biết, nội dung môn học hẹn hò của cô không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm sao để hẹn hò mà còn giúp các SV hiểu những khác biệt về giới nhằm ngăn chặn những nhận thức lệch lạc, dẫn đến hệ quả là hành vi gây hại.

Viện Phát triển nữ giới Hàn Quốc đầu năm nay đã làm một cuộc khảo sát và 67% đối tượng cho biết giáo dục giới tính ở trường phổ thông quá hời hợt, khiến họ không dám nghĩ đến chuyện tìm hiểu, yêu một ai đó. 

“Tình phí” cũng là nỗi lo

Những ưu tư của người độc thân Hàn Quốc không chỉ xuất phát từ nhu cầu tình cảm cá nhân mà theo các nhà nghiên cứu còn là hệ quả của tình hình kinh tế, xã hội. Năm 2018 là năm mà tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc tăng cao nhất trong 17 năm qua, ở mức 3,8%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ dưới 30 tuổi lên đến 10,8%.

Một khảo sát khác do công ty tuyển dụng JobKorea thực hiện cho biết, trong số 10 SV ra trường chỉ có một SV tìm được việc làm toàn thời gian. Giữa lúc phải chạy đua, cạnh tranh tìm việc, người trẻ Hàn Quốc không còn thời gian, tiền bạc hay cảm xúc nghĩ đến chuyện yêu đương, hẹn hò lãng mạn.

Ở độ tuổi mà theo lẽ thường sẽ là độ tuổi dành thời gian cho những mối quan hệ tình cảm thì không ít thanh niên xứ Hàn vùi đầu trong những trung tâm, trường học, cố “cày” bài vở để có thêm chứng chỉ hay kỹ năng với hy vọng giúp ích cho việc phỏng vấn xin việc hoặc thăng tiến sau này. 

Kim Joon Hyup là hình mẫu của một SV chăm học như thế. Ngoài việc đều đặn đến trường vào các buổi chiều tối trong tuần, anh còn tham gia lớp học trực tuyến mỗi ngày với thời lượng 30 phút nhằm trau dồi thêm kỹ năng thiết kế game. Chàng trai này chẳng giấu: “Tôi không có nhiều thời gian, thậm chí không có lúc nào rảnh mà gặp ai đó nên tôi không muốn người ta phải phiền lòng vì mình không dành thời gian cho họ”. 

Không chỉ là vấn đề thời gian mà câu chuyện “tình phí” cũng là một lực cản đáng kể. Công ty hỗ trợ hẹn hò Duo ước tính trung bình chi phí cho mỗi cuộc hẹn lãng mạn khoảng 55 USD. Trong khi đó, mức lương tối thiểu của người Hàn Quốc là 7,2 USD/giờ. Nghĩa là, một buổi hẹn tương đương với 7,6 giờ làm việc.

Công ty nghiên cứu thị trường Embrain trong một khảo sát mới đây thu được kết quả rằng, có 81% người trả lời khẳng định “tình phí” là một trong những nguyên nhân khiến họ cảm thấy căng thẳng khi nghĩ đến một mối quan hệ gắn bó.

Một nửa thì cho rằng dù có gặp đối tượng ưng ý thì họ cũng không hẹn hò nếu điều kiện tài chính không ổn định. Hiểu được nỗi khó này, giáo sư Bae cho biết, cô luôn giới hạn mức chi phí cho mỗi buổi hẹn hò trong bài tập của mình, tối đa chỉ 9 USD và các SV luôn được khuyến khích nghĩ cách sáng tạo, lựa chọn hình thức sao cho ít tốt kém nhất. 

THIÊN NHƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI