Bài 2: Phong trào #metoo tác động đến chính trường Mỹ như thế nào?

10/10/2018 - 07:00

PNO - Tròn một năm từ khi nước Mỹ biết đến phong trào #metoo sau cú ngã ngựa của Harvey Weinstein, đây không còn là chuyện hậu trường trong thế giới giải trí, mà đã trở thành làn sóng buộc nước Mỹ thay đổi.

Chao đảo chính trường

Chỉ riêng ở Mỹ, có hơn 400 cá nhân bị tố cáo đã có hành vi tấn công, xâm hại tình dục. Trong đó, 90 chính trị gia có trong “danh sách đen” này. Ít nhất 40 nghị sĩ ở 20 bang của Mỹ gặp rắc rối với các cáo buộc ở các mức độ khác nhau. Hai quan chức của Nhà Trắng cũng đã từ chức dù họ một mực phủ nhận cáo buộc.

Bai 2: Phong trao #metoo tac dong den chinh truong My nhu the nao?
Ông Brett Kavanaug trong phiên điều trần về các cáo buộc tình dục khi được đề cử làm Thẩm phán Tòa án tối cao. Ảnh: AFP

Bài 1: Cơn bão #metoo cuộc chiến không khoan nhượng với nạn bạo lực tình dục 

Bài 2: Phong trào #metoo tác động đến chính trường Mỹ như thế nào? 

Bài 3: Đến lượt ngành công nghiệp giải trí và truyền thông Ấn Độ rúng động vì #metoo 

Bài 4: Quả bom #metoo ở Nobel 2018 và cuộc cách mạng 'màu đen' trong làng giải trí thế giới

Mới đây nhất, một trường hợp không thể không nhắc đến chính là việc bổ nhiệm ông Brett Kavanaugh vào vị trí thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ. Ba cáo buộc tấn công tình dục đã làm trì hoãn quá trình bỏ phiếu bổ nhiệm ông Kavanaugh. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ tới viễn cảnh #metoo làm thay đổi cục diện của Tòa án Tối cao theo hướng tự do hơn, nếu như ông Kavanaugh không có đủ số phiếu cần thiết.

Mặc dù các cáo buộc tấn công tình dục làm tiến trình bỏ phiếu gặp nhiều bất lợi, Brett Kavanaugh vẫn được chọn làm Thẩm phán Tòa án tối cao, đánh dấu thắng lợi quan trọng cho chính quyền Tổng thống Trump và những người theo đường lối bảo thủ. Động thái này đã khiến hàng ngàn người xuống đường biểu tình, phản đối kết quả bỏ phiếu từ Thượng viện.

Đây chưa phải là điểm dừng một hành trình đã tạo được sức nóng lan tỏa toàn cầu một năm qua. Giới quan sát cho rằng quyết định này của Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục khơi nguồn ngọn lửa giận dữ đối với những ai tin tưởng, ủng hộ nữ quyền.

Khi Thượng nghị sĩ Susan Collins lên tiếng ủng hộ ông Brett Kavanaugh, xác nhận bà bỏ phiếu ủng hộ ông vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao, ngay lập tức làn sóng tẩy chay mạnh mẽ nhắm vào bà Collins.

Thậm chí, người ta còn mở một chiến dịch quyên góp, với số tiền nay lên tới 3,2 triệu USD, chuyển thẳng đến đối thủ nặng ký nhất của bà Susan Collins trong cuộc bầu cử hai năm nữa. Mục tiêu của quỹ này là “hất” bằng được nữ nghị sĩ Suan Collins ra khỏi ghế Thượng nghị sĩ bang Maine mà bà Susan Collins đang nắm giữ.

#metoo hay không #metoo?

Bai 2: Phong trao #metoo tac dong den chinh truong My nhu the nao?
Ông Eric Schneiderman từ chức dù một mực khẳng định mình vô tội.

Bên cạnh đó, một thông điệp khác xuất hiện trên chính trường Mỹ ở thời điểm này, đó là phân biệt hai phe, một là “ủng hộ #metoo”, bênh vực nạn nhân dám lên tiếng và phe ngược lại.

Có quan điểm cho rằng cần phải tỉnh táo trước những tố cáo #metoo. Tháng Năm vừa qua, Tổng chưởng lý bang New York, Eric Schneiderman đã đệ đơn từ chức, chỉ vài giờ sau khi bị cáo buộc có hành động bạo lực và xâm phạm bốn phụ nữ. Ông Eric sau khi từ chức vẫn một mực phủ nhận cáo buộc và nói rằng ông từ chức vì không muốn ảnh hưởng đến cục diện chính trị chung.

Vụ việc của ông Eric gây bất ngờ vì chính ông là người không ngừng khuyến khích nữ giới đứng lên đòi quyền lợi chính đáng sau khi bị xâm hại tình dục. Cũng chính Eric Schneiderman là một trong những người theo đuổi đến cùng hành trình tố tụng dẫn đến bản án tù dành cho Harvey Weinstein.

Sau khi Eric từ chức, những câu hỏi liên quan đến việc liệu có hay không chuyện nhân danh #metoo để tạo dấu ấn, hoặc có hay không việc lấy #metoo làm cái cớ để hạ gục một chính trị gia, vẫn chưa có lời đáp xác đáng nhất.

Cuộc đua của những gương mặt nữ

Bai 2: Phong trao #metoo tac dong den chinh truong My nhu the nao?
Phong trào #metoo tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ cho nữ giới quyết tâm chạy đua cho bầu cử nhiệm kỳ sắp tới.

Thời điểm ứng cử viên Hillary Clinton thất bại khi chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, có một niềm cảm hứng mạnh mẽ lan tỏa trong nữ giới rằng họ phải nỗ lực nhiều hơn cho cuộc đua nhiệm kỳ tới.

Khi xuất hiện phong trào #metoo, ước mơ nữ Tổng thống đầu tiên, thêm nhiều nữ chính trị gia ở vị trí cao càng rõ nét. Những nữ chính trị gia ngày càng có động lực nói lên tiếng nói của mình và họ được công chúng kỳ vọng sẽ là người đại diện quyền lợi cho nữ giới. 

Bầu cử giữa nhiệm kỳ chứng kiến số nữ ứng cử viên nhiều hơn bao giờ hết. Có đên 11 gương mặt nữ cho các vị trí thống đốc bang và 185 cá nhân tranh ghế vào Hạ viện (vượt kỷ lục 167 gương mặt ứng viên nữ năm 2016), không phân biệt là người của đảng Dân chủ hay Cộng hòa.

Trợ lý giáo sư Kelly Dittmar chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Rutgers và cũng là học giả tại Trung tâm Nữ giới Mỹ về vấn đề chính trị chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng phong trào #metoo đã tạo ra tâm lý nữ giới có quyền chất vấn tình trạng thiếu cân bằng quyền lực giữa nam giới và nữ giới. Vì thế, phụ nữ phải giữ lấy tiếng nói của mình, tạo cho mình thêm nhiều cơ hội để mọi người lắng nghe mình”.

Điều mà người dân Mỹ quan tâm lúc này là từ khi nổ ra phong trào #metoo đến nay, vẫn chưa có bất cứ luật nào được cải cách nhằm điều chỉnh lại ứng xử tại nơi làm việc, giúp nữ giới tránh trở thành nạn nhân của xâm hại, tấn công tình dục. Vì thế, việc chọn ra các ứng cử viên sẽ phụ thuộc nhiều vào việc họ có hay không những đóng góp quan trọng cho hành lang pháp lý liên quan đến phong trào #metoo.

Anh Thông (Theo Economist, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI