T25 - Trại tập trung từ lời mời sinh tử

09/06/2017 - 19:00

PNO - “Phòng thông tin bệnh nhân” nằm lùi về phía sau cùng, lọt thỏm giữa những hớt hải, nhốn nháo lẫn thẫn thờ, ủ dột của hàng trăm người ở “Trại 25” - bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiếng loa phát liên tục. Cô nhân viên đọc lời mời “Xin mời người nhà bệnh nhân…”, hết thảy đồng loạt ngẩng lên, rồi nhanh chóng trở về trạng thái cũ. Ở trong cái “lán” đối diện phòng thông tin, chị Trần Thị Thu Thanh ngơ ngác hỏi xung quanh: “Nẫu kêu Võ Thị Hà hả?”. Rồi như vừa giật mình khỏi cơn mê mệt, chị luống cuống đứng dậy, xỏ đôi dép, chạy đi.

Người đàn bà ngồi gần đó nói với theo: “Đi từ từ thôi, đừng có ham”. Chị Thanh chạy khuất. Người đàn bà nhìn theo, thở dài: “Ham gì tiếng loa kêu thình lình đó. Hễ không kêu réo gì là êm, còn kêu là có chuyện hà”.

T25 - Trai tap trung tu loi moi sinh tu
Anh Danh đang cột lại mấy tấm bạt trong cái “lán” tự dựng ở cuối khu T25.

Tiếng loa sinh tử

Giữa hàng trăm người xa lạ, tiếng thở dài chua chát đó vô tình hướng về phía tôi. Thấy tôi có vẻ đang lắng nghe, chị tiếp: “Người nhà mình nằm ở trển, cách ly. Cứ đến giờ là nó kêu vô thăm. Chỉ có bệnh trở nặng, hoặc phải mổ gì đó thì mới kêu thình lình”. 

Nhưng, tiếng loa ấy là tất cả lý do khiến người ta chen chúc nơi này. Phía trước, hễ bệnh viện tiếp nhận một ca nguy kịch, thì người thân phải dồn về nơi này để theo dõi thông tin trên loa. Tiếng loa của từng manh mối sinh tử, mạnh yếu nơi người bệnh; từng nỗi nơm nớp, hớt hải và cả cảnh sống vật vờ, tạm bợ của thân nhân.

Loa phát 24/24. Thân nhân cũng túc trực cả đêm lẫn ngày. Ô đất giữa được kê sạp, để ghế, gắn máy quạt, có mái che kiên cố đã chật kín người. Người ta tràn ra trải chiếu, lót bạt, kê ghế khắp lối đi. Trên con dốc dẫn xuống tầng hầm để xe, người ta nằm rải rác ngay cạnh những chiếc xe đang lên dốc.

Có người nằm ngay trên vỉa hè đường nội bộ, đoạn gần miệng cống. Mùi xú uế thỉnh thoảng lại bốc lên nồng nặc. Người này vừa đi đã có người khác vào thay. Mỗi lần tiếng loa gọi tên, họ được kết nối với người thân bằng một vài thông tin. Rồi tiếp tục chờ.

T25 - Trai tap trung tu loi moi sinh tu
Chen chúc ngay từ lối vào.

Tôi ngồi trên khoảng đất chưa tráng bê tông ở phía sau cùng, trong cái lán lụp xụp được che bằng hàng chục tấm bạt chắp vá, cột dây chằng chịt. Nhắc người cùng cảnh ngộ “đừng có ham”, nhưng chị Trần Thị Dịu (Vĩnh Long) cũng vì chính tiếng loa kia mà bám trụ ở cái lán này suốt ba tháng trời.

Chồng bị vi rút lạ tấn công phổi, phá hoại nội tạng. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, chỉ sau một ngày, vừa chuyển từ bệnh viện Vĩnh Long lên bệnh viện Chợ Rẫy. Đưa anh về phòng hồi sức, chị được hướng dẫn về “trại 25” chờ nghe thông tin. Từ đó đến nay, cứ mỗi 2h50 chiều, chị lại được gọi tên. “Ba giờ trèo lên thăm, ba rưỡi tụt xuống, ngồi chờ”.

Cái lán này, lại chứng kiến những ngày đau đớn, khổ sở nhất đời chị. Những lần đầu trở về từ phòng bệnh của chồng, chị lại nằm quay mặt vào trong, khóc tức tưởi. Từ ba rưỡi chiều hôm nay đến ba giờ chiều hôm sau dài như thế kỷ. Một lần, được kêu tên vào buổi sáng, chị lật đật chạy lên thì được tin “huyết áp anh xuống quá thấp, chắc không qua nổi hôm nay”. Chạy đến giường bệnh, chị thấy anh tím ngắt, hơi thở nặng nhọc như chực tắt, tay chân thỉnh thoảng lại giãy lên, rồi buông thõng. 

Ba tháng trời, sức khỏe của anh bao bận lên xuống, cái lán cũng bao lần được phủ thêm bạt, cột thêm dây để chống chọi nắng mưa. Ở đây, mỗi lần mưa xuống là như vỡ tổ, người người cuống cuồng thu dọn, chạy tìm chỗ nấp. Mưa tạnh, mấy tấm cạc tông dùng làm chiếu lót đầy lối đi cũng ướt sũng. Nhưng ai có phần nấy, người ta lại trở về, ngồi xuống “tấm chiếu” sũng nước để chờ đợi. 

Có những đêm khuya, vừa mở mắt ra, anh Lâm Ngọc Danh (Cần Thơ) đã thấy cả người sũng ướt. Nước mưa đổ xuống xối xả từ trên mái. Những lớp bạt chồng chéo lên nhau không tải nổi một lượng mưa lớn, đến khi quá tải, lại đổ ập xuống bất ngờ. Anh chưa kịp xoay xở, đã thấy phía bên kia, người phụ nữ ở đây chăm con mấy tháng trời đang ôm mền gối ngồi co ro, ngửa mặt lên trời, vái: “Con ơi, con ngồi dậy về với má đi, cảnh này khổ quá má chịu không đặng con ơi!”.

Tôi nán lại đó khi trời vừa đổ một cơn mưa chiều. Quầy thông tin bị vây kín vì vừa đến một ca thăm bệnh. Nhận giấy xong, có người mặc vội áo mưa, chạy lên phòng bệnh. Họ truyền tai nhau: “Nếu bị ướt sẽ không được vô thăm, vì dễ nhiễm khuẩn”. Từ đó đến phòng bệnh khoảng 200 mét, chừng 15 phút sau, những thân nhân khác đều đã đội mưa đi hết. Cụ bà Hoàng Thị Nại (73 tuổi, Đà Nẵng) run rẩy ôm tờ giấy thăm bệnh vào ngực, bật khóc: “Má được gặp con có ba chục phút mà mưa hết mười lăm phút rồi, làm răng đây con ơi?”.

Bên lý bên tình

Thế nhưng, “Trại 25” không có trong “sơ đồ” bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là tên gọi cũ từ những năm 1970, khi các khu điều trị tại bệnh viện đều được đánh số và gọi chung là “trại”. Thuở ấy, tại phòng cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, bệnh nhân được nhân viên y tế chăm sóc hoàn toàn, người nhà đứng chật kín hành lang, bâu lên cửa, đông đúc, nhốn nháo.

Năm 1999, ban giám đốc bệnh viện quyết định thành lập một nơi riêng biệt để người nhà ngồi chờ, và nghe thông tin của người bệnh. Thuở mới ra đời, khu vực này được bố trí trong khu Trại 25 - chia sẻ một phần không gian với Trung tâm Huyết học của bệnh viện.

“Đưa anh về phòng hồi sức, chị được hướng dẫn về “trại 25”, chờ nghe thông tin. Từ đó đến nay, cứ mỗi 2h50 chiều, chị lại được gọi tên. “Ba giờ trèo lên thăm, ba rưỡi tụt xuống, ngồi chờ”. Cái lán này, lại chứng kiến những ngày đau đớn, khổ sở nhất đời chị. Những lần đầu trở về từ phòng bệnh của chồng, chị lại nằm quay mặt vào trong, khóc tức tưởi”

Đến năm 2009, một khu điều trị khác trong bệnh viện xuống cấp, phải sửa chữa; số lượng bệnh nhân tại khu vực này phải dời sang tòa nhà của Trung tâm huyết học. Khu vực nhà chờ thân nhân được dời sang Khu nhà nghỉ của các chuyên gia, bác sĩ nội trú. Nhu cầu ngày một nhiều. Phần không gian kia quá tải. Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định xây dựng một khu nhà nghỉ dành cho thân nhân ngay vị trí của Khu nhà nghỉ. Công trình khởi công vào cuối năm 2015, tòa nhà cũ bị đập bỏ, người nhà lại dời sang khu nhà tạm - chính là nơi được gọi tên là “Trại 25” bây giờ.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Bình, trưởng phòng Quản trị - người từng có 20 năm làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, khi các khu vực đều được đổi tên theo khoa, phòng và tên tòa nhà (A, B…); cái tên “Trại 25” cũng không còn. Cả khu vực ấy có tên là “Khu nhà tạm của người nhà bệnh nhân”. Nhưng sức sống của cái tên tưởng đã “lỗi thời” mấy mươi năm này, có thể là vì thân nhân người bệnh đã truyền miệng nhau, hết lượt người này đến lượt người khác…

Đó chỉ là chuyện cái “tên gọi”. Nhưng lại như đã kể về cả cái logic kỳ lạ của nơi này - một dòng chảy giữa cái đúng, cái - được – quy - định; và cái đang - tồn - tại. 

Khi thành lập nhà tạm, bệnh viện đặt giường, ghế, bố trí người nhà lưu trú trong khu vực có mái che. Tất cả lối đi và các khu vực ngoài trời đều không được phép trải chiếu, kê giường. Nhưng đến nay, mọi vị trí “có thể nghe tiếng loa” đều được phủ kín. Cả chị Dịu, anh Danh, chị Thanh, và hàng trăm thân nhân ngồi la liệt các lối đi, trên nắp cống, dưới đường xuống hầm giữ xe đều… “vi phạm nội quy bệnh viện”. 

Chị Trần Thị Thu Thanh thẫn thờ trở về, ngồi phịch xuống cái ghế bố, mếu máo: “Bác sĩ nói mong manh lắm. Giờ gia đình phải quyết, một là rút về, hay là để đây chờ may mắn”. Chị Dịu kiên quyết: “Không về. Còn thở là còn điều trị. Chừng nào bà cụ bỏ cuộc rồi hẵng tính chuyện”. Chị Thanh òa lên khóc: “Giờ mà không về thì phải đóng tiền liền, mấy chục triệu đó chị ơi!”. Đang tỏ vẻ cứng rắn, chị Dịu bỗng thừ người, giọng lạc đi: “Vô đây rồi thì chỉ biết bỏ tiền của với thí sức mình ra thôi em ơi!”.

Cái lán vừa rì rầm tiếng chuyện trò, bỗng buồn hiu hắt. Đang ngồi gục mặt ở dãy ghế phía trước, anh Vũ Minh Hải (Long Thành, Đồng Nai) ngẩng lên, kể: “Em cũng mới nhận giấy kêu đóng 100 triệu, giờ có bán nhà cũng phải lo chị ơi”.

Chừng như thấy chị Thanh đã bắt đầu bình tĩnh hơn, anh tiếp: “Con em mới 7 tuổi, đang khỏe mạnh thì bị nhiễm vi rút gì đó làm tim ngừng đập trong vòng hai tiếng đồng hồ. 10 ngày nay chuyển từ Long Thành lên bệnh viện Nhi Đồng 2 rồi qua đây, hết 400 triệu rồi. Vợ em cũng bệnh, chỉ có em đi làm bảo vệ. Hai đứa lại hiếm muộn, 44 tuổi mới có con. Vậy mà trong vòng 10 ngày, em trở thành con nợ, con em không biết sống chết thế nào. Biết trách ai giờ!”.

Người đàn ông xa lạ gói gọn đời mình, rồi phì cười, lạnh lùng nhìn đau đáu vào khoảng không trước mặt. Chị Thanh ráo hoảnh, sốt sắng hỏi han chuyện con gái anh Hải. Nhiều người ngồi quanh đó cùng quay sang anh, mỗi người góp vào một lời động viên, rồi lại cùng nhau mổ xẻ, khuyên nhủ chị Thanh tiếp tục điều trị cho mẹ. Tất cả họ, cách đó vài phút có thể vẫn chưa hề quen biết nhau, và nếu tách nhau ra thì mỗi người lại ôm lấy một niềm riêng thấu trời…

Nhưng, chỉ cần một lần quay sang nhau, người ta lại trở thành “người trong cuộc” một nỗi đau hoàn toàn khác. Cái trại tạm bợ dập dìu người ra kẻ vào vì thế mà cũng có những nguồn vui láng giềng, vỗ về bao phần tủi cực, đớn đau. 

Đến giờ phát cơm chiều, đang ngồi lặng lẽ quan sát, tôi thấy một hộp cơm được đặt ngay trước mặt. Người phụ nữ lạ mặt sốt sắng: “Cầm đi cưng, một chút xíu nữa là hết, không kịp nhận đâu!”. Phía bên kia, chị Dịu đang loay hoay với cái điện thoại, gọi liên tục vào số của anh Tăng Long Sơn.

Chị chậc lưỡi: “Cái thằng! Cơm không nhận, điện thoại không bắt máy. Chút về lấy gì mà ăn!”. Giờ thăm em trai của Sơn trùng với giờ nhận cơm chiều. Thương người thanh niên trạc tuổi con mình, các chị ở gần thay nhau nhận cơm giúp. Đến giờ dọn cơm, mỗi người lại góp phần mình vào “cái mâm” quây quần chừng 5, 6 người khác.

Chị Dịu lại tần ngần, lấy điện thoại ra gọi. Bên kia bắt máy. Chị hớt hải “A lô”. Im lặng hồi lâu, mắt mũi ửng đỏ, chị gào lên: “Chớ sao mà nhanh vậy con ơi…”. Cúp máy, chị đờ đẫn nói với mọi người: “Em thằng Sơn chết rồi. Nó đưa về Bình Dương rồi”.

Chị đứng dậy khỏi mâm cơm, lại ôm mớ mền chiếu của Sơn, vừa đi vừa nói như người mất hồn: “Nó biểu đem mền của nó ra cho vợ chồng thằng Hải nằm ngoài gốc cây chỗ xe cấp cứu. Để tui đem ra liền, cho thằng Hải nó vui…”. Anh Danh thẫn thờ nói với theo, mà như nói một mình: “Vui nỗi gì bà ơi…”. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI