Canada: Muốn chết như ý cũng không dễ

17/11/2018 - 09:35

PNO - Theo luật pháp Canada, bệnh nhân muốn được chết phải đủ minh mẫn để xác nhận mong muốn hai lần: tại thời điểm đưa ra yêu cầu và ngay trước khi dùng thuốc tự tử.

Sau gần ba năm chiến đấu với bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, chịu đựng đau đớn kinh hoàng, Audrey Parker - 57 tuổi, nghệ sĩ hóa trang truyền hình - nộp đơn xin được bác sĩ trợ tử. Ước nguyện của bà được thực hiện, nhưng theo đó là cả một vấn đề.

Canada: Muon chet nhu y cung khong de
Luật trợ tử của Canada vấp phải chỉ trích vì còn nhiều hạn chế.

Theo luật pháp Canada, bệnh nhân muốn được chết phải đủ minh mẫn để xác nhận mong muốn hai lần: tại thời điểm đưa ra yêu cầu và ngay trước khi dùng thuốc tự tử.

Trong cuộc phỏng vấn với CTV News, Parker chia sẻ về mơ ước tận hưởng lễ Giáng sinh cuối cùng, nhưng lo sợ thời gian sẽ cướp mất năng lực nhận thức, không cho phép bà xác nhận được chết lần thứ hai. Nữ nghệ sĩ xấu số cho rằng bản thân bị ép ra đi sớm hơn dự định.

Trong lời chia tay trên Facebook đăng sáng ngày 01/11, Parker viết rằng “chết là một việc rất lộn xộn” và bệnh nhân nhận trợ tử y tế nên được tự do “quyết định thời điểm ra đi của bản thân”. Cuối ngày hôm đó, bà qua đời sau mũi tiêm thuốc độc.

Kể từ khi luật này được chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau thông qua vào năm 2016, tạo điều kiện trợ tử y tế cho người trưởng thành “mắc bệnh nan y, đau đớn và sớm nhìn trước cái chết”, hơn 3700 công dân nước này đã qua đời theo cách đó.

Canada: Muon chet nhu y cung khong de
Từ khi luật này được thông qua năm 2016, hơn 3700 công dân nước này đã qua đời theo cách đó.

Chỉ trích về luật này một lần nữa dấy lên sau cái chết của Parker. Rõ ràng, bệnh nhân phải lựa chọn: một là từ bỏ cái chết như họ mong muốn, tiếp tục kéo dài đau khổ; hoặc hai là phải kết thúc cuộc sống sớm hơn dự định. Cả hai kịch bản đều không đảm bảo quyền tự chủ cơ bản của bệnh nhân.

Shanaaz Gokool, giám đốc điều hành của tổ chức Dying With Dignity Canada, nhận xét: “Nội dung điều luật là nụ cười mỉa mai đáng buồn đối với hệ thống pháp luật nước ta”.

Theo Gary Rodin, bác sĩ phụ trách bộ phận chăm sóc hỗ trợ tại Trung tâm Ung thư Công chúa Margaret ở Toronto, những trường hợp như Parker "chắc chắn không hiếm".

Khi Canada soạn thảo luật này, hai ủy ban tư vấn độc lập đã khuyên chính phủ cho phép sử dụng “yêu cầu tạm ứng” - hướng dẫn chi tiết bằng văn bản các điều khoản liên quan phải được tuân thủ ngay cả khi bệnh nhân mất năng lực nhận thức và hành vi, không thể lần thứ hai xác nhận mong muốn được chết.

Nhưng yêu cầu này cũng bị phản đối vì lo ngại gây tổn hại cho đối tượng dễ tổn thương, đặc biệt là bệnh nhân rối loạn thần kinh thoái hóa như mất trí nhớ, không thể tự lên tiếng mà buộc phải phụ thuộc vào quyết định của người khác. Sau quá trình xem xét, chính phủ quyết định loại bỏ “yêu cầu tạm ứng” như một biện pháp an toàn.

Canada: Muon chet nhu y cung khong de
Luật trợ tử Canada không đảm bảo quyền tự chủ cơ bản của bệnh nhân.

Theo Jocelyn Downie, giáo sư luật y tế và đạo đức tại Đại học Dalhousie kiêm thành viên của ủy ban cố vấn, quyết định trên đem lại những hậu quả không thể lường trước. Một số người buộc phải chết sớm hơn dự định, trong khi các bệnh nhân khác phải sử dụng thuốc giảm đau để đủ minh mẫn xác nhận mong muốn trợ tử lần hai, chịu đựng muôn vàn đau đớn.

Theo Ủy ban sức khỏe cộng đồng quốc gia Canada, mất khả năng nhận thức và hành vi là lý do hàng đầu khiến thủ tục bị từ chối.

Giáo sư Downie chỉ ra sự khác biệt giữa các trường hợp như Parker và bệnh nhân mất trí nhớ, do bà Parker hoàn toàn làm chủ quyết định của bản thân.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mất trí nhớ thường tận dụng thời điểm tỉnh táo để nêu ra yêu cầu chăm sóc, được các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và luật sư tôn trọng. Ví dụ, họ có thể từ chối điều trị viêm phổi hoặc từ chối sử dụng ống xông khi không thể tự ăn.

Downie nói: “Các trường hợp mất trí nhớ phức tạp không có nghĩa là chúng ta không nên cho phép trợ tử”.

Canada: Muon chet nhu y cung khong de
Luật pháp Canada yêu cầu chính phủ ủy thác một nghiên cứu độc lập tập trung vào trợ tử.

Khi được hỏi về tương lai sửa đổi luật trợ tử của chính phủ, bộ trưởng y tế liên bang Ginette Petitpas Taylor bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của Parker:

"Nếu chỉ xem xét riêng hoàn cảnh của bà ấy, tôi hoàn toàn sẽ phê duyệt yêu cầu ban đầu. Tuy nhiên, là một nghị sĩ, luật pháp chúng tôi thông qua hướng tới phù hợp với tất cả công dân Canada".

Luật pháp Canada yêu cầu chính phủ ủy thác một nghiên cứu độc lập tập trung vào trợ tử liên quan đến ba loại đối tượng: những người như Parker muốn “yêu cầu tạm ứng”, bệnh nhân tâm thần và trẻ vị thành niên.

Hội đồng Học viện Canada, tổ chức phi lợi nhuận với trọng tâm chính sách công, sẽ công bố báo cáo vào tháng tới, trong đó tóm tắt các bằng chứng nhưng sẽ không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào.

Ngọc Anh (theo The Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI