Đệ nhất phu nhân Mỹ và kho tàng di sản vô giá

19/04/2018 - 18:25

PNO - Nước Mỹ có không ít vị phu nhân như thế. Dù ở vai trò hậu phương, nhưng những gì họ để lại không chỉ là hình ảnh “bông hoa đẹp” khi xuất hiện bên chồng và vai trò hạn chế trong các hoạt động mang tính nghi thức.

Barbara Bush là vợ của tổng thống Mỹ thứ 41 và là mẹ của tổng thống thứ 43. Bà không can dự vào chính sách của chính quyền, nhưng người dân Mỹ dành sự nể phục đối với bà trong tư cách của một người “nội tướng” của gia đình tổng thống.

Người Mỹ tiếc thương vị Đệ nhất phu nhân Barbara Bush vì cả cuộc đời bà toàn tâm toàn ý tạo nguồn cảm hứng bất tận cho chồng con, và nỗ lực vì người dân. Di sản bà để lại có tầm vóc lớn lao, đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực giáo dục.

Michelle Obama

De nhat phu nhan My va kho tang di san vo gia
Vẻ năng động, tự tin của cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama khi quảng bá sáng kiến “Let’s Move!”.

Một trong những Đệ nhất phu nhân gần đây được giới trẻ Mỹ và thế giới nhớ nhất chính là Michelle Obama. Trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của chồng, bà Michelle dù ở vai trò hậu phương đã tỏa sáng bằng chính tài năng, sự nhiệt tình của riêng mình.

Những ngày đầu tiên trên cương vị Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle đã chủ động đến thăm những người vô gia cư, tổ chức những bữa ăn từ thiện cho họ. Người dân khi ấy không biết quá nhiều về bà ngoài thông tin bà là vợ Tổng thống Barack Obama, là một phụ nữ trí thức tốt nghiệp trường Harvard.

Bà Michelle không ngừng chủ động nghĩ ra những việc mình có thể làm giúp ích cho cộng đồng. Bà quan tâm gia đình của các quân nhân, khuyến khích mọi người tự hào về trách nhiệm phụng sự tổ quốc, giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và gia đình, đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật ở các trường học.

Nhận thấy tình trạng béo phì gia tăng nhanh chóng trong xã hội, Michelle Obama chủ động tạo mảnh vườn riêng trong khuôn viên Nhà Trắng có tên “Vườn bếp Nhà Trắng”, khuyến khích người dân tạo thói quen ăn uống lành mạnh.

De nhat phu nhan My va kho tang di san vo gia
Bà Michelle Obama bên vườn rau xanh ở Nhà Trắng.

Năm 2010, sáng kiến “Let’s Move!”(Cùng vận động) của bà được công bố rộng rãi, đánh dấu cột mốc nước Mỹ “tuyên chiến” với nạn béo phì ở trẻ nhỏ. Michelle Obama sẵn sàng nhảy theo điệu nhạc sôi động trước ống kính truyền thông, cố gắng gấy ấn tượng với người dân, buộc họ thay đổi nhậ thức. 

Tháng 5/2014, bà Michelle tham gia chiến dịch yêu cầu phiến quân trả hàng trăm trẻ em gái bị bắt cóc ở Nigeria về với gia đình. Bà đăng lên trang Twitter cá nhân hình ảnh cá nhân kèm chú thích ủng hộ chiến dịch #bringbackourgirls.

Không chỉ mạnh mẽ ủng hộ quyền của trẻ em gái, bà Michelle còn ủng hộ cộng đồng LGBT, là một trong những “quân sư” của Tổng thống Obama đối với những chính sách dành cho cộng đồng này. Năm 2015, Mỹ cho phép các cặp đồng giới kết hôn ở 50 bang.

Với những chính sách mang tính nhân văn như ủng hộ kiểm soát súng tạo cộng đồng an toàn, thay đổi về chính sách y tế liên quan đến bảo hiểm, bà Michelle cũng một mực ủng hộ chồng.  

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 chạm đích, mọi người đổ dồn sự quan tâm và yêu cầu bà Michelle Obama ra ứng cử tổng thống vào năm 2020, vì bà hội đủ yếu tố mà nhiều người dân Mỹ mong đợi.

Thế nhưng, bà Michelle từ chối và cho biết bà chỉ có một khát khao duy nhất là ảnh hưởng những điều tích cực đến mọi người bằng một cách không áp đặt định kiến. Và chỉ thông qua những hoạt động xã hội, bà mới làm được điều này.

Hillary Clinton

De nhat phu nhan My va kho tang di san vo gia
Bà Hillary Clinton tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao trước Thẩm phán Judge Kathryn Oberly, Bill Clinton cầm quyển Kinh Thánh.

Hillary Clinton có thời gian đến 8 năm là Đệ nhất phu nhân Mỹ khi chồng bà, Tổng thống Bill Clinton có 2 nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Thời điểm ấy, bà Hillary Clinton mỗi khi xuất hiện cùng chồng đều thu hút sự chú ý của truyền thông. Bà là Đệ nhất phu nhân đầu tiên có học vị trên đại học.

Bà là Tiến sĩ Luật, là người phụ  nữ am tường công việc chính trị không thua chồng. Thời trẻ, bà là một trong những gương mặt tiêu biểu cho các hoạt động, chiến dịch bảo vệ quyền lợi trẻ em và nữ giới.

Tổng thống Bill Clinton trong nhiệm kỳ cũng đã tin tưởng để họ tham mưu cho mình cách chính sách liên quan đế y tế, củng cố vai trò nữ giới trong xã hội.

Hillary Clinton tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ về nữ quyền mà chưa từng Đệ nhất phu nhân nào làm được. Năm 2008, bà tranh cử tổng thống nhưng thất bại trước ông Obama.

De nhat phu nhan My va kho tang di san vo gia
Bà Hillary Clinton là niềm tự hào của phong trào nữ quyền.

Đến kỳ tranh cử gần đây nhất, bà được đặt kỳ vọng sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Chiến thắng sát sao của tỷ phú Donald Trump không thể dập tắt niềm tự hào của người dân mang tên Hillary Clinton, người  phụ nữ đầy bản lĩnh và tài năng.

Diễn văn tranh cử của bà Hillary Cliton đã thành câu nói truyền cảm hứng cho thế hệ nữ giới trẻ ở Mỹ:

“Tôi ước ao mẹ tôi có thể thấy nước Mỹ chúng ta đang chung tay xây dựng. Một nước Mỹ bạn có thể dự phần, có thể thu hái những thành quả. Một nước Mỹ nơi chúng ta không loại trừ ai, hoặc để ai tụt hậu.

Một nước Mỹ nơi người cha có thể bảo con gái: vâng, con có thể trở thành bất cứ ai, ngay cả Tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ”.

Eleanor Roosevelt

De nhat phu nhan My va kho tang di san vo gia
Eleanor Roosevelt là Đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên phá vỡ những nguyên tắc truyền thống, xây dựng hình ảnh cá nhân độc lập.

Bà là Đệ nhất phu nhân đời thứ 32 của nước Mỹ, thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt kiêm Đệ nhất Phu nhân đời thứ 32 của nước Mỹ. Bà gây ấn tượng bởi sự độc lập, là người đầu tiên phá bỏ truyền thống phải kín đáo của các Đệ nhất phu nhân trước đó.

Bà là người “khai sinh” ra hình ảnh một Đệ nhất phu nhân năng động từ Nhà Trắng đến các hoạt động xã hội, chính trị.

Bà là Đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên thường xuyên tổ chức họp báo, viết các bài chính luận trên các tờ nhật báo lớn và cả nguyệt san. Chưa hết, bà còn chủ trì một chương trình phát thanh, thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về những chính sách dưới thời của chồng.

Đôi khi, bà chẳng ngần ngại thể hiện suy nghĩ khác với Tổng thống Roosevelt.

De nhat phu nhan My va kho tang di san vo gia
Bà Eleanor Roosevelt từng tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người.

Không ngừng nhấn mạnh đến vai trò phụ nữ trong môi trường làm việc, bà kêu gọi bình quyền dành cho các đối tượng phụ nữ gốc Phi, phụ nữ góc Á và cả quyền cho những người tị nạn sau Chiến tranh thế giới lần hai.

Sau khi Tổng thống Roosevelt đột ngột qua đời vào ngày 12/04/1945, bà Eleanor đã thúc đẩy việc nước Mỹ trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc bằng tiếng nói, uy tín của mình trong các hoạt động chính trị, xã hội mà bà đã tham gia.

Bà còn vinh dự đại diện cho nước Mỹ tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Quyền Con người và tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người.

Tổng thống Harry S. Truman gọi bà là Đệ nhất phu nhân của Thế giới, nhằm tôn vinh người phụ nữ đặc biệt này vì những chuyến du hành đưa bà đến nhiều nơi trên thế giới để vận động cho quyền con người. Thời Tổng thống Truman, bà Eleanor giữ vị trí Đại biểu thứ nhất của Mỹ ở Cao ủy LHQ về vấn đề quyền con người.

Thời Tổng thống John F.Kenney, và Eleanor giữ vị trí Đại biểu thứ nhất của Mỹ ở Cao ủy LHQ về vấn đề vai trò phụ nữ.

Thiên Như (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI