Sau ngày 27 là... 28?

29/07/2019 - 06:35

PNO - Giáo dục cho trẻ lòng biết ơn, lại là ghi ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, nhân dân thì đâu chỉ ngày 27/7, không chỉ tại không gian nghĩa trang...

Vẫn còn là tháng Bảy, nhưng đã qua ngày 27. Những cuộc thăm viếng, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, thương binh; các chương trình dâng hương, thắp nến, văn nghệ đã khép lại, đã hoàn thành nhiệm vụ của một ngày tưởng nhớ, tri ân. Lại hẹn ngày này, tháng này, năm sau.

Mà có khi, giữ hẹn nhưng không còn kịp. Bởi những ngọn đèn trước gió cứ hiu hắt dần, lụi tắt dần, cái danh sách “bà mẹ anh hùng” được còn mà tri ân cứ ngắn dần. Bởi một phần thân thể các anh đã gửi lại chiến trường, để hơn bốn mươi năm đất nước thanh bình, trong mỗi người lính ấy vẫn âm ỉ cháy “đấu tranh này là trận cuối cùng”, sự sống cứ cạn dần.

Sau ngày 27/7, không chỉ là ngày… 28, để thôi không còn thăm viếng, tặng quà.

Sau ngay 27 la... 28?
Hình ảnh học sinh tiểu học trong lễ dâng hương tối 26/7 ở xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương khiến nhiều người cảm thấy không thuận mắt

Lẽ vuông tròn của đạo lý đâu phải chỉ ở lễ nghi, lại càng không chờ đến hẹn.

Trong rất nhiều hình ảnh tri ân dịp 27/7 năm nay, tôi đặc biệt xúc động trước câu chuyện của chị em phụ nữ huyện Củ Chi. Hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ni (95 tuổi, khu phố 8, thị trấn Củ Chi) ngồi cùng con cháu trong bữa cơm gia đình đơn sơ, ấm áp.

Những câu chuyện, ký ức vui buồn cũng được tỉ tê quanh mâm cơm giản dị mà tình nghĩa ấy. Trước đó, chị em mỗi người một tay, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, phụ giúp mẹ và người con gái út đã ngoài 60, sống bằng nghề bán vé số dạo. Thế thôi. Mà đủ đầy.

Tôi đã nhiều lần ngồi cạnh họ. Chỉ có thể im lặng và lắng nghe. Chỉ là yêu thương và lòng biết ơn thật thà. Họ sẽ thủ thỉ, đã nhớ là nhớ đến từng cái nết của mỗi đứa con, nhớ cái ngày tiễn nó lên đường, nhớ cái phút giây tin dữ báo về. Đã quên là quên đi những thiệt thòi của bản thân, mình có gợi chút áy náy, họ cũng cho qua mà không hề xót xa, trách cứ.

Ở cư xá Bắc Hải, trong một căn nhà nhỏ, bà kể cho tôi nghe về một thời oanh liệt. Ký ức tạc nên một người phụ nữ anh hùng. Vậy mà phút giây rời khỏi nó, khi người con trai vừa đi làm về, bà khẽ nói với tôi, nó là con nuôi của cô, tụi địch nó đánh ác vậy, làm sao cô sinh nở được con…

Cái nắm tay siết chặt hơn, tôi lại ngồi xuống, ngồi lâu hơn, để một phần đời mình được soi thấu, được lắng nghe, được giữ lại. Họ cần điều đó hơn bất cứ sự đền đáp, quà cáp nào. Tôi nghĩ vậy.

Càng cần hơn so với đôi ba cuộc lễ lạt, dù đúng ngày kỷ niệm, đúng khung cảnh tri ân như ở xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, đêm 26/7 vừa qua, những đứa trẻ đeo khăn quàng ngồi dọc theo hàng bia mộ. Cạnh đấy, một mái che, do buổi chiều có mưa là hầu hết các quan khách người lớn.

Giáo dục cho trẻ lòng biết ơn, lại là ghi ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, nhân dân thì đâu chỉ ngày 27/7, không chỉ tại không gian nghĩa trang; và cũng cần “quy chiếu” từ chính cách thức tri ân của người lớn.

Hãy mặc niệm người nằm xuống vì Tổ quốc từ trong trái tim mình.

Hãy đền đáp người có công đã sinh ra những người con anh dũng cho Tổ quốc bên những mâm cơm, những cuộc ghé thăm thường nhật, quây quần trò chuyện. Làm vì điều nhỏ nhặt ấy là Mẹ cần, quanh năm; hay làm cho điều chúng ta muốn, chỉ một ngày?

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI