Đàm phán thương mại Mỹ-Trung, hai bên giữ kín nội dung

11/02/2019 - 16:27

PNO - Vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn ra tại Bắc Kinh hôm 11/2, khi ngày 1/3 – hạn chót của 90 ngày “đình chiến” thương mại song phương đang gần kề.

Dam phan thuong mai My-Trung, hai ben giu kin noi dung
Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ Jeffrey Gerrish rời khách sạn sáng 11/2 - Ảnh: AP

Cuộc đàm phán Trung-Mỹ cấp thứ trưởng sẽ đặt nền móng cho cuộc gặp cấp cao hơn vào cuối tuần, tuy nhiên các nhà phân tích vẫn nghi ngờ khả năng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng này.

Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ Jeffrey Gerrish không để lộ điều gì khi ông và phái đoàn rời khách sạn ở khu trung tâm Bắc Kinh, ông giữ vẻ mặt nghiêm nghị và không trả lời câu hỏi nào của các phóng viên.

Dự kiến, ông Gerrish và nhóm chuyên viên sẽ đặt nền móng cho các cuộc đàm phán cấp cao hơn vào các ngày 14-15/2 với sự tham gia của Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hà.

Trong khi cả hai bên đều lạc quan về các cuộc đàm phán trước đó ở Bắc Kinh và Washington, thì vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nói rằng “chưa chắc” ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng này, khi mà cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo được coi là chìa khóa để củng cố một thỏa thuận song phương.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà hy vọng các cuộc đàm phán mới nhất sẽ diễn ra tốt đẹp.

Dam phan thuong mai My-Trung, hai ben giu kin noi dung
Phó Thủ tướng Lưu Hà dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia đàm phán - Ảnh: Kyodo

Theo các điều khoản của thỏa thuận đình chiến thương mại Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã thống nhất hồi tháng 12/2018, nếu không đạt được thỏa thuận vào ngày 1/3, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% áp đặt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 9 tới.

Hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vướng vào một cuộc chiến thương mại từ tháng 7/2018, với việc Washington đưa ra các lý do tranh cãi là thâm hụt mậu dịch song phương, thiếu bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường đối với các công ty Mỹ, đánh cắp thông tin trên mạng, chuyển giao công nghệ ép buộc và việc Bắc Kinh trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, song hai bên vẫn còn những khoảng cách lớn chưa thể lấp đầy, mục đích của các cuộc đàm phán hiện tại ở Bắc Kinh tập trung giải quyết các hố ngăn cách còn lại giữa hai bên.

Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á tại công ty tư vấn Oxford Economics của Anh, nói rằng khó khăn là Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh đồng ý cải cách cấu trúc và thể chế kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và chính sách công nghiệp. Bà nói, có khả năng Hoa Kỳ sẽ lại hoãn tăng thuế từ 10% lên 25%.

Việt Hưng (Theo SCMP/AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI