Sông Hàn: Còn đó nỗi sợ

15/05/2019 - 08:12

PNO - Một tuần sau hội nghị phản biện về hai dự án lấn sông Hàn, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay, các chủ dự án trên đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch để tăng không gian công cộng.

Theo ông Thái Ngọc Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng - chủ đầu tư hai dự án trên đã đồng ý dành 9m cho lối đi bộ ven sông (rộng bằng lối đi bộ hiện hữu bên đường Bạch Đằng, Q.Hải Châu), bố trí 6m làm vệt cây xanh cảnh quan tạo bóng mát và 5m làm lối đi bộ phía trong, tiếp cận các công trình của dự án; chuyển các khu quy hoạch làm công trình cao tầng thành đất công viên cây xanh, bãi đậu xe phục vụ công cộng (quỹ đất phát triển công trình cao tầng tại dự án Marina Complex khoảng 6.800m2, dự án Olalani Riverside Towers khoảng 13.000m2).

Chủ dự án Olalani Riverside Towers cũng xóa quy hoạch ba cầu tàu bến thuyền và thay tuyến đường giao thông cơ giới ven sông bằng tuyến đường đi bộ kết hợp với công viên. Đối với dự án Marina Complex, chủ đầu tư cũng đồng ý điều chỉnh lùi các công trình khai thác thấp tầng vào sâu trong đất liền, nhường chỗ cho công viên hướng ra khu vực ven sông.

Song Han: Con do noi so
Cầu Thuận Phước với nguy cơ thiếu an toàn trong tương lai

Tất nhiên, doanh nghiệp không chịu mất trắng. Theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, các nhà đầu tư được đền bù thiệt hại bằng cách hoán đổi các lô đất trống mà UBND TP.Đà Nẵng đang quản lý, đủ điều kiện được xây dựng công trình cao tầng, trên nguyên tắc ngang giá.

Chuyện như đã đi vào hồi kết đẹp. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng, người đã nói thẳng tại hội nghị ngày 7/5 rằng, đây là sai lầm trong quy hoạch - nhận định: “Thay đổi quy hoạch là điều không ai muốn. Lẽ ra, tư tưởng phát triển bền vững, hướng về cộng đồng phải có ngay từ đầu, ở tất cả dự án. Khi đi vào từng dự án cụ thể thì phải lấy ý kiến phản biện xã hội như vừa rồi, nhưng thực tế không phải như vậy. Việc thay đổi trên cho thấy, lãnh đạo thành phố đã cầu thị và chấp nhận lội ngược dòng, dũng cảm sửa sai. Dám sửa sai là bước tiến chứ không phải bước lùi. Về phía doanh nghiệp, họ chấp nhận thiệt hại, đó là văn hóa kinh doanh, để giữ uy tín”.

Tuy nhiên, ông Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dòng biển Việt Nam, người đã gay gắt phản ứng hai dự án trên ngay từ đầu - lại nghĩ khác: “Hoan nghênh chính quyền và doanh nghiệp đã chấp nhận sai lầm và lắng nghe, nhưng dù có chuyển nhà cao tầng thành công viên thì sai lầm, nguy hiểm vẫn còn sờ sờ ra đó, không sửa được”.

Theo ông Diệm, hai doanh nghiệp trên không xây nhà cao, bến cảng, nhưng họ đã biến hai khu đất đó thành mỏ hàn (một thuật ngữ thủy lợi nói về việc ngăn, đắp nhô ra sông). Dòng chảy khi xuống đây gặp phải mỏ hàn, sẽ tống thẳng qua bờ tây là đường Như Nguyệt và mố đầu cầu Thuận Phước.

Ông Diệm nói: “Tôi đã khảo sát cầu Thuận Phước phía bờ tây, nước xuống gặp hai mỏ hàn đó đã khoét lở, làm cát ở đây trôi hết, còn lại sỏi, đá. Tôi xin cảnh báo, một thời gian không xa nữa, cầu Thuận Phước sẽ sập. Các hầm ếch sát bờ nay đã biến thành hầm hà bá. Cách duy nhất phải làm bây giờ là tháo gỡ nền hai công trình trên, trả nguyên vẹn lại cho sông. Bây giờ chấp nhận làm công viên, ta thấy đó là tổn thất của doanh nghiệp, thiện chí của chính quyền, nhưng thực tế khoa học lại phơi ra chuyện khác, không làm rõ thì hậu quả khôn lường”.

Ông dẫn chứng, cách đây 50-60 năm, ở biên giới phía Bắc, bờ sông phía Trung Quốc đã làm những mỏ hàn như thế; một thời gian sau, ở bờ phía Việt Nam đã xảy ra xói lở nghiêm trọng. 40 năm trước, cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam cũng bị tình trạng tương tự, rồi đến các sông ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đến bây giờ, trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo TP.Đà Nẵng buộc phải thừa nhận rằng, đã có quá nhiều sai sót trong quy hoạch đô thị trước đây do phát triển quá “nóng”. Dư luận địa phương suy luận rằng, đó là do thiếu tầm nhìn dài hơi, coi thường và bỏ qua ý kiến cộng đồng, gạt bỏ yếu tố bền vững bằng “ăn nhanh, bốc vội”, nên cái giá phải trả khá đắt.

Ông Nguyễn Hữu Trị - một người dân ở Q.Hải Châu - cho rằng, ông không đánh giá cao thiện chí dừng hai dự án trên. “Điều quan trọng không phải là xây công viên thay vì nhà cao tầng trên sông khi bị áp lực quá lớn từ cộng đồng. Sông Hàn là tài sản văn hóa chung của người dân thành phố, không ai được phép nhân danh này nọ nhúng tay vào đó để làm méo mó tự nhiên. Trên sông còn ba dự án như “hàm cá mập” rất phản cảm, thách thức người dân. Chừng nào lãnh đạo vẫn còn tư duy không tôn trọng giá trị văn hóa của cộng đồng thì chuyện can thiệp thô bạo vào đời sống cộng đồng vẫn còn xảy ra”.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI