Chồng đeo bảng tìm người cho vợ một quả thận

28/12/2018 - 13:00

PNO - Câu chuyện về người chồng đi đâu cũng đeo tấm biển xin thận cho vợ khiến nhiều người xúc động.

Dưới đây là nội dung câu chuyện mà biên tập viên của kênh CNN chứng kiến và kể lại:

Hôm đó là một chiều thứ Sáu như mọi ngày, tôi ăn trưa xong, đi bỏ đồ giặt khô rồi dừng chân trước cửa hàng Target địa phương để mua thuốc uống.

Khi đi đến quầy, tôi nhìn thấy một người đàn ông mặc áo khoác đen, đeo ba lô dán tấm giấy mang dòng chữ "Cần một quả thận cho vợ, nhóm máu B +, ĐT 917-442-6202”.

Không biết phải làm gì, tôi nhanh chóng dùng điện thoại di động chụp một bức ảnh. Và rồi anh đi khỏi. Mặc dù tôi vốn ghét đăng ảnh của mọi người lên mạng nếu không được chấp thuận, nhưng tôi quyết định chia sẻ hình ảnh chụp được lên Twitter, vì không ai thấy mặt của người chồng trong ảnh, nhưng quan trọng hơn vì đây là một thông điệp rất quan trọng.

Trong vòng vài giờ, bức ảnh người đàn ông “xin một quả thận cho vợ” (sau này tôi được biết người chồng là anh Raymond Thompson) đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Twitter. Những người nổi tiếng như Zach Braff, Martina Navratilova và Evan Rachel Wood đã chia sẻ bức ảnh. Nữ diễn viên Sarah Hyland, người mới đây tiết lộ cô đã ghép thận lần thứ hai, cũng chia sẻ hình ảnh này.

Chong deo bang tim nguoi cho vo mot qua than
Một biên tập viên của CNN chụp được bức ảnh người đàn ông đeo bảng tìm người hiến thận cho vợ - Ảnh: CNN

Gần một tuần sau, bức ảnh đã được chia sẻ hơn 23.000 lượt và nhận được 35.000 lượt like.

“Người xin thận” Thompson sống ở Brooklyn, New York, với vợ Mylen và cô con gái 4 tuổi Rachel. Anh Thompson thậm chí không có tài khoản Twitter. Nhưng anh biết điều gì đó đang diễn ra khi điện thoại của anh ta liên tục rung chuông báo các cuộc gọi đến và tin nhắn từ những số lạ trên toàn thế giới. Những người lạ đề nghị cho Mylen vợ anh một quả thận.

Khi tôi gọi Raymond Thompson, anh ấy nhận ra tên tôi, vì những người khác đã gửi cho anh ấy ảnh chụp màn hình tài khoản Twitter của tôi.

Anh kể lại chuyện vợ chồng anh đến với nhau như thế nào. Thompson và Mylen gặp nhau trong một phòng chat AOL năm 2000 và họ gắn bó với nhau nhờ cùng có chung tình yêu môn đấu vật chuyên nghiệp. Hai năm trước, Mylen được chẩn đoán mắc bệnh thận.

"Mylen gọi đến nơi tôi làm việc và nói 'Anh yêu, anh về nhà ngay bây giờ nhé’.  Lúc tôi có mặt ở nhà, cô ấy nói rằng cô mất cảm giác nửa người bên phải, nó bị tê”, Raymond kể với tôi. Anh cũng cho biết, hiện tại mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 3 tiếng vợ anh phải chạy thận nhân tạo ở một trung tâm lọc máu, việc này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cô.

Toàn bộ các thành viên gia đình Mylen và Thompson đều đã xét nghiệm, nhưng không ai phù hợp để cho thận. Thompson được truyền cảm hứng từ câu chuyện của Rob Leibowitz, người mặc chiếc áo phông in dòng chữ "Cần thận" đứng tại công viên chủ đề Thế giới Disney, và “nước cờ” cuối cùng đã may mắn phát huy tác dụng.

Một điều Thompson muốn làm rõ, là gia đình anh sẽ không thiết lập quỹ GoFundMe để xin tài trợ các chi phí y tế, vì bảo hiểm việc làm của anh và chương trình trợ cấp y tế Medicaid trang trải cho các chi phí này. Quả thận là thứ duy nhất họ cần. Thompson nói, có một vài người đến gặp gia đình anh và đề nghị giúp đỡ bằng tiền, nhưng lần nào anh cũng từ chối.

Mới đây, gia đình Thompson quyết định chuyển Mylen đến Bệnh viện Langone của Đại học New York, một động thái nhằm tạo thuận lợi để kiểm tra mức độ phù hợp của những người muốn cho thận, trong đó có người ở tận Pakistan và Úc.

Một trong những người có nguyện vọng cho thận là Becca Joyner, cô từng xem thông tin chia sẻ trên Twitter của nữ diễn viên Patti Murin (đóng vai Anna trong vở diễn "Frozen" trên sân khấu Broadway).

Joyner là một thư ký quận ở Farmville, Bắc Carolina, cô mắc bệnh Crohn và gần đây trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột của mình. "Tôi đã vào bệnh viện nhiều hơn số lần đếm trên 10 đầu ngón tay, tôi rất sợ hãi và biết có bệnh phải nằm viện là thế nào. Có điều gì đó thôi thúc tôi liên hệ với bạn để xem có thể giúp đỡ được cho bạn hay không”, Joyner viết cho Thompson.

Raymond Thompson lên kế hoạch liên lạc với những người muốn cho thận vào tháng Giêng tới, nhưng có khi anh phải đẩy nhanh quá trình này, vì bức ảnh “xin thận cho vợ” đã tìm được người để sớm chấm dứt những ngày chạy thận nhân tạo của vợ anh.

"Bệnh tật không chừa một ai", Thompson. "Tôi trân trọng tất cả những người muốn giúp đỡ, chúng tôi rất trân trọng những thông điệp của họ”.

Thật vậy, người chờ ghép thận thường phải chờ đợi rất lâu. Trong số gần 100.000 người chờ được ghép thận trong năm 2017, chỉ có khoảng 20% trường hợp tìm được người cho thận thích hợp. Theo Mạng lưới chia sẻ tạng Hoa Kỳ (UNOS), tìm kiếm người cho thận phù hợp thường mất trung bình từ 3 đến 5 năm.

Một người bị thông điệp “xin thận” của Raymond Thompson tác động rất mạnh chính là vị biên tập viên CNN đăng câu chuyện này. Sau lần đầu tiên nhìn thấy Thompson tại cửa hàng Target, người viết đã đăng ký hiến tủy và xin cuộc hẹn để hiến máu.

Họ đều cùng mua sắm tại một cửa hàng Target, họ cũng là hàng xóm của nhau, và hai người đã lên kế hoạch uống cà phê sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Tô Châu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI