'Siêu lừa' Hoàng Phương tái xuất đưa hơn 100 người vào bẫy

09/03/2017 - 14:40

PNO - Thay vì đưa người sang Nhật lao động như cam kết, Hoàng Phương đã đưa họ vào… bẫy lừa.

Điều đáng nói là vào tháng 4/2015, với chiêu bài hứa hẹn đưa sang Nhật làm việc, Hoàng Phương cũng đã từng lừa hơn 50 người và bị Công an quận 9 bắt giam, nhưng sau đó lại được thả về và tiếp tục “hành nghề” lừa đảo.

Sáng 7/3, Nguyễn Thanh Tiền (SN 1988) ngồi ngơ ngác trước hiên nhà. Thanh Tiền phát bệnh thần kinh từ ngày bị lừa gần 200 triệu đồng tiền xuất khẩu lao động (XKLĐ), chồng chị cũng rời bỏ, khiến chị phải về ở với cha mẹ tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. 

Tiền là một trong 115 nạn nhân bị lừa XKLĐ, được Công an P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM  mời làm việc để lấy lời khai vào ngày 15/2. Gia đình các nạn nhân bức xúc, dù sự việc lừa đảo đã rõ ràng nhưng đến nay, thủ phạm  Trần Thị Hoàng Phương - SN 1989, Giám đốc Công ty TNHH Youko (gọi tắt là Youko, có trụ sở trên đường Kha Vạn Cân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) - vẫn còn nhởn nhơ.

'Sieu lua' Hoang Phuong tai xuat dua hon 100 nguoi vao bay
Hơn 60 nạn nhân được mời đến Công an quận Thủ Đức để làm việc.

Đã nghèo, còn bị lừa

Với cách nói chuyện khéo léo cùng sự phô trương các mối quan hệ với những người có chức vụ cao tại Nhật Bản và Việt Nam, Hoàng Phương khiến nhiều người nhanh chóng tin rằng, chỉ cần đóng khoảng 170 triệu đồng, ai cũng có thể dễ dàng qua Nhật lao động ba năm.

Cuối năm 2015, anh Nguyễn Bình An (ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) nộp cho Youko số tiền 3.800 USD để đi XKLĐ tại Nhật. Youko cứ hẹn lần hẹn lữa, nhưng không cho anh An qua Nhật như đã hứa. Sau đó, Hoàng Phương đã thuyết phục được anh An vào làm nhân viên văn phòng với lời hứa “có cơ hội mới, sẽ cho qua Nhật”.

Anh An chua xót: “Công ty ký cam kết rất rõ ràng, bà Phương hứa hẹn đủ điều khiến tôi tin một cách mù quáng. Đau xót hơn là sau đó, tôi đã bảo cháu của mình là Thanh Tiền nộp tiền cho Youko, cuối cùng mới biết cả hai cậu cháu bị lừa”.

Tháng 2/2016, nghe cậu rủ, Thanh Tiền đã quyết định qua Nhật lao động vài năm để kiếm chút vốn. Tiền âm thầm đi vay nặng lãi được 100 triệu đồng (lãi 10%/tháng) và vay mượn bất cứ ai có thể, để có đủ 170 triệu đồng nộp cho Youko. Đại diện Youko ký cam kết với Tiền rằng “100% bao đậu visa, gặp trục trặc sẽ hoàn 100%  tiền. Vợ qua trước, có thể bảo lãnh chồng và con qua sau”.

Sau khi đóng tiền một tuần, y hẹn, Youko cho Tiền và 12 người khác qua Nhật để ký hợp đồng. Tại Nhật, họ được vào một văn phòng công ty, được gặp một người Nhật tự giới thiệu mình là giám đốc và trao đổi, hứa hẹn về công việc. Sau bốn ngày, họ được đưa trở về Việt Nam để “chờ ngày đi làm chính thức”. Thế nhưng, những người lao động này không ngờ, Youko thuê địa điểm giả văn phòng, thuê một người Nhật sắm vai giám đốc để diễn màn kịch “ký kết hợp đồng lao động”.

Thanh Tiền về Việt nam, háo hức chờ ngày xuất cảnh. Cô mua sắm, chuẩn bị quần áo, đồ đạc và đóng sẵn va li. Bà Nguyễn Thị Thảo (mẹ Tiền) gạt nước mắt: “Cứ trước ngày hẹn một ngày, Youko lại thông báo gặp trục trặc, khi thì bảo chưa in kịp vé máy bay, lúc lại bảo công ty đối tác gặp sự cố. Cả chục lần Youko sai hẹn, riêng tiền lãi từ khoản vay nợ “đen” đã lên đến 100 triệu sau gần một năm”.

Ngày 29 tháng Chạp vừa qua, sự việc vỡ lở, tất cả nạn nhân biết mình bị lừa. Riêng Tiền đã phát điên nặng, bỏ nhà lang thang đến sân bay Tân Sơn Nhất vì “nghĩ rằng mình sắp lên máy bay qua Nhật”. Gia đình đi tìm nhưng không thấy. Sau ba ngày ba đêm, một người bạn của Tiền vô tình phát hiện cô vật vờ ở sân bay và báo gia đình đưa về nhà. Tiền đã phải vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để điều trị hơn nửa tháng. Hiện cô vẫn còn bị rối loạn tâm thần, phải thường xuyên uống thuốc. 

“Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”

Anh Đinh Thanh Bình (ngụ P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM) là một trong những nạn nhân, nhưng lại bị lừa kiểu khác. Hoàng Phương nhờ anh Bình đứng ra tìm người có nhu cầu đi XKLĐ tại Nhật. Nhờ uy tín và sự quen biết rộng, anh Bình đã thuyết phục được 14 người (đa số là thân quen) nộp tiền cho Youko để được XKLĐ. Anh đứng ra thuê thầy dạy tiếng Nhật, phục vụ ăn ở cho những người này.

Số tiền gần 2 tỷ đồng từ 14 người lao động được chuyển cho Youko chưa lâu thì anh phát hiện Phương lừa đảo. “Bản thân tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng vì bỏ ra chi phí dạy học và chăm sóc 14 người lao động. Bây giờ, nhìn lại toàn bộ sự việc, tôi mới biết Phương chủ đích lừa đảo. Ngày 23/2/2017, cô ta đưa chín người lao động qua Nhật để “phỏng vấn”, việc đưa qua Nhật phỏng vấn nhằm tạo thêm niềm tin đối với người lao động và sau đó tiếp tục chây ì.

Khi qua Nhật, chín người lao động này đã bị cảnh sát giữ lại thẩm vấn trong hai tiếng đồng hồ mới được thả. Riêng Phương, dù khỏe mạnh nhưng vẫn giả vờ mang thai và bị ốm bằng cách ngồi lên xe lăn để nhập cảnh. Vào được Nhật, Phương đi lại bình thường” - anh Bình kể.

Dù ngày 15/2, đã có hơn 60 nạn nhân của Youko  được Công an P.Linh Đông triệu tập làm việc, nhưng đến ngày 23/2, Phương vẫn tiếp tục tổ chức cho chín người qua Nhật. Vài ngày nay, các nạn nhân kéo đến trụ sở công ty Youko làm dữ, Phương mới cho đóng cửa công ty và trốn mất biệt.

Đáng nói là trước đó, vào tháng 4/2015, “siêu lừa” Hoàng Phương cũng đã lập trụ sở công ty dịch vụ XKLĐ tại Q.9, TP.HCM, khiến hơn 50 người sụp bẫy lừa và bị Công an Q.9 bắt giam. Thế nhưng, sau hai tuần được giam giữ để điều tra, không hiểu sao,  Hoàng Phương được thả về và tiếp tục lập công ty Youko để lừa đảo.

 Chiều 7/3, trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Nguyên Khánh, Trưởng công an P.Linh Đông, Q.Thủ Đức xác nhận, Công an P.Linh Đông có tiếp nhận nhiều trường hợp người dân tố cáo công ty Youko có dấu hiệu lừa đảo XKLĐ đi Nhật Bản. Sau khi tiếp nhận thông tin, công an có mời một số người liên quan lên để tìm hiểu. Xét thấy, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên công an phường đã lập hồ sơ chuyển lên Công an Q.Thủ Đức xử lý theo thẩm quyền.

Chiều cùng ngày, Công an Q.Thủ Đức cho biết, vụ nghi vấn lừa đảo XKLĐ tại Công ty TNHH Youko có tính chất nghiêm trọng, số nạn nhân tố cáo rất đông, với số tiền lừa đảo khá lớn. Hiện tại, Công an Q.Thủ Đức đã chuyển hồ sơ cho Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM để đơn vị này thụ lý điều tra.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Qua thông tin vụ việc, theo tôi, bà Phương đã dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu để người dân giao tiền cho mình.

Sau khi nhận được tiền, bà Phương không thực hiện đúng thỏa thuận, lại bỏ trốn là có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành".

Cũng theo luật sư Hùng, người dân khi muốn đi XKLĐ thì nên tìm đến các công ty đã được cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (danh sách các công ty này có trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (http://dolab.gov.vn/).

Khi làm hợp đồng, các điều khoản cần phải rõ ràng, cụ thể và nên nhờ luật sư tư vấn để tránh bị lừa gạt. Khi phát hiện mình bị lừa, nên nhanh chóng đến trình báo với cơ quan chức năng địa phương để họ kịp thời xử lý.

Trần Triều - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI