Sẽ trả lại nguyên trạng những đoạn kè còn ổn định của kinh thành Huế

19/04/2019 - 11:15

PNO - Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) đã có phản hồi thông tin đã phản ánh về tình trạng phá dỡ bờ kè nguyên gốc phía Nam hộ thành hào kinh thành Huế.

Tháo dỡ bổ sung đá gan gà những đoạn kè không đúng thiết kế

Sau khi các báo phản ánh sự việc, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã kiểm tra hiện trường và xác nhận một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể, việc triển khai thi công chưa đúng tiến độ. Tại một số vị trí, việc thi công còn tùy tiện, không đúng yêu cầu về kỹ thuật thi công đã được phê duyệt. Đơn vị thi công đã sử dụng quá quy định các phương tiện cơ giới trong quá trình hạ giải tuyến kè, gây ra những hình ảnh phản cảm.

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Thi công theo kiểu phá nát bờ kè hộ thành hào chạy dọc kinh thành Huế. Ảnh chụp tháng 2/2019

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ngày 18/4 ThS. Phan Văn Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, hiện tại đơn vị đã cho dừng thi công toàn bộ dự án, sẽ đi kiểm tra cụ thể những đoạn nào thì sử dụng vật liệu nào tương ứng. Hiện tại đã tận dụng hơn 80% số đá gan gà của công trình ở mặt ngoài của bờ kè phía Nam hộ thành hào.

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
ThS. Phan Văn Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế thông tin về dự án

“Đối với những tuyến bờ kè đã làm xong từ khu vực Minh Đài đến cửa Quảng Đức, biện pháp khắc phục đầu tiên là kiểm tra kỹ các phần bên ngoài mặt Nam bờ kè hộ thành hào. Nếu phần nào chưa đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật sẽ tiến hành tháo dỡ thay thế bằng đá gan gà cũ theo kỹ thuật xếp gan. Tuy nhiên tỷ lệ những đoạn kè vừa làm xong bị tháo xuống rất ít”, ông Tuấn thông tin.

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Đưa cả phương tiện xe cơ giới vào xúc cả đá gan gà

Trong lúc đó, nhiều bạn đọc và giới nghiên cứu cung cấp hình ảnh mới chụp vào tháng 4/2018 khẳng định rằng khu vực bờ kè dọc hộ thành hào đoạn gần cửa Quảng Đức còn khá nguyên vẹn. Việc hạ giải một cách tùy tiện, chẳng khác nào đang phá nát “bộ đôi lông mày” của hoàng thành Huế.

“Nhìn bề ngoài nhìn thấy rất đẹp, nhưng khi đơn vị thi công đào xuống phần dưới thấy phần đáy móng xuất hiện hiện tượng chảy cát ra từ bên trong, cộng thêm phía cổng thành tạo lực áp xuống quá nặng nên tống ra. Mặc dù bờ kè ngoài trông còn nguyên vẹn đẹp nhưng nền địa chất phần móng kè đoạn này rất yếu nên giải pháp là gia cố cừ và làm mới bờ kè. Đây là biện pháp cuối cùng để giữ bờ thành khu vực này”, ông Tuấn khẳng định.

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Khu vực bờ kè cạnh cửa Quảng Đức vào tháng 4/2018. Ảnh M.T

Theo báo cáo của Trung tâm BTDTCĐ Huế, hiện nay phần việc làm mới chỉ chiếm 10% tổng quy mô dự án. Do đó công tác khắc phục phần đầu tiên là rà soát, đánh giá hiện trạng một cách kỹ càng, cũng như tăng cường lực lượng giám sát đội ngũ kỹ thuật để cùng đơn vị thi công, xác định những đoạn kè còn tốt để bảo tồn theo hướng nguyên trạng. 

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Bờ kè mới làm tháng 4/2019. Ảnh: Thuận Hóa

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, rằng trước khi triển khai dự án đã tham khảo ý kiến cộng đồng trong việc trùng tu dự án này hay chưa, ông Tuấn nói, trong quá trình thi công, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiếp thu ý kiến của cộng đồng và Bộ VH-TT&DL. “Mỗi công trình trùng tu bảo tồn di tích là một công trình mở, khi đang thi công nếu có những ý kiến, chúng tôi sẽ lắng nghe, khắc phục điều chỉnh nếu thấy hợp lý”, ông Tuấn cho biết.

Trùng tu nhất quyết phải đảm bảo yếu tố xếp khan  

Khi triển khai thi công bờ kè mặt Nam kinh thành Huế đoạn từ phía Nam Minh Đài đến cửa Quảng Đức, thay vì hạ giải đá gan gà (nguyên bản) theo phương pháp thủ công, đơn vị thi công đã dùng máy móc để tháo dỡ. Họ cũng không tu bổ, giữ nguyên hiện trạng lớp đá gan gà theo kỹ thuật xếp khan như người xưa, mà đổ bê tông cốt thép, sử dụng đá granit thay thế.

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Khu vực bờ kè vừa xây mới từ Quan Tượng Đài đến cửa Quảng Đức

ThS. họa sĩ Trần Thanh Bình, nguyên giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế, thành viên hội đồng khoa học, đánh giá: "Ở đây đơn vị thi công đã làm sai, đó là giữa cái giấu mạch, vữa để thể hiện giả như xếp khan khác với xây mạch âm. Khi xếp khan có nghĩa chỉ xếp bề mặt gạch mà không thấy vữa nhưng ở bên trong vữa vẫn gắn các viên đá vào bức tường. Như vậy việc tráp vữa chỉ được dán ở phía bên trong chứ không phải xây ngoài mặt Nam bờ kè hộ thành hào".

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Bờ kè mới xây trước mặt Quan Tượng Đài

Theo họa sĩ Trần Thanh Bình, hiện nay phần tường của bờ kè đang xây giống kiểu xây mạch âm (mạch chìm) chứ không thực hiện phương án xếp khan. Dù rằng phải chấp nhận thực tế các viên đá đã bào mòn theo thời gian, tính chất ma sát, kết dính cũng như liên kết hoàn toàn và chắc chắn đã giảm. Dù rằng, số lượng đá gan gà để xếp gan toàn bộ dự án xây bờ kè phía Nam hộ thành hào không đủ, chắc chắn phải có yếu tố bổ sung.  

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Giới nghiên cứu cho rằng phương pháp thi công như hiện nay đã phát nát hộ thành hào

“Cần làm khéo léo, ẩn xen kẽ. Có nghĩa là chọn những đoạn không quan trọng để tiến hành làm xen kẽ với một mức độ nhỏ, phù hợp. Để mọi người có cảm giác giữa cái cũ và cái mới hoàn toàn không bị tách ra. Cho dù làm thế nào cũng phải đảm bảo yếu tố xếp khan, không vôi vữa vì nếu thay đổi sẽ không còn là di tích, không còn giá trị của bờ kè này nữa. Việc dùng vôi vữa chỉ có thể giấu ở bên trong, áp dụng cho những đoạn kè hư hại hoàn toàn phải xây mới, hoặc những chỗ thiếu đá cũ, hoặc chỗ xung yếu, nhưng phải làm đế giấu ở dưới, còn lại mặt ngoài vẫn phải là đá cũ và xếp khan”. họa sĩ Bình nêu rõ.

Cũng theo ý kiến của ông Bình, đối với những công trình tu bổ di tích nói chung và thi công bờ kè phía Nam hộ thành hào của kinh thành Huế nói riêng, đơn vị giám sát khách quan ở chừng nào thì công trình sẽ tốt chừng đó. Nếu giả dụ ở đây đơn vị giám sát công trình này là “người nhà” của đơn vị thi công thì tính khách quan sẽ giảm sút.  

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Một góc bờ kè dọc hộ thành hào

Họa sĩ Trần Thanh Bình cho rằng, trong quá trình trùng tu, có vấn đề gì không nằm trong phần thiết kế tư vấn đã nêu ra cần phải điều chỉnh thì dứt khoát phải có ý kiến của hội đồng khoa học. Trong quá trình thi công dự án này, nếu khi đào lên có một số hiện vật liên quan đến lịch sử thì phải mời các nhà khảo cổ học tới. Không thể vứt bỏ đi và coi như không liên quan… Có như thế mới không bị sai sót. Ở đây, đơn vị thi công làm sai nhưng nói rằng đã có thẩm định rồi dẫn đến làm ẩu.

Với thực tế đang xảy ra tại hiện trường dự án tu bổ bờ kè phía Nam hộ thành hào, họa sĩ Trần Thanh Bình nêu quan điểm, việc đầu tiên là phải dừng ngay công trình; rà soát lại những vấn đề báo chí đã phản ánh; rà soát ngược từ đơn vị thi công có làm đúng với thiết kế hay không; quá trình tư vấn thiết kế, tư vấn, giám sát kể cả quy trình, phương tiện và biện pháp thi công đã đúng với Luật Di sản hay không?

Se tra lai nguyen trang nhung doan ke con on dinh cua kinh thanh Hue
Ths. họa sĩ Trần Thanh Bình trả lời phỏng vấn phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM

Ông Bình nhấn mạnh, với những bờ kè đã xây mới, tùy từng trường hợp có những hạng mục có thể phải phá bỏ ra để làm lại. Tuy nhiên cấp độ làm lại phải tùy trường hợp: "Ví dụ việc làm lại bằng phương pháp tháo hết ra để xếp lại đá gan gà theo kỹ thuật xếp khan, hay chỉ xử lý bề mặt bên ngoài. Vì bờ kè bê tông bên trong vẫn nằm trong giải pháp được phép, nhưng bên ngoài mặt Nam của bờ kè hộ thành hào dứt khoát phải dùng đá gan gà bằng kỹ thuật xếp khan".

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI