SOS - Tràn ngập mỹ phẩm 'ma' chứa thủy ngân

11/09/2017 - 08:05

PNO - Theo số liệu từ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP đã kiểm tra 180 vụ về mỹ phẩm thì có 179 vụ vi phạm. Con số trên cho thấy tỷ lệ vi phạm ở lĩnh vực này cần báo động.

Trong đó, các vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng…

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, vào đầu tháng Tám vừa qua thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 6 loại mỹ phẩm thuộc thương hiệu nổi tiếng Yves Rocher do Công ty TNHH thực phẩm Ân Nam (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vì các lý do: mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông có tên, công thức và nước sản xuất ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố; mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông không có tên, địa chỉ nhà sản xuất; nước sản xuất ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố. 

SOS - Tran ngap my pham 'ma' chua thuy ngan
Vi phạm về mỹ phẩm luôn chiếm hàng đầu

Con số 179/180 vụ vi phạm và vụ việc nói trên đã gióng lên hồi chuông báo động về thị trường mỹ phẩm TP.HCM. Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng này, chúng tôi đã khảo sát thị trường mỹ phẩm ngoại nhập tại các chợ ở TP.HCM. Thực tế kinh hoàng là nhiều loại mỹ phẩm chứa chất độc hại đã bị cấm lưu hành cùng với nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu ngoại nhập không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan. 

Mỹ phẩm bán chạy có tên trong danh sách cấm 

Cơ quan y tế Philippines, các năm 2010-2013, đã liên tục thông báo cấm lưu hành 9 loại mỹ phẩm Trung Quốc chứa hàm lượng thủy ngân vượt mức cho phép, trong đó có 4 loại của Jiao Li, còn lại là sản phẩm có tên Xin Jiao Li, Jiao Liang, Xin Jiao Liang, Jiao Mei và Jiao Yan. Song, những mỹ phẩm này lại đang bán rất chạy ở các chợ sỉ và lẻ ở TP.HCM.

Chị chủ sạp bách hóa Ý, chợ đầu mối Bình Tây (Q.6) chào mời: “Kem Jiao Li và Xin Jiao Li này là hàng Trung Quốc, nhưng nhờ có thương hiệu lâu rồi nên nhiều người tin dùng. Tiểu thương ở chợ, cứ 10 người thì có hết 9 người xài. Ngày nào sạp cũng giao vài trăm hộp ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây”. 

Theo đường đi của các loại mỹ phẩm này, chúng tôi tỏa về các chợ bán lẻ như Bà Điểm (H.Hóc Môn), Vườn Chuối (Q.3), Xóm Chiếu (Q.4) và các cửa hàng trong TP.HCM… Tại đây, chúng hiện diện đông như… “quân Nguyên”, được thổi phồng đủ loại xuất xứ và công dụng. Tại chợ Xóm Chiếu, sản phẩm này được quảng cáo: “Hàng chính hãng Hồng Kông, chiết xuất từ ngọc trai, linh chi... Da bị nám nặng, đi thẩm mỹ viện tốn nhiều tiền mà không hết, xài Jiao Li chỉ một tháng liền trắng mịn”.

Còn tại chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ (Q.3), tiểu thương nói: “Đây là sản phẩm Thái Lan được sản xuất theo công nghệ Hồng Kông hay Đài Loan gì đó. Nám nào cũng bay”. Tại các hộ kinh doanh lớn như cửa hàng mỹ phẩm Hoài Xuân (đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp) người bán cũng khẳng định sản phẩm có xuất xứ Hồng Kông. 

Bên cạnh những dòng sản phẩm chứa chất gây hại bị cấm lưu hành, các loại mỹ phẩm nhập nhằng thương hiệu, mù mờ xuất xứ cũng nườm nượp kẻ bán, người mua. Tại chợ Bình Tây, nhiều sản phẩm thuộc thương hiệu đình đám như Shiseido, Estee Lauder nhưng lại có giá rất rẻ, chỉ xấp xỉ 1/2 so với giá chính hãng. 

SOS - Tran ngap my pham 'ma' chua thuy ngan
Lực lượng chức năng kiểm tra một lô hàng mỹ phẩm "nhái".

Chẳng hạn như phấn phủ Shiseido Integrate Gracy SPF 26 chỉ có giá 180.000đ/hộp, trong khi giá chính hãng là 340.000đ/hộp; kem dưỡng da Estee Lauder Advanced Time Zone Night giá 250.000đ/hộp, giá chính hãng là 450.000đ/hộp. Điều đáng nói là trên vỏ hộp của những sản phẩm “hàng hiệu” tại chợ này đều có in chữ Made in Japan. Song, mã vạch dưới đáy hộp là  “692” - mã vạch Trung Quốc từ 690-693.

Nghe chúng tôi thắc mắc điểm này, người bán nói: “Loại có chữ “Made in Japan” vẫn là hàng Trung Quốc nhưng bao bì sắc nét, tinh tế và giá cũng nhỉnh hơn khoảng 10% so với loại ghi “Made in China”. Nói về hiện tượng này, một cán bộ thuộc Chi Cục quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết: “Những dấu hiệu đó cho thấy đây là sản phẩm nhái, giả mạo”. 

Lần theo mách nước của một người kinh doanh mỹ phẩm lâu năm, bản nhái kem Guoyao và Qianli (Nhật Bản), Sun Tan (Đài Loan) cũng được bán tại cửa hàng bách hóa tự chọn Tuấn Tú (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) và nhiều sạp chợ khác. Bao bì sản phẩm chi chít tiếng Nhật, không ghi địa chỉ sản xuất, nhà nhập khẩu. Riêng đối với mỹ phẩm Guoyao, trên sản phẩm có dòng chữ: MP Nhất Phàm.

Liên hệ đến Công ty TNHH SX TM XNK Nguyễn Phụng (Q.Bình Tân) - công ty phân phối độc quyền MP Guoyao - thì chủ công ty này cho biết, sản phẩm Guoyao chính hãng do công ty phân phối đều có nhãn phụ thông tin đầy đủ về nhà sản xuất, trên đáy vỏ hộp có mã vạch là “494”. Sản phẩm theo như  phóng viên mô tả là hàng giả, không phải sản phẩm của công ty. 

Đặc điểm nổi bật là các sản phẩm giả “hàng hiệu” này được nâng cấp với vỏ hộp sang trọng và in toàn chữ tiếng Anh. Thông tin xuất xứ, nếu có cũng chỉ ghi Made in P.R.C. Nhiều người bán tại chợ nói với chúng tôi: “P.R.C cho biết đây là sản phẩm của Pháp”, có người thì bảo của Mỹ hoặc của Úc. Song thực tế, P.R.C là viết tắt của People republic of China: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Táo tợn hơn, nhiều vỏ hộp ghi xuất xứ Đài Loan nhưng vẫn có thêm các dòng chữ From U.S.A hoặc From Hollywood, From Tokyo, From London khiến người tiêu dùng nếu không chú ý sẽ rất dễ tin lời người bán mà mua hàng xuất xứ nhập nhằng.

Càng gây hại, càng bán chạy

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM từng phát hiện và xử phạt nhiều công ty làm giả mỹ phẩm, cụ thể như Công ty TNHH Ánh My (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sản xuất giả mạo các thương hiệu Aihao, Tigon, Mélau, Lulanjina… Những sản phẩm này có hàm lượng thủy ngân cao hơn mức giới hạn cho phép 14-29 lần. Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức - Trường đại học Y Dược TP.HCM - thủy ngân có tác dụng ngăn hắc sắc tố phát triển, khiến da trắng sáng hơn. Chính vì thế, không ít cơ sở sản xuất mỹ phẩm đã trộn chất này vào sản phẩm rồi bán ra thị trường.

SOS - Tran ngap my pham 'ma' chua thuy ngan
Hóa chất trôi nổi được dùng sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng

Theo quy định, hàm lượng thủy ngân ở mức cho phép là 1mg/ký người, nếu tiếp xúc vượt mức quy định và trong thời gian dài 1 đến 3 hoặc 5 năm sẽ bị nhiễm ở mức độ khác nhau, gây các triệu chứng: tay chân run, giảm trí nhớ, mờ mắt, sẩy thai hoặc các khuyết tật thai nhi… Ông Đức còn cho biết, đã có nhiều trường hợp sử dụng kem trị nám, tàng nhang “ngoại nhập” nhưng da mặt bị viêm “ghê gớm” do nhiễm độc thủy ngân. Thời gian đầu sử dụng, tất cả mụn, nám, tàn nhang, da khô... đều biến mất.

Tuy nhiên, sau 3 năm, da sẽ mỏng đến mức thấy cả gân máu. Song, cứ ngưng bôi thì mụn lại mọc nhiều hơn lần trước, lan xuống cổ, tay, kèm theo cơn ngứa ngáy khó chịu. Sau vài tháng, da nhăn nhúm, mềm nhũn, nóng rát; cơ thể mệt mỏi, tay chân bủn rủn. Khi đến bệnh viện để thăm khám, nhiều người mới biết da bị nhiễm độc thủy ngân. 

Song những biến chứng đó chỉ xuất hiện sau một thời gian dài sử dụng nên người dùng rất khó nhận biết và hiểu rõ nguyên nhân. Nhiều chị em cứ thấy hiệu quả da trắng mịn trước mắt là lập tức tin dùng. Nhờ vậy, sản phẩm càng bán chạy. Cứ xoay vòng như thế, kẻ mua - người bán đều rất háo hức với các loại mỹ phẩm này. Về phía tiểu thương, những sản phẩm ấy được chuộng bán không chỉ vì đắt hàng mà còn do chúng đem đến lợi nhuận khủng, một lời một trên mỗi sản phẩm bán ra.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại chợ sỉ Bình Tây, kem Jiao Li chỉ có giá 150.000đ/sản phẩm, Xin Jiao Li giá 110.000đ/hộp nhưng ra tới chợ lẻ, mức giá tăng lên 300.000đ/sản phẩm. Mức lời này khiến các tiểu thương trở thành những chân rết phân phối cực kỳ tích cực cho hàng giả, hàng nhái. Người bán lời một, nhà sản xuất còn lời “khủng” gấp nhiều lần.

Cụ thể hơn, PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức cho biết, làm mỹ phẩm giả, kém chất lượng đem lại lợi nhuận rất lớn, có thể 1 lời 10. Các thành phần này có giá rất rẻ, được mua chủ yếu ở chợ Kim Biên, là nguyên liệu trong ngành công nghiệp, bản thân chứa các loại tạp chất như chì, thủy ngân; hoặc chính người sản xuất đã cho thêm thủy ngân vào. 

SOS - Tran ngap my pham 'ma' chua thuy ngan
Những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng

Ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - bổ sung: "Thị trường mỹ phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ là do hiện tại, các sản phẩm mỹ phẩm rất đa dạng, ngay cả các cơ quan thực thi cũng không có đủ thông tin về đặc điểm nhận biết. Trong khi đó, nước ta chưa có hệ thống cảnh báo an toàn mỹ phẩm, hệ thống các phòng thí nghiệm kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu. Để đẩy lùi vấn nạn này, các cơ quan quản lý rất cần sự chung tay của người tiêu dùng, cụ thể là chỉ nên sử dụng mỹ phẩm được bán tại các điểm bán uy tín”. 

Trên các trang mạng xã hội, nhiều nguyên liệu pha chế mỹ phẩm hàng xá cũng được rao bán với giá rẻ cực sốc. Mới đây, một trang mạng còn đăng tải hình ảnh hotgirl rao bán các loại kem trộn “không có tâm” được nhiều người “hoảng hồn” share nhau. Theo hình ảnh của trang facebook này, nguyên liệu chế biến, kem trộn là những hóa chất đựng trong thùng, trong bọc không nhãn mác,  cứ thế được pha chế theo tấn, bán theo thùng, theo ký cũng không nhãn mác  cho các hotgirl. 

Từ đây các hotgirl phân phối cấp dưới theo hũ. Cụ thể là lời rao: “1,2 tấn lột mụn than tre hàng xịn giao đi cho khách yêu, cứ mỗi người lấy 500 kg, hàng bán theo can”, “50kg body  giá 200.000đ, không bết rích, trắng sau 3-5 ngày sử dụng”, “Tiếp tiếp ra đi 200kg tan mỡ siêu nóng màu theo yêu cầu gừng, ớt, khách đặt hàng vô hũ, hàng đang hot giá 45.000đ/kg”. Tổng cộng một đợt phân phối, chủ facebook còn rao: “Đã nhận đủ 44 triệu đồng tiền mua…”.

Trước thông tin này, làng facebook cũng khiếp vía: “Chỉ khuyên chị em tỉnh táo khi bôi bất cứ thứ gì trên mặt và người mình nhá. Đừng ham đẹp trước mắt mà để lại hậu quả về sau”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI