Bộ Tư pháp Mỹ sẽ làm gì với phán quyết chống sắc lệnh nhập cư?

04/02/2017 - 12:01

PNO - Nhà Trắng tối 3/2 cho biết Bộ Tư pháp sẽ can thiệp hủy bỏ phán quyết của các thẩm phán yêu cầu ngừng trên toàn quốc sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump.

Phán quyết ngừng áp dụng sắc lệnh nhập cảnh được Thẩm phán liên bang James Robart, tiểu bang Washington, ký ban hành có hiệu lực trên toàn quốc từ ngày 3/2. Chính quyền Trump ban đầu gọi phán quyết này là "thái quá", nhưng ít phút sau đã bỏ từ đó trong tuyên bố thứ hai về vấn đề này.

Bo Tu phap My se lam gi voi phan quyet chong sac lenh nhap cu?
Thẩm phán James Robart phán quyết ngưng sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump trên toàn quốc từ ngày 3/2 - Ảnh: ABC News

Tuyên bố về phán quyết của thẩm phán Robart, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói: "Trong thời gian sớm nhất có thể, Bộ Tư pháp sẽ can thiệp khẩn cấp đối với phán quyết ‘thái quá’ này và bảo vệ các sắc lệnh hành chính của Tổng thống, mà chúng tôi tin là hợp pháp và thích hợp”. Ông Spicer lưu ý, sắc lệnh của Tổng thống là nhằm bảo vệ đất nước và ông Trump có quyền hiến định cũng như trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ.

Phán quyết của Thẩm phán liên bang James Robart, người được George W. Bush bổ nhiệm chủ tọa tại tiểu bang Washington, là một trở ngại đáng kể đối với lệnh cấm đi lại gây tranh cãi của Tổng thống Trump và tạo ra một vòng hỗn loạn trên toàn quốc về tính hợp pháp của chính sách.

Theo phán quyết này, lệnh hạn chế nhập cư sẽ bị dỡ bỏ. Về mặt hành chính, giờ đây công dân của 7 nước Syria, Yemen, Sudan, Lybia, Iran, Iraq và Somalia hoàn toàn có thể xin thị thực. Trước đó, theo sắc lệnh của ông Trump, khoảng 60.000 thị thực của công dân các nước nói trên đã bị thu hồi. Vụ chống sắc lệnh của tổng thống Trump tại tòa án Seattle ban đầu do tiểu bang Washington thực hiện và sau đó có tiểu bang Minnesota tham gia.

Tối 3/2, Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) đã thông báo với các hãng hàng không rằng CBP sẽ bắt đầu khôi phục lại thị thực một cách nhanh chóng. "Tòa án kết luận rằng những tình huống đưa ra trước đó nay phải can thiệp để thực hiện vai trò hiến định trong chính phủ tam quyền của chúng ta”, thẩm phán Robart đã viết trong phán quyết ban hành.

Bo Tu phap My se lam gi voi phan quyet chong sac lenh nhap cu?
Người dân Mỹ biểu tình chống sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump - Ảnh: CNN

"Đây là chính xác những gì chúng ta đang tìm kiếm", Tổng Chưởng lý Washington Bob Ferguson nói với phóng viên CNN ngay sau khi có lệnh của thẩm phán Robart. Ông xác nhận “chúng ta có vô khối những khiếu nại liên quan đến Hiến pháp”.

Thống đốc tiểu bang Washington, Jay Inslee coi quyết định này là một chiến thắng của tiểu bang và nhấn mạnh: "Không ai, kể cả tổng thống, có thể đứng trên luật pháp".

Hiện đã có 5 tiểu bang - Virginia, Washington, Minnesota, New York và Massachusetts - nộp đơn kiện sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Trump. Trong khi đó tổng chưởng lý của 16 tiểu bang cùng đại diện của Washington, D.C. đầu tuần này đã ra tuyên bố chung, gọi sắc lệnh hạn chế nhập cư là "vi phạm hiến pháp, không đại diện cho người Mỹ và bất hợp pháp".

QUẾ LÂM (Theo CNN, ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI