Sau vụ 'pin rang xay', người lo giải độc, kẻ chuyển sang dùng cà phê ngoại

23/04/2018 - 09:37

PNO - Sau vụ cảnh sát môi trường bắt quả tang một cơ sở sản xuất cà phê trộn pin, nhiều trang mạng rầm rộ quảng cáo các loại trà,.....

Sau vụ cảnh sát môi trường bắt quả tang một cơ sở sản xuất cà phê trộn pin, nhiều trang mạng rầm rộ quảng cáo các loại trà, thực phẩm chức năng giải độc kim loại từ “cà phê pin” hoặc chào bán các loại cà phê ngoại có trộn thêm nấm linh chi để vừa giải độc, vừa ngừa ung thư. Sau vụ “cà phê pin”, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng tìm mua cà phê ngoại nhập.

Sau vu 'pin rang xay', nguoi lo giai doc, ke chuyen sang dung ca phe ngoai
Mạng xã hội đang ăn theo vụ cà phê trộn pin để rao bán cà phê ngoại, thảo dược giải độc kim loại

Mượn danh “giải độc cà phê pin” để quảng cáo

Một tuần nay, cứ cách vài giờ, tài khoản Lê Vân trên Facebook lại đăng dòng quảng cáo: “Uống cà phê ở Việt Nam dễ bị “khuyến mãi” thêm bệnh ung thư vì các cơ sở sản xuất rất hào phóng cho thêm nhiều phụ gia, kể cả pin. Hãy dùng cà phê linh chi của Mỹ để vừa giải độc, vừa ngừa ung thư”, hoặc “thay vì uống cà phê pin, hãy uống cà phê linh chi”… Ngay lập tức, có hàng chục bình luận ngỏ ý muốn mua sản phẩm này về uống để giải độc, dù có giá đến 230.000 đồng/hộp 20 gói. 

Trang Facebook “Trà bổ dưỡng thân và tâm” thì tích cực rao loại trà thiền và trà hồng tâm dùng để giải độc kim loại do uống phải cà phê tẩm pin, cũng thu hút hàng trăm lượt khách đặt mua mỗi ngày. Theo quảng cáo, trà này gồm nhiều loại thảo dược hái từ núi rừng Tây Bắc, mỗi loại đều có công dụng giải độc kim loại tích tụ trong gan, máu; chỉ cần tích cực uống mỗi ngày, độc nào cũng biến.

Không chỉ trên mạng xã hội, tình trạng nhộn nhạo tìm mua thảo dược giải độc “cà phê pin” còn xảy ra tại các siêu thị, nhà thuốc Đông y lẫn Tây y. Ngày 21/4, có mặt tại nhà thuốc Hải Huy (đường Bùi Văn Thủ, H.Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi chứng kiến nhiều người đến hỏi mua các loại thuốc, trà, thực phẩm chức năng giải được độc kim loại. Theo chủ nhà thuốc này, thông tin “cà phê trộn pin” tác động rất lớn đến người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp vì họ thường uống loại cà phê rẻ tiền, cà phê vỉa hè.

Chị Duyên, một khách hàng mua thuốc tại đây cho biết, ngày nào chị cũng uống hai, ba ly cà phê đen tại một quán cà phê vỉa hè gần công ty. Không rõ cà phê chị uống có tẩm pin hay không, nhưng chị vẫn thấy lo nên tìm mua thảo dược uống giải độc cho yên tâm. 

Chị Hằng - chủ nhà thuốc Thu Hằng (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM) - cho biết, người dân vẫn thường đến đây mua thảo dược về uống để mát gan, thanh lọc cơ thể, nhưng hơn một tuần trở lại đây, họ đến hỏi về loại thảo dược giải độc kim loại hoặc giải độc pin. Một số người thì tìm mua trà đuôi ngựa giải độc nhôm, các loại tảo để giải độc chì, thủy ngân…

Còn tại siêu thị Guardian trên đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM, cách đây vài ngày, gian hàng thực phẩm chức năng vẫn còn đầy ắp nhưng ngày 21/4, khi chúng tôi ghé lại, đã trống trơn vì lượng khách tìm mua thực phẩm chức năng giải độc bỗng dưng tăng đột biến. Khách thường mua sản phẩm Esteem Nature’s Remedy Liver Detox, của Mỹ, giá 390.000 đồng/hộp và Milk Thistle 13.000mg, giá 1.270.000 đồng/hộp.

Giảm sút niềm tin vào cà phê nội

Sau vụ phanh phui “cà phê trộn pin”, một bộ phận người tiêu dùng bắt đầu chuộng cà phê ngoại hoặc bỏ công mua cà phê hạt về tự rang xay. Một bộ phận người dân đang bắt đầu chuyển qua dùng cà phê Thái Lan, Lào, Campuchia vì giá bình dân, ngon không thua cà phê Việt. Tại chợ Phạm Văn  Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi bắt gặp không ít khách hàng tìm mua cà phê ngoại. Một chủ sạp bách hóa tại chợ cho biết, trước đây, các sản phẩm cà phê hòa tan thương hiệu Việt bán rất chạy, nhưng hai tuần trở lại đây, có nhiều khách hàng hỏi mua sản phẩm cùng loại của Thái Lan. 

Vài năm trở lại đây, cà phê Lào bắt đầu xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị của TP.HCM, nhưng những ngày qua loại cà phê này được đông đảo khách hàng chọn mua. Nhân viên tại siêu thị cà phê trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM cho biết, nhiều ngày qua khách hàng bình dân chọn dùng thử cà phê Lào còn khách hàng cao cấp thì chọn cà phê Ý, Mỹ, Thụy Sỹ.

Anh Huỳnh Thanh Phong - chủ quán cà phê C.on Backpackers ở số 23B Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM - cho biết, một số khách vẫn uống cà phê nhưng uống với tâm lý không thoải mái, một số khách thường khi kêu cà phê thì nay chuyển sang gọi các món nước uống khác. Còn anh Võ Duy - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Thiên Ân (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - thông tin: đơn hàng của công ty có dấu hiệu giảm sút sau vụ “cà phê trộn pin”. Gần đây, khách hàng thường thắc mắc: “Tại sao cà phê của anh lại đen như vậy”, trong khi Thiên Ân là thương hiệu lâu năm, có uy tín. 

Chưa thể đong đếm hết những thiệt hại cụ thể đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sau vụ phát hiện cà phê trộn pin tại tỉnh Đắk Nông, nhưng xem ra, niềm tin với cà phê trong nước đang bị ảnh hưởng không nhỏ và hành trình để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng có lẽ sẽ còn rất gian nan.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI