Cuộc sống đa đoan của những phụ nữ chuyển giới tại các tỉnh Hồi giáo Thái Lan

11/06/2018 - 12:01

PNO - Phụ nữ chuyển giới Thái Lan được chấp nhận so với các nước như Malaysia hoặc Indonesia, nhưng những người sống ở phía nam vẫn phải che giấu giới tính thật và chỉ dám thể hiện ở những thành phố cởi mở như Bangkok và Pattaya.

Bất cứ khi nào Ardulmalik Maskul từ Bangkok trở về quê nhà ở tỉnh Pattani thuộc miền nam Thái Lan, cô đều phải trải qua một quá trình thay đổi ngoại hình. Cô xóa bỏ lớp trang điểm, mặc quần thay vì những bộ váy điệu đà và phải chú ý đến cách cư xử. Hầu hết thời gian khi ở quê, cô trở lại ngoại hình của nam giới, không rời khỏi nhà mình.

Cuoc song da doan cua nhung phu nu chuyen gioi tai cac tinh Hoi giao Thai Lan
Asan Sohoh (trái) và Ardulmalik Maskul, hai phụ nữ chuyển giới từ khu vực người Hồi giáo chiếm đa số ở miền Nam Thái Lan. Ảnh: Tibor Krausz

Asan Sohoh cũng rơi vào cảnh tương tự khi trở về Pattani. “Tôi không muốn làm bố mẹ buồn lòng”, cô nói.

Maskul và Sohoh là những người Hồi giáo chuyển giới. "Cuộc sống của chúng tôi khá ngặt nghèo. Ở Pattani, chuyển giới là điều không tốt đẹp gì”, Maskul nói.

Trong những khu vực Phật giáo ở Thái Lan, những người chuyển giới từ nam thành nữ, với cách gọi địa phương là katoey hoặc ladyboy, được tự do sống như phụ nữ.

“Họ được chấp nhận rộng rãi. Họ có thể gặp vài điều bất lợi, nhưng không ai quấy rối họ”, Pornchai Sereemongkonpol, tác giả cuốn sách “Ladyboys: Thế giới bí mật của giới thứ ba tại Thái Lan” cho biết.

Nhưng ở Pattani, một trong ba tỉnh đa số Hồi giáo cực nam Thái Lan, giáp biên giới Malaysia, họ bị bó buộc bởi nhiều rào cản xã hội hơn. Năm 2001, một cuộc nổi dậy ly khai ở khu vực này đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Các chiến binh Hồi giáo tấn công những người theo đạo Phật, các quan chức chính phủ, cảnh sát. Cùng với đó, các vụ đánh bom, xả súng hàng loạt, chặt đầu tại đây bị nghi ngờ do mạng lưới Hồi giáo cực đoan gây ra.

“Tại Pattani tôi không thể ăn mặc như thế này”, Maskul nói, chỉ vào chiếc váy màu xanh hải quân ôm sát cơ thể ngắn trên đầu gối. Cô mặc nó ở một trung tâm mua sắm tại Bangkok và không bị ai dòm ngó. “Nếu tôi làm điều này ở nhà, mọi người sẽ hét lên những lời lăng mạ với tôi. Họ có thể tấn công tôi”, cô cho biết.

Maskul, 35 tuổi, nhân viên xuất nhập khẩu tại một công ty ở Bangkok, nổi tiếng là người rất sôi nổi và vui tươi. Cô cho hay: “Ngay cả khi tôi chỉ mặc đồ kiểu phi giới tính, nhiều người ở Pattani vẫn săm soi tôi từ đầu đến chân, từ chân lên đầu. Tôi thích là trung tâm của sự chú ý, nhưng không phải theo cách đó”.

Cuoc song da doan cua nhung phu nu chuyen gioi tai cac tinh Hoi giao Thai Lan
Sohoh thoải mái thể hiện giới tính thật khi ở Bangkok. Ảnh: Tibor Krausz

Đối với gia đình Maskul, chuyện giới tính của cô không phải trò đùa. Khi Maskul còn ở tuổi thiếu niên, một người chú đã coi thiên hướng giới tính của của cô là sự cố ý lệch lạc và tìm cách ngăn chặn điều đó. Thực tế, ngay từ khi còn nhỏ, Maskul đã cảm thấy mình là một bé gái trong cơ thể một cậu con trai.

Cha cô, một cảnh sát, không hề thích điều này. Ông là một người khắt khe trong những quy tắc xã hội và tôn giáo. “Gia đình tôi khá nghiêm khắc và bảo thủ. Họ luôn biết tôi thực sự là ai, cứ nhìn vào phong cách của tôi mà xem. Nhưng tôi biết họ sẽ không bao giờ có thể chấp nhận tôi”, Maskul cho biết.

Cuộc sống của Sohoh, 26 tuổi, cũng không dễ dàng hơn. “Cha mẹ tôi là người mộ đạo và họ cấm tôi hành động như một cô gái”, cô nhớ lại. Vì vậy, cô đã sống với hai giới tính: cô bí mật trang điểm, nhưng tham dự các buổi lễ ở nhà thờ Hồi giáo trong trang phục nam giới. “Thay vì cố gắng thay đổi cha mẹ, tôi đã cố gắng tuân theo và hành động như cách họ muốn”, Sohoh nói.

Cách đây vài năm, cô chuyển đến Bangkok học đại học và cuối cùng cũng được thể hiện con người thật của mình. Giờ đây, cha mẹ Sohoh đã chịu chấp nhận cô. Nhưng những người họ hàng không được rộng lòng như vậy. Mười một người chú, dì của Sohoh từ mặt, chế nhạo cô, thậm chí xúi giục cha mẹ Sohoh cắt đứt quan hệ với cô.

Giống như nhiều phụ nữ chuyển giới khác ở Thái Lan, Sohoh làm việc trong ngành kinh doanh giải trí. Năm 2017, cô được trao vương miện Hoa hậu Nữ hoàng Mimosa tại một cuộc thi sắc đẹp có uy tín ở thành phố ven biển Pattaya.

Tại Bangkok, các cộng đồng Hồi giáo vẫn khá cởi mở trong vấn đề chuyển giới. Tuy nhiên, ở các tỉnh phía Nam Thái Lan, điều đó không được phổ biến như vậy. Theo Maskul¸cô không thể đến nhà thờ Hồi giáo tại quê nhà trong hình dáng một phụ nữ.

Cuoc song da doan cua nhung phu nu chuyen gioi tai cac tinh Hoi giao Thai Lan
Maskul ở Bangkok. Ảnh: Tibor Krausz

“Thật khó cho chúng tôi để là người Hồi giáo trong một xã hội bảo thủ. Xã hội Hồi giáo được chia thành những người đàn ông và phụ nữ ở nơi công cộng. Tôi không biết tôi nên đi đâu để cầu nguyện. Tôi nên tham gia với phụ nữ hay nam giới? Vì thế, tôi không đi đâu cả. Tôi ở nhà”, Maskul nói.

Sohoh nói: “Nếu tôi sinh ra ở Malaysia hoặc Indonesia, tôi sẽ còn gặp nhiều vấn đề hơn”.

Ở Thái Lan - quốc gia 69 triệu dân, ước tính có khoảng 250.000 người chuyển giới. Trong các khu vực du lịch cởi mở thường có rất nhiều “ladyboy”. Tuy nhiên, ở ba tỉnh phía Nam, nơi người Hồi giáo chiếm đa số, hầu như không có người chuyển giới nào xuất hiện công khai.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không tồn tại. Một trong những người anh em của cha Maskul cũng là người chuyển giới. Ông Jiseng chưa từng kết hôn, nhưng cũng không bao giờ công khai mình là người chuyển giới.

“Ông ăn mặc như một người đàn ông, nhưng thích những thứ xinh xắn như cắm hoa. Trong trái tim, ông cũng là một người phụ nữ như tôi”, Maskul nói, khoe hình ảnh của một người đàn ông trên điện thoại di động của cô.

“Mẹ tôi cởi mở hơn và thường mắng cha tôi: Tại sao ông không thể chấp nhận con mình? Em của chính ông cũng là một người chuyển giới!”, Maskul kể.

Cuoc song da doan cua nhung phu nu chuyen gioi tai cac tinh Hoi giao Thai Lan
Một cuộc thi sắc đẹp cho phụ nữ chuyển giới tại Pattaya. Ảnh: John Vincent/Alamy Live

Maskul và Sohoh vẫn bị giằng co giữa bản sắc giới tính và đức tin của họ. Sohoh cầu nguyện hàng ngày, tham dự các buổi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo và không ăn thịt lợn hoặc uống rượu. Cô nói: “Nếu tôi chết, tôi có thể không được tổ chức tang lễ Hồi giáo. Có một điều tôi không thể làm vì đức tin của tôi - thay đổi con người mình. Chỉ Allah mới biết được trái tim tôi. Chỉ ngài mới có thể phán xét tôi”.

Cả cô lẫn Maskul đều không trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mặc dù điều này khá phổ biến với những phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan. Trong Hồi giáo, các hoạt động thay đổi giới tính thường bị coi là haram (điều bị cấm).

“Tôi không muốn trở thành một người phụ nữ hoàn toàn. Khi tôi lớn lên, tôi muốn hành hương đến Ả Rập Xê-út”, cô nói, đề cập về cuộc hành hương đến Mecca - điều bắt buộc đối với những người Hồi giáo.

“Chúng tôi biết, việc sống như mình là một tội lỗi trong đạo Hồi. Vì vậy, trước khi chết, chúng tôi sẽ phải quay trở lại cách mình được sinh ra. Tôi sinh ra là một người Hồi giáo và tôi sẽ chết một người Hồi giáo. Nhưng, tôi không chọn sống theo cách này, mà vẫn bị coi là một tội nhân. Tôi không thể nuôi ria mép và tập luyện để có nhiều cơ bắp hơn như một người đàn ông. Đó không phải là tôi”, Sohoh cho biết.

Hai người phụ nữ Hồi giáo chuyển giới mong muốn người thân của họ cũng sẽ nhận ra điều đó. Sohoh nói thêm: “Một số người anh em họ của tôi là côn đồ, hoặc sử dụng ma túy. Nhưng gia đình tôi nghĩ rằng điều đó vẫn tốt hơn là chuyển giới. Chúng tôi không làm tổn thương hoặc làm phiền bất cứ ai. Chúng tôi chỉ muốn được là chính mình”.

Lan Phương (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI