Tham nhũng... lập lòe

13/04/2018 - 10:00

PNO - Cái trò tham quan kết hợp tập huấn ấy, với mức phí cao gấp đôi giá bình quân là biểu hiện của thói…tham và bất chấp. Bất chấp những lời than trách, những sự bức xúc của nhiều giáo viên, cán bộ bị buộc phải tham gia

Trong bảng chỉ số kiểm soát tham nhũng trích từ PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) năm 2017, tôi đặc biệt chú ý đến “dòng trạng thái”: mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong số người được hỏi, chỉ có 3% cho biết đã tố giác hành vi đưa hối lộ.

Tham nhung... lap loe

Rõ ràng, trong tình hình các đại án tham nhũng liên tiếp được đưa ra xét xử công khai, các đợt kiểm tra, kỷ luật liên tục được thực thi và công bố, mà sức chịu đựng tham nhũng vẫn cứ gia tăng, thì nhận định trung ương chuyển động, địa phương… thúc thủ quả là không sai. Cũng từ đó, doanh nghiệp, người dân tiếp tục vừa là nạn nhân vừa là tác nhân trong vòng xoáy tham nhũng. Tham nhũng, một lần nữa lại khoác lên mình nó những bộ mặt khác, những phục sức lập lòe không dễ nhận diện, không dễ gọi tên. 

Đôi khi tôi ngây ngô tự hỏi, sao con người ta có thể tham đến thế, ăn cả tàu sắt tàu gỗ, ăn từ gỗ đến cả khu rừng, ăn sạch quả đồi ăn trôi luôn cả thềm biển. Đó là ăn lớn. Còn nuốt cả phần bé, tiền tuất, tiền cứu trợ lũ lụt, tiền trợ cấp khó khăn… hoặc giả, tiền dôi dư từ các tour hội nghị, du lịch. Hẳn phải là ăn từ miếng bé ăn dần lên miếng lớn, ăn riết không biết nhịn, chẳng thèm nhìn, coi như bổng về mình là lộc của trời, trời thì cao, lấy đâu mà đếm. 

Chủ thể tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn. Người có quyền hạn chức vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư túi, vụ lợi là tham nhũng. Nhưng không phải mọi hành vi của người có chức vụ quyền hạn lợi dụng quyền hạn chức vụ đều bị coi là tham nhũng nếu không có sự giao thoa giữa hành vi ấy với các hành vi tội phạm khác. Và rõ ràng, tài cao thấp, độ ngắn dài chính là ở cái vùng “giao thoa” ấy không để lại bất cứ dấu vết nào bị xem là phạm tội. Tham nhũng gián tiếp, tham nhũng trung gian, tham nhũng dưới gầm bàn, tham nhũng nơi quán nhậu…tất cả cứ chui rúc, giấu mặt và càn quét không thương tiếc, không sợ hãi. 

Chỉ là một vụ việc rất nhỏ mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nêu hai lần, ấy là Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, tổng kết dài ngày ở các địa phương, với kinh phí cao hơn so với kinh phí thông thường, gây bức xúc cho nhiều cán bộ, giáo viên cơ sở. Mục đích tập huấn, bồi dưỡng là chính đáng. Cách thức tổ chức, nếu không nhất thiết buộc phải đến các địa phương, vừa tốn kém tiền bạc (do kinh phí cao) vừa hao tổn thời gian thì không nên triển khai. Vậy mà, sở vẫn nối dài những chuyến đi. Những chuyến đi sau còn hoành tráng hơn mà cũng… bài bản hơn chuyến đi trước qua hình thức “có lời mời”, “phối hợp tổ chức”…

Tham nhung... lap loe

Thử bóc một tour bồi dưỡng và đề nghị một đơn vị làm tour xây dựng bảng giá bình quân, chúng tôi tạm tính khoản chênh lệch hơn 800 triệu đồng. Cứ cho khấu trừ nhiều khoản phát sinh khác thì cũng khó mà quyết toán cho hết con số nói trên, vậy không siêng đi sao được! 

Chả ai nói đấy là tham nhũng. Nhưng cái trò tham quan kết hợp tập huấn ấy, với mức phí cao gấp đôi giá bình quân là biểu hiện của thói…tham và bất chấp. Bất chấp những lời than trách, những sự bức xúc của nhiều giáo viên, cán bộ bị buộc phải tham gia mà không còn cách nào từ chối. Họ không có sự lựa chọn. Họ mất dần niềm tin. Hậu quả không khác mấy từ tham nhũng mang lại. 

Ngày 10/4, tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nói: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, trước ý kiến lo ngại chỉ lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí. Quả thật, đó không phải là một mệnh lệnh, đó là biểu thị cho một quyết tâm không lùi bước, một thái độ phân minh, mang tính cách mạng; và quan trọng là nó được diễn đạt… dân dã, gần gũi và thật nên thuyết phục. 

Cũng là ông, “làm toàn diện, đồng bộ, quyết tâm, kiên trì, huy động rộng rãi các lực lượng, sức mạnh. Không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi mà phải bằng cơ chế, luật pháp, xử lý sai phạm thì mới có tác dụng tốt”. Chính xác. Để tổ chức Đảng không chỉ tồn tại và vững chãi bằng ý chí, bằng tư tưởng, bằng các quy tắc, điều lệ về đạo đức đảng viên, cán bộ mà còn phải được đảm bảo sự kiểm soát, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở của các chế định và chế tài pháp luật. Chỉ như vậy, cuộc phòng, chống tham nhũng mới vận hành theo thiết chế, mới đi tới kết quả toàn diện và triệt để mà sự hồi đáp là Đảng mới mạnh, nước mới vững bền, dân mới hạnh phúc. 

“Bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Đó là điều có thật. Và cũng là một sự thật đáng mừng. Ít nhất là dân còn nhìn thấy Đảng trong dân, dân còn tin Đảng là của dân để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, loại bỏ những biểu hiện và nguy cơ tham nhũng sẽ không của riêng dân hay Đảng. Đất nước này, dân tộc này chỉ có một khuôn mặt nhân dân. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI