Sẽ kiểm tra việc thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

12/02/2019 - 18:14

PNO - Bên cạnh việc nêu quan điểm VEC không có thẩm quyền cấm vĩnh viễn phương tiện lưu thông trên các tuyến đường do VEC quản lý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay sẽ kiểm tra việc thu phí của đơn vị này.

Ngày 12/2, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trước dư luận về doanh thu và sự minh bạch trong thu phí trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác.

Sau khi xảy ra vụ cướp tiền vào sáng 7/2 (mùng 3 tết Kỷ Hợi) tại trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xuất hiện các luồng thông tin về vấn đề về doanh thu của tuyến cao tốc này nói riêng và tính minh bạch trong thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác nói chung. Để làm rõ vấn đề này cần phải đợi cơ quan công an làm việc.

“Sau khi có kết quả của cơ quan công an, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí tại dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây”, ông Huyện nói.

Se kiem tra viec thu phi cua Tong cong ty Dau tu phat trien duong cao toc Viet Nam
Trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: TTXVN

VEC đã chính thức thông tin về việc tổ chức thu phí và giám sát thu phí trên các tuyến cao tốc do mình quản lý.

Cụ thể, công tác tổ chức thu phí tại 4 dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC giao các đơn vị thành viên, gồm: Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S) và Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E).

Do thu phí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VEC nhằm trả nợ vốn vay và hoàn vốn đầu tư dự án nên lãnh đạo VEC đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các quy định hiện hành về tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí.

Nhằm tăng cường quản lý, giám sát, từ năm 2015, VEC đã thành lập Trung tâm giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam. Một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của trung tâm này là giám sát công tác thu phí, bảo trì, vận hành khai thác và tài sản trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý.

Về quy trình thu phí, đại diện VEC cho biết, thời gian làm việc của các nhân viên thu phí chia làm 3 ca/ngày đêm: ca 1 từ 6g30 đến 11g30, ca 2 từ 11g30 đến 18g30 và ca 3 từ 18g30 đến 6g30 sáng hôm sau.

Đầu ca làm việc, nhân viên thu phí tiếp nhận vé, thẻ điện tử từ bộ phận kế toán vé thẻ và thực hiện thu phí tại trạm theo quy định. Cuối ca, nhân viên thu phí đối chiếu số liệu với nhân viên giám sát, hậu kiểm, thực hiện giao nộp số vé, thẻ còn thừa cho kế toán vé thẻ và thanh toán số tiền thu được trong ca làm việc cho thủ quỹ trạm.

Nhân viên thu phí có trách nhiệm bảo quản tiền thu phí trong suốt ca làm việc, thanh toán và bàn giao cho thủ quỹ trạm theo đúng quy định. Thủ quỹ có trách nhiệm quản lý tiền thu phí trước khi bàn giao cho ngân hàng.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc VEC E - tuyên bố đơn vị này quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện mang BKS 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) – nêu quan điểm rằng, việc cấm vĩnh viễn một phương tiện giao thông nào đó lưu thông trên các tuyến đường do VEC quản lý không thuộc thẩm quyền của VEC.

“Người ta chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không có quy định nào xử lý phương tiện cả”, ông Lăng nói.

Ông Lăng cho biết thêm, chiều 11/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu VEC báo cáo chính thức về vụ việc này. Sau khi có báo cáo chính thức của VEC, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ căn cứ vào Bộ Luật dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định luật giao thông để đối chiếu xem VEC có đủ thẩm quyền được cấm hay không, đối tượng bị cấm có đúng không. Việc cấm như thế phải có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Một luật sư cho rằng, việc người điều khiển phương tiện vi phạm thì đối tượng bị xử lý là người vi phạm. Hơn nữa, người ra quyết định phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, VEC là một doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Trước đó, ông Nguyễn Viết Tân cho hay, vào lúc 18g20 phút ngày 10/2, phương tiện mang BKS 51A-558.50 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành - TP.HCM. Khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí nhưng người điều khiển phương tiện đã không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí. Ngay sau đó, người già, phụ nữ và trẻ em trên xe bước xuống cố tình “gây rối” tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác chú ý, gây ách tắc giao thông cục bộ tại trạm thu phí.

Sau đó, các xe có biển số 51C-781.96, 51G-772.56 cũng thực hiện hành vi tương tự tại làn thu phí số 10, số 8. Nhằm tránh tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, nhân viên trạm thu phí đã mời các tài xế vào văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.

“Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện 51A-558.50, 51G-772.56 và những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực”, ông Tân nói.

Theo ông này, căn cứ Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019 về việc ban hành “Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác”, VEC E đã quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên.

Tại quyết định này cũng ghi rõ các lỗi mà phương tiện vi phạm như dừng đỗ trên đường cao tốc, chạy ngược chiều, chở quá tải… Tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ bị từ chối phục vụ 7-10 ngày hoặc 1 tháng, 1 năm.

Điểm 4, Điều 5 của quyết định ghi: Đối với trường hợp chủ phương tiện có hành vi vi phạm gây ra sự cố nghiêm trọng làm hư hỏng nặng kết cấu công trình đường cao tốc, thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật, ngoài việc đền bù theo quy định của pháp luật, VEC E sẽ áp dụng việc từ chối phục vụ không thời hạn phương tiện này ngay từ lần vi phạm thứ nhất.

Nếu muốn phương tiện được phục vụ lại trên đường cao tốc, chủ xe phải chờ hết thời gian bị từ chối phục vụ. Đồng thời phải có biên bản cam kết với VEC không tái diễn vi phạm.

Ngoài quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc nêu ở đầu bản tin, hiện VEC còn một dự án đang triển khai thi công là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

B.T.N.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI