"Thăm hỏi kịp thời xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân"

03/08/2016 - 08:28

PNO - UBND TP.HCM vừa có tờ trình HĐND TP.HCM về mức chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM - đơn vị đề xuất ý tưởng trên từ năm 2012, đây là việc làm thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đã được áp dụng tại TP.HCM từ năm 2012 đến nay, nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ do khó khăn về kinh phí.

Ảnh minh họa: Internet

Phóng viên: Thưa ông, vì sao đề xuất từ năm 2012, nhưng đến nay mới có tờ trình HĐND TP?

 - Ông Nguyễn Ngọc Tường: Trước một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương xảy ra trong năm 2012, UBND TP.HCM yêu cầu thành lập đoàn do Ban ATGT đại diện cùng các Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở LĐ-TB-XH… đến ngay hiện trường, bệnh viện động viên, thăm hỏi và chi hỗ trợ những người bị nạn cũng như thân nhân những người bị nạn. Hành động này theo tôi thể hiện tính nhân văn sâu sắc, không chỉ giúp xoa dịu nỗi đau, mất mát trong gia đình những người bị nạn mà còn phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền về ATGT.

Tuy nhiên, mức chi hỗ trợ lúc đó cũng tùy hoàn cảnh, không có quy định nào cụ thể nên dao động từ hai - ba triệu đồng/trường hợp. Nguồn kinh phí chủ yếu trích từ 10% nguồn thu xử phạt vi phạm giao thông mà UBND TP trích cho Ban ATGT. Thế nhưng từ năm 2013, nguồn kinh phí này không còn nữa và theo quy định, khoản nào chi từ ngân sách đều phải có chủ trương, nên muốn thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp bị tai nạn, Ban ATGT phải chạy vạy đầu này đầu nọ, xin ứng trước, sau đó làm các thủ tục cấp lại kinh phí. Việc này gây mất thời gian, thiếu tính kịp thời, do đó Ban đã đề xuất UBND TP ban hành quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi các nạn nhân bị TNGT.

* Mỗi năm, toàn TP xảy ra hơn 3.000 vụ TNGT, làm 700 - 800 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Xin hỏi, đối tượng nào sẽ được chi hỗ trợ, thăm hỏi và mức hỗ trợ cụ thể ra sao?

- Dự kiến nguồn kinh phí chi hỗ trợ, thăm hỏi các nạn nhân bị TNGT mỗi năm không quá 200 triệu đồng. Trong đó gồm chi hỗ trợ cho các nạn nhân, thân nhân những người bị nạn trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng với mức ba triệu đồng/người bị thương và năm triệu đồng/người chết.

Ngoài ra, còn chi hỗ trợ ba triệu đồng/ trường hợp cho tối đa 30 trường hợp là nạn nhân, thân nhân của người bị TNGT trong Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT hằng năm dành cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo hoặc cận nghèo. Với nguồn kinh phí 200 triệu đồng/năm thì không phải bất cứ trường hợp bị TNGT nào cũng được hỗ trợ, thăm hỏi mà chỉ các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 6, điều 5, Thông tư 58/ 2009 của Bộ Công an.

* Các nạn nhân ở tỉnh, thành khác chẳng may bị tai nạn khi đi qua địa phận TP.HCM có được thăm hỏi, hỗ trợ không, thưa ông?

- Không phân biệt người dân thuộc tỉnh thành nào, nếu là nạn nhân vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP.HCM thì đều được hỗ trợ, thăm hỏi, chẳng hạn như vụ tai nạn xảy ra năm 2015 trên Quốc lộ 1 đoạn qua quận Thủ Đức làm năm người tử vong (đa số là Việt kiều), cũng đã nhận được sự thăm hỏi, động viên.

Tương tự, người dân có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM nhưng là nạn nhân vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành khác cũng được chi hỗ trợ, thăm hỏi. Các trường hợp bị tai nạn khác tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng xét các yếu tố hoàn cảnh, tính chất vụ tai nạn, Ban ATGT các quận, huyện sẽ cân đối ngân sách hằng năm của quận, huyện để hỗ trợ, thăm nom. Theo tôi, việc thăm hỏi, động viên không nên cứng nhắc, mà phải linh động để kịp thời san sẻ, xoa dịu những mất mát, đau thương.

Thu Hồng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI