Sự thật sau 'cú' biến mất của những 'tay ngộ cờ'

13/11/2018 - 06:00

PNO - Nguyên nhân khiến cả Nguyễn Thành Bảo và Lại Lý Huynh chán chường, thất vọng chỉ có một: không tìm được sự chuyên nghiệp, không thấy được trách nhiệm đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu của những người “làm về cờ” ở...

Chỉ ít ngày nữa là diễn ra giải Cờ tướng quốc tế danh nhân Hàn Tín Bôi năm 2018 do Hiệp hội Cờ tướng Trung Quốc, Cục Thể dục Thể thao tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) và Giang Tô kỳ viện tổ chức, trong đó mời đích danh ba đại cao thủ cờ tướng của Việt Nam tham dự. Nhưng trong ba đại cao thủ đó, đầu năm 2018, Lại Lý Huynh đã tuyên bố tạm ngừng dự mọi giải thi đấu quốc tế, Nguyễn Thành Bảo thì hoàn toàn biến mất khỏi làng cờ tướng suốt bốn năm qua.   

Đi tìm "Bảo hấp"

Nguyễn Thành Bảo được biết đến là vận động viên (VĐV) cờ tướng nước ngoài duy nhất trên thế giới giành ngôi vô địch một giải đấu quốc tế ngay trên lãnh thổ Trung Quốc (giải trẻ châu Á năm 1998). Năm 2009, anh giành huy chương bạc giải Vô địch thế giới, năm 2010 giành huy chương bạc ở Đại hội Thể thao châu Á, hạng nhất giải Vô địch Việt Nam năm 2007, 2011… Người hâm mộ từng ví Nguyễn Thành Bảo là “linh hồn tượng kỳ Việt Nam”, “Tây độc của làng cờ Việt”, nhiều người gọi anh là “tay ngộ cờ”.

Su that sau 'cu' bien mat cua nhung 'tay ngo co'
Cũng như Nguyễn Thành Bảo, Lại Lý Huynh vẫn mong chờ “ngọn lửa đam mê bùng cháy trở lại và những người giàu nhiệt huyết tập hợp xung quanh ngôi nhà cờ tướng Việt Nam”

Bốn năm nay, Nguyễn Thành Bảo hoàn toàn biến mất khỏi làng cờ, khiến giới hâm mộ bất ngờ và trăn trở. Liên tiếp những câu hỏi được đặt ra: Nguyễn Thành Bảo đang ở phương nào, sống chết ra sao? Nhiều mạng xã hội thì tung tin Nguyễn Thành Bảo hiện tâm thần, lang thang khắp xứ. Tìm về gian nhà nhỏ sâu trong xóm Chợ Dần, xã Trung Thành, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gặp được Nguyễn Thành Bảo, tôi đã thấy xấu hổ khi trước đó đã lỡ “ấn định” rằng mình đang đi tìm... “Bảo hấp”.

Thoạt nhìn, người đàn ông đang ở tuổi trung niên này có phần chậm chạp, nhưng đến khi hàn huyên tâm sự, tôi chỉ có thể dùng được từ “mẫn tiệp” trước trí tuệ của anh. Hoàn toàn không thấy ở anh bất cứ dấu hiệu “không bình thường” hay “lẩn thẩn” nào. Nghe nhắc đến những tiếc nuối và tình cảm người hâm mộ dành cho mình, anh Bảo cười: “Trong bóng đá, người ta nhớ đến cầu thủ với bàn thắng đẹp và lối chơi cống hiến. Có lẽ vì tôi chơi cờ có chút lãng tử, hoàn toàn vô tư vì cờ, vì lợi ích quốc gia nên vẫn được nhiều người nhớ đến”.

Thành Bảo đi lên từ giải phong trào, chiến thắng ở giải lễ hội của cả một vùng khi còn là học sinh phổ thông, từ đó tỉnh Nam Định đưa anh đi thi đấu, “thế là nghiệp cờ vận vào người”. Nhắc đến cờ, Thành Bảo hào hứng bao nhiêu thì lại chán chường bấy nhiêu mỗi khi tôi vô tình khơi lại những ngày anh còn ở đội tuyển. Giọng anh chắc nịch, song vẫn ít nhiều xót xa: “Trước khi quyết định rời tuyển, tôi đã mất rất nhiều thời gian suy nghĩ, cân nhắc nhiều mặt. Tôi thấy mọi thứ phức tạp quá, nếu cứ phải sống và đối mặt với những phức tạp ấy thì không thể toàn tâm toàn ý cho cờ”.

Mưu cầu chuyên nghiệp

Nhiều lúc Thành Bảo ao ước bộ môn cờ tướng có được sự quản lý chuyên nghiệp như nhiều môn thể thao khác của nước nhà. Đơn giản, anh chỉ mong huấn luyện viên là những người thực sự có chuyên môn về cờ, cùng VĐV luyện tập mỗi ngày, chứ không phải VĐV nào thích tập sao thì tập. Anh vẫn nhớ có huấn luyện viên của một đơn vị đã kết luận rằng: “Với cờ tướng, anh nào càng nghèo khổ càng đánh hay, hoàn cảnh buộc họ phải chơi hay chứ không phải bởi họ được đầu tư từ nhỏ”. 

Su that sau 'cu' bien mat cua nhung 'tay ngo co'
Từ năm 2014 đến nay, giới mộ cờ không còn thấy hình ảnh “Tây độc” Nguyễn Thành Bảo (ngồi) ở bất kỳ giải đấu nào

Hỏi Bảo về những khó khăn khiến anh quyết định giã từ cái nghiệp mà với anh chẳng khác nào hơi thở, anh cười buồn: “Giải đấu vừa rồi, các kỳ thủ thi đấu xong mới đưa ra điều lệ giải. Chẳng ở đâu, chẳng có bộ môn thể thao nào mà điều lệ giải lại đưa ra sau khi các VĐV đã thi đấu. Ngay cả tin đồn anh tâm thần lang thang cũng là “trò” không đẹp, tung hỏa mù của ai đó để đánh lạc đi cái lý do “biến mất” của anh. Anh buồn bã: “Ở đó, chỉ có lợi ích nhóm chứ không vì lợi ích quốc gia”. Nói rồi, anh ngập ngừng: “Có lẽ nên thôi, vì tôi không muốn mang tiếng là người bỏ tuyển rồi quay lại nói xấu những người hữu trách của tuyển. Tôi chỉ tiếc cho Lại Lý Huynh. Cậu ấy là tay cờ có khí chất, có hùng tâm…”.

Lại Lý Huynh là kỳ thủ giành hạng hai giải Cờ tướng quốc tế danh nhân Hàn Tín Bôi năm 2016. Câu chuyện chàng trai 28 tuổi, được mệnh danh “Nam phương công tử” của làng cờ đột ngột tuyên bố tạm ngừng mọi giải thi đấu quốc tế đã khiến làng cờ bàng hoàng. 2017 không phải là năm thành công của Lại Lý Huynh, nhiều danh hiệu mà Huynh từng giành được đã không trở lại, mức thu nhập từ thắng giải cũng không còn. Nhưng đó chỉ là lý do phụ, bởi với những người xem cờ như máu thịt, danh vọng, tiền tài không phải là điều cốt lõi.

Nguyên nhân khiến cả Nguyễn Thành Bảo và Lại Lý Huynh chán chường, thất vọng chỉ có một: không tìm được sự chuyên nghiệp, không thấy được trách nhiệm đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu của những người “làm về cờ” ở đội tuyển quốc gia. Lại Lý Huynh khi tuyên bố tạm ngừng mọi giải đấu quốc tế đã không giấu được chán ngán tột cùng dù đang trong giai đoạn sung sức, đầy nhiệt huyết cống hiến.

Huynh thậm chí đã mất cả niềm tin vốn mong manh của mình vào thiết chế quản lý của bộ môn cờ của Tổng cục Thể dục Thể thao nói chung và tổ chức Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam nói riêng: “Tôi không muốn nói đến sự chèn ép, nhưng ở cấp độ nào đó, bản thân tôi nói riêng, các kỳ thủ nói chung luôn thua thiệt trăm bề. Có những người ở vị trí cao mà luôn mở miệng nhắc đến “phí bôi trơn”. Có những vị tưởng rất thân thiết với dàn kỳ thủ chúng tôi thực tế lại đang tìm cách lợi dụng VĐV”. 

Năm 2017, Huynh bị cộng đồng người hâm mộ chỉ trích nặng nề do sa sút thành tích, bị loại từ rất sớm khi thi đấu tuyển chọn VĐV đi tranh tài quốc tế. Lúc ấy, Huynh nói như muốn khóc: “Không phải ai cũng hiểu rằng, tôi hoàn toàn không được phép tự ra nước ngoài “đánh thuê” nếu không được sự đồng ý của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM. Tuyển thủ chúng tôi ra sức tranh tài để được quyền đại diện quốc gia thi đấu giải quốc tế, nhưng ở bài kiểm tra tuyển chọn đó, không có bất cứ ai giám sát về sự trung thực của các bên tham gia”.

Đừng để khát khao cống hiến chỉ là tàn tro

Còn bao nhiêu VĐV như Nguyễn Thành Bảo, như Lại Lý Huynh, vì những phức tạp ngoài chuyên môn mà phải nuốt nước mắt gạt bỏ khát khao cống hiến? Mới đây là Phạm Minh Tuấn - tay vợt số hai của Việt Nam - giã từ sự nghiệp sau 15 năm gắn bó với quần vợt. Chàng trai 24 tuổi kiệm lời ấy lặng lẽ sẻ chia, lặng lẽ đồng cảm với Thành Bảo, Lại Lý Huynh. Tuấn chỉ nói một câu: “Thể thao nhà mình lúc nào cũng có những chuyện như vậy, nên có gì lạ đâu…”.

Su that sau 'cu' bien mat cua nhung 'tay ngo co'
Dù đã “mất tích” hoàn toàn khỏi làng cờ tướng, song bốn năm qua, trong cuộc sống của Thành Bảo, chưa bao giờ vắng bóng cờ tướng

Tôi hiểu, với những VĐV gắn với thể thao như máu thịt, họ tuyên bố giải nghệ ngay trong giai đoạn rực rỡ, không có nghĩa là đã hết tình yêu với bộ môn mà mình đã toàn tâm, toàn ý bao năm. Thành Bảo bốn năm nay vẫn luyện cờ qua internet, vẫn "bắt bài” được các cao thủ cờ tướng Trung Quốc khi xem những ván đấu được tường thuật trên mạng. Từ trong sâu thẳm, “Tây độc” Nguyễn Thành Bảo vẫn khát khao cống hiến cho nền thể thao nước nhà, vẫn le lói tia hy vọng vào sự đổi thay của những người có trách nhiệm trong làng cờ tướng Việt. Còn với Lại Lý Huynh, “chừng nào ngọn lửa đam mê bùng cháy trở lại và những người giàu nhiệt huyết tập hợp xung quanh ngôi nhà cờ tướng Việt Nam, khi đó chắc chắn tôi sẽ quay lại”. 

Không biết các vị giữ trọng trách trong bộ môn cờ tướng nói riêng và thể thao nói chung có thấu được nỗi đau xót của những “ngôi sao” không thể vô tư góp sáng cho thể thao nước nhà? 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI