Bình đẳng để chung sống, không phải để đối đầu

08/03/2019 - 11:30

PNO - Phụ nữ phải được tôn trọng thay vì bị xem là phương tiện tiêu khiển. Trong nỗ lực này, phụ nữ không đối đầu với nam giới. Họ chỉ đối đầu với cái xấu, diệt trừ “sâu bọ” trong những tâm tưởng bệnh hoạn.

Có phải “nữ quyền” luôn gắn liền với hình ảnh, sắc thái biểu cảm của sự đối đầu, thách thức, “gây thù hằn”? Không. Phong trào nữ quyền hướng đến bình đẳng không là câu chuyện độc quyền của nữ giới mà cần sự nỗ lực của cả cộng đồng.

Quyền bình đẳng không đương nhiên có. Những nhà nữ quyền thuộc “làn sóng nữ quyền thứ nhất”, khoảng thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã chiến đấu cho những quyền mà ngày nay chúng ta cho là hiển nhiên. Xã hội từng khước từ quyền bỏ phiếu, sở hữu tài sản, thừa kế, giữ đồng tiền mình kiếm được, theo học cao đẳng… của phụ nữ.

Binh dang de chung song, khong phai de doi dau
Matt Chen (trái) và Matias Benitez

“Làn sóng nữ quyền thứ hai” vào khoảng sau thế chiến thứ II, từ đó mới có những bản hiến pháp nhắc đến bình quyền cho nữ giới trên khắp thế giới. Nỗ lực đòi bình đẳng chưa từng dừng lại trong nhịp sống thời đại.

Mới đây, người dùng smartphone thế giới đã đặt vấn đề với Google và Apple về việc họ đang dung túng cho ứng dụng Absher - ứng dụng cho phép nam giới Saudi Arabia theo dõi và ngăn người phụ nữ họ giám hộ ra nước ngoài. Theo luật ở Saudi Arabia, phụ nữ phải chịu sự giám hộ của một người đàn ông và chỉ khi người này đồng ý, phụ nữ mới có thể ra ngoài.

Google và Apple khẳng định họ không sai, vì luật Saudi Arabia là thế, nhưng nếu xét về giá trị mà hai ông lớn trong làng công nghệ này tuyên bố là luôn theo đuổi thì đây là bước thụt lùi của họ. Tháng Sáu năm ngoái, phụ nữ Saudi Arabia giành chiến thắng qua việc chính quyền hợp pháp hóa quyền lái xe cho họ. Hơi thở nữ quyền là thế - đòi những quyền của mình, những quyền bị cấm đoán chỉ vì những rào cản định kiến cũ kỹ.

Nỗ lực bình đẳng còn là nỗ lực vượt qua tiếng nói nội tâm, bước ra khỏi vùng tăm tối của tổn thương, giày vò. Phong trào #metoo khuyến khích nạn nhân bị lạm dụng, xâm hại tình dục tố cáo kẻ quấy rối. Đó là đòi hỏi chính đáng. Phụ nữ phải được tôn trọng thay vì bị xem là phương tiện tiêu khiển. Trong nỗ lực này, phụ nữ không đối đầu với nam giới. Họ chỉ đối đầu với cái xấu, diệt trừ “sâu bọ” trong những tâm tưởng bệnh hoạn.

Nữ ca sĩ, diễn viên Lady Gaga (người vừa giành tượng vàng Oscar), dù ở vị trí ngôi sao hạng A, thành công và được yêu mến khắp toàn cầu, vẫn ôm vết thương quá khứ - từng bị một nhân vật “tai to mặt lớn” trong làng giải trí lạm dụng khi cô mới chập chững vào nghề. Lady Gaga, dù gây ấn tượng với vẻ ngoài gai góc đến đâu, trong cô vẫn có nếp hằn bất bình đẳng mà cô đang cố gắng xóa bỏ. Nếu tồn tại suy nghĩ về quyền bình đẳng, có lẽ những tên yêu râu xanh sẽ biết e ngại khi hiểu rằng, nữ giới không phải là khoảng trống cho những xấu xí ấy lộ diện. Bình đẳng không chỉ qua những hành động, mà đó là cách lựa chọn thái độ, lựa chọn một hệ niềm tin.

Hành trình không đơn độc

Bình đẳng nghĩa là không có bất kỳ sự thiên vị, lấp liếm nào khi đưa lên bàn cân soi chiếu ý thức về quyền. Hành trình này, phụ nữ không đơn độc. Nam giới đồng hành vì họ hiểu, nữ quyền và bình đẳng là tiến trình không thể cưỡng lại. Như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chia sẻ tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về nữ giới tại Mỹ năm 2016, tiến trình bình đẳng là sự nối tiếp của hàng thập niên, không ồ ạt, nhưng đủ kiên định và bền bỉ.

Hai năm trước, khi trò chuyện với cô em gái về câu lạc bộ nữ quyền tại trường của em, Matias Benitez tự hỏi, liệu trường chuyên nam Regis mà mình đang theo học cũng nên có một câu lạc bộ như thế.

Binh dang de chung song, khong phai de doi dau
Chiến dịch HeForShe mang thông điệp “nữ quyền là câu chuyện liên quan đến tất cả mọi người”

Matias Benitez nhắn ngay cho cậu bạn thân Matt Chen và quyết định lập câu lạc bộ về nữ quyền tại trường Regis. Hai chàng trai trẻ người Mỹ tìm hiểu về HeForShe - chiến dịch do Liên Hiệp Quốc phát động vào năm 2014, lấy đó làm mô hình xây dựng câu lạc bộ. HeForShe kêu gọi mọi người cùng hành động chống lại định kiến giới, khuyến khích nam giới hành động cho chính tương lai của họ.

Tại câu lạc bộ mà Matt và Matias điều hành, nam sinh sẽ tìm hiểu, trao đổi về những trở ngại mà bất bình đẳng giới mang đến. Không chỉ nữ giới, thực tế, nam giới cũng phải sống với áp lực, bởi hệ niềm tin phi lý mà xã hội áp đặt. Xã hội tin rằng, nam giới luôn mạnh mẽ, phải làm những chuyện lớn lao, phải có thành tựu, không được rơi nước mắt và không nên theo đuổi những công việc mà xã hội cho rằng đó là việc của nữ giới. Matt và Matias biết, họ đã không quyết định sai khi thành lập câu lạc bộ. Họ đang từng ngày dỡ bỏ trong chính mình những gánh nặng tâm lý suốt bao năm đeo mang.

Trong bài chia sẻ về nữ quyền trên tạp chí Vogue, cũng trong năm 2016, ông Obama trải lòng: “Tôi đã chứng kiến bao người phụ nữ có thể tự do quyết định cuộc đời, biết làm thế nào để cuộc sống tốt hơn, từ cách ăn mặc, học vấn cho đến xây dựng sự nghiệp, tài chính riêng. Đã qua rồi cái thời phụ nữ lấy chồng để dựa dẫm hay đảm bảo một cuộc sống ổn định. Vẫn còn rất nhiều việc chúng ta cần làm, để nâng cao nữ quyền trên khắp thế giới”.

Thế giới này cần sự thấu hiểu, cảm thông để chung sống, vì đã quá dư thừa sự đối đầu. Và như cách nói của Matt Chen và Matias Benitez: “Chủ nghĩa nữ quyền không phải dành cho nữ giới hay nam giới mà dành cho mọi người”. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI