Sinh viên bén duyên với nghề xe ôm công nghệ - Kỳ 1: Nhẹ cơm áo, nặng mối lo

06/05/2017 - 14:30

PNO - Có sức khỏe nhưng thời gian rỗi không cố định, nhiều sinh viên muốn đi làm thêm để đỡ đần gia đình cũng khó. Thế nên, việc đăng ký làm tài xế GrabBike là một cứu cánh.

Tuy nhiên, môi trường xe ôm thực sự là một “trường đời” với nhiều thử thách không dễ vượt qua…

“Con tự lo được rồi, từ nay mẹ đừng chuyển tiền lên nữa…”

Đó là câu mà Nguyễn Văn Hải nói với mẹ sau khi kết thúc ngày làm tài xế GrabBike đầu tiên. Tối hôm đó, Hải kiếm được hơn 300.000đ sau khi chạy rộc cả người chở khách ngoài nắng. Hải quê ở huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Sau khi kết thúc khóa nghĩa vụ quân sự gần 2 năm, Hải vào ĐH Luật TP.HCM với nặng trĩu lo toan vì gia đình khó khăn.

Vuốt lại những tờ bạc lộn xộn trong túi, Hải khoe: “Có cô kia dễ thương lắm, biết em là sinh viên nên đã trò chuyện vui vẻ. Cô ấy nói cũng có con trai bằng tuổi em. Đi một cuốc hết có 27.000đ mà cô ấy bo thêm 50.000đ. Cái nghề này hay lắm, cứ chăm chỉ ‘cày’, lễ độ với từng khách thì tiền về túi mình hà”.

Sức trai tráng, ngoài giờ học không biết làm thêm việc gì để trang trải cuộc sống nên khi biết đến GrabBike là Hải tham gia ngay. Vì chàng sinh viên này học chương trình tại chức, mỗi tuần chỉ học 3 đêm nên thời gian rảnh ban ngày rất nhiều.

“Mình chạy một ngày được 300.000đ đã thấy hài lòng, ngó qua thấy có người chạy được gần 500.000đ, thấy ham. Vậy là cố gắng hơn, chăm chỉ hơn. Chẳng những đủ tiền trả phòng trọ, đóng học phí và trang trải các khoản khác mà đến ngày lễ, về thăm mẹ còn có tiền để mua quà nữa”- Hải vui vẻ cho biết.

Sinh vien ben duyen voi nghe xe om cong nghe - Ky 1: Nhe com ao, nang moi lo
Sinh viên Nguyễn Văn Hải tự lo được cho cuộc sống của mình với công việc tài xế xe ôm công nghệ. Ảnh: Yên Khê

Khác với Hải, Nguyễn Thành Tiến (sinh viên Trường Cao đẳng du lịch Sài Gòn) tự dặn mình “sức khỏe là quan trọng, sức đến đâu, chạy đến đó, việc học quan trọng hơn kiếm tiền”. Dù vậy, làm tài xế xe ôm công nghệ vẫn đang là công việc mang lại thu nhập khá nhất so với những việc mà Tiến từng làm trước đây.

Chàng sinh viên quê ở miền Tây nở nụ cười hiền lành: “Em học y sĩ xong rồi mà thấy không hợp, cố bám trụ lại Sài Gòn để học ngành du lịch. Gia đình khó khăn, đâu thể nuôi mình hoài được. Ban đầu chạy xe ôm, thấy ngại lắm, cứ nghĩ là trí thức mà chạy xe ôm thì kỳ kỳ làm sao ấy. Nhưng lăn lộn với nghề, hiểu được hết ý nghĩa về sự chính đáng của nghề, của giá trị lao động nên thấy vui và thoải mái. Quan trọng nhất là mình vượt qua được mặc cảm không đáng có của bản thân và kiếm được tiền để tự lo cho mình”.

Với rất nhiều sinh viên, “chạy Grab” trở thành từ cửa miệng vì công việc này đang dần phổ biến.

Loạng choạng chở người viết bài này rời bến xe Miền Đông dưới trời trưa nắng, Phạm Thị  Loan (sinh viên năm 2, ĐH Kinh tế TP.HCM quê ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) kể: “Thấy em nhỏ con, yếu ớt, khách nào cũng hỏi “chạy nổi không đó?”, nhưng rồi thấy em chở được tuốt hết. Gia đình em khó khăn quá, em định mấy lần bỏ học vì ba đã mất sớm, mẹ bị bệnh lao, lại phải nuôi 3 đứa con nhỏ ở quê.

Em là chị Hai, vừa học vừa sốt ruột lo cho mẹ và các em ở nhà nên đâu có dám xin tiền mẹ. Trước đây em phục vụ nhà hàng, được làm việc trong phòng máy lạnh nhưng chỉ được 2 triệu/ tháng. Chạy GrabBike, em được gần 5 triệu đồng/ tháng. Phải nói rằng em may mắn khi tìm được việc này, kiểu như mình đang bế tắc mà tìm được lối thoát cho cuộc đời vậy đó”.

Vừa chạy vừa lo...      

Việc chạy xe ôm, dù là xe ôm truyền thống hay xe ôm công nghệ đều không “ngon ăn” như nhiều người tưởng.

Cô sinh viên xinh xắn Phạm Thị Loan kể: “Thực tế thì khách nam rất có thiện cảm với tài xế nữ. Khách nam lịch sự thì lên xe một cách rón rén và giữ khoảng cách, không may gặp khách nam say xỉn, thiếu lịch sự thì trở thành nỗi sợ hãi của mình. Nguy cơ bị cư xử suồng sã, thậm chí bị quấy rối hoàn toàn có thể xảy ra. Một lần, em chở khách từ chợ Bà Chiểu về đường Cộng Hòa, nửa đường phải dừng lại, kiên quyết từ biệt khách vì ông ấy xỉn, ôm tài xế và luôn miệng lải nhải ‘xe ôm thì phải ôm chứ’. Thả khách được một đoạn, tự dưng bật khóc tu tu vì tủi thân”.

Không chỉ với tài xế nữ, tài xế nam cũng phải đối diện nhiều mối lo. Để trở thành tài xế “cứng” như bây giờ, Nguyễn Văn Hải cũng từng trải qua nhiều tình huống khiếp vía. “Có những đêm được nghỉ học, em chạy từ 8g tối đến 2g sáng. Vừa trả khách ở bệnh viện 115 lúc 12g khuya, đang xớ rớ thì có hai bác xe ôm rầm rập chạy đến.

Em chưa kịp nói gì đã bị hai bác ấy chửi tới tấp và dọa đánh. Sau đó, em sợ đến mức không dám trả khách sát cổng Bệnh viện 115. Em từng đọc báo, thấy có nói đến việc tài xế xe ôm công nghệ bị đánh, tưởng chuyện ở đâu xa, ai ngờ mình cũng suýt bị. Đi học nhờ tiền bố mẹ, phải ráng làm thêm đỡ đần gia đình. Không may rủi ro mà nằm viện, chắc chết. Vì vậy đi làm cũng vừa chạy xe, vừa run đó anh”.

Sinh vien ben duyen voi nghe xe om cong nghe - Ky 1: Nhe com ao, nang moi lo
Nguyễn Thành Tiến khá hài lòng với thu nhập từ nghề tài xế GrabBike, nhưng vẫn đầy ưu tư với nhiều mối lo. Ảnh: Yên Khê

Bên cạnh đó, vì đặc thù nghề nghiệp, những tài xế xe ôm công nghệ lo nhất là bị tai nạn giao thông. “Khả năng bị tai nạn giao thông cao hơn các ngành nghề khác, bởi thời gian chạy xe quá nhiều. Cứ kết thúc một ngày chạy GrabBike, em cũng thầm cảm thấy may mắn vì mình an toàn.

Cũng có nhiều lần em suýt bị tai nạn, rồi tự nghĩ mình phải cẩn thận hơn, chạy xe tuân thủ tốc độ và luật giao thông hơn để giảm thiểu tai nạn. Nhớ những ngày ở quê, mỗi lần xách xe ra đường đi chơi là má lại la vì sợ tai nạn. Giờ mà má biết mình chạy loăng quăng cả ngày ngoài đường chắc còn lo lắng dữ”- Nguyễn Thành Tiến bộc bạch.

Với những sinh viên nghèo, đúng là khó kiếm việc làm thêm nào khả dĩ hơn nghề xe ôm công nghệ. Nhưng khi chuyện cơm áo nhẹ đi, họ lại phải đối diện với nỗi lo khác. 

Yên Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI