Sạt lở, sập nhà ở H.Nhà Bè, TP.HCM: Do xây dựng tràn lan?

30/06/2017 - 15:08

PNO - Theo các chuyên gia, các hoạt động xây dựng có thể là nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở huyện Nhà Bè. Nếu không có giải pháp quy hoạch tổng thể, sạt lở sẽ càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Năm căn nhà đổ sập xuống sông

Ngày 29/6, đại diện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) H.Nhà Bè cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng TP.HCM về tình trạng sạt lở tại xã Hiệp Phước (H.Nhà Bè). Trước đó, vào 0g30 ngày 27/6 tại bờ trái Rạch Giồng - sông Kinh Lộ (thuộc tổ 4, ấp 3, xã Hiệp Phước) vụ sạt lở xảy ra, khiến năm nhà dân đổ sập xuống sông và ảnh hưởng trực tiếp đến ba căn nhà liền kề.

Sat lo, sap nha o H.Nha Be, TP.HCM:  Do xay dung tran lan?
Hiện trường vụ sạt lở ở huyện Nhà Bè vừa qua.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã vận động di dời tám hộ dân tại khu vực trên đến khu vực an toàn và kiểm soát khu vực sạt lở, không cho người dân ra vào.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do có nhiều hố xói, dòng chảy mạnh dẫn đến sạt lở đất. Ban chỉ huy PCLB&TKCN H.Nhà Bè kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Khu Quản lý đường thủy nội địa cấp bách xây dựng kè ở khu vực sạt lở nêu trên.

Trước đó, khoảng 5h30 ngày 30/5, tại tuyến hẻm 1740 đường Lê Văn Lương (xã Nhơn Đức, H.NHà Bè) đã xuất hiện vết nứt dài gần 40m khiến tuyến hẻm này bị sụt lún nghiêm trọng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã vận động di dời tám hộ dân trong khu vực đến nơi an toàn. Hiện tại, địa phương đã kiến nghị Khu Quản lý đường thủy nội địa lên phương án xây dựng kè chống sạt lở ở khu vực này.

Trao đổi với báo Phụ Nữ về tình hình sạt lở ở H.Nhà Bè, PGS-TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát khu vực sạt lở ở xã Hiệp Phước. Khu vực này có một hố xói sâu khoảng 5-6m. Chúng tôi đang kiến nghị giải pháp tạm thời là nhanh chóng lấp hố xói đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng khảo sát xung quanh tuyến sạt lở để đánh giá nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng nghiêm trọng này”.

Theo ông Thanh, một trong những nguyên nhân có thể gây nên sạt lở ở khu vực nói trên và một số điểm khác trên địa bàn H.Nhà Bè là do hoạt động xây dựng trên bờ, ven các tuyến sông khiến thay đổi dòng chảy. “Hoạt động của các dòng sông, kênh rạch có liên quan với nhau. Xây dựng ở khu vực này có thể gây ảnh hưởng đến khu vực khác; làm cầu, cống bít dòng chảy ở khu vực này, có thể gây sạt lở ở khu vực khác chứ không phải chỉ chỗ xây dựng mới bị ảnh hưởng”, ông Thanh chia sẻ.

Phải có giải pháp “mềm” lẫn “cứng”

PGS-TS Tô Văn Thanh cũng cho biết, khu vực H.Nhà Bè nền đất rất yếu, chủ yếu là đất bùn. Vì vậy, công trình trên nền đất đó sẽ bị ảnh hưởng. “Nên đặt việc quy hoạch ở khu vực kênh rạch vào bài toán tổng thể trên toàn thành phố. Sạt lở liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, trong đó có cả việc xây dựng, quy hoạch, kiểm soát việc xây dựng trên bờ thế nào chứ không phải chỉ riêng gì ngành đường thủy. Nếu để quy hoạch tràn lan, không có căn cơ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy hệ thống kênh rạch và tình trạng sạt lở sẽ ngày càng nghiêm trọng”, ông Thanh cảnh báo.

Sat lo, sap nha o H.Nha Be, TP.HCM:  Do xay dung tran lan?
Lực lượng chức năng khảo sát khu vực sạt lở.

Theo ông Thanh, giải pháp trước mắt cho tình trạng sạt lở ở TP.HCM là cần phải có quan trắc, giám sát thường xuyên để có dự báo được sạt lở. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt quy hoạch ở các tuyến sông, kênh, rạch cả dưới sông và tình hình xây dựng trên bờ để không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông và giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố. “Giải pháp cuối cùng là xây kè chống sạt lở. Theo tôi, đây là giải pháp “cứng” rất tốn kém. Nếu chúng ta làm tốt các giải pháp “mềm” nêu trên thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí ngân sách”, ông Thanh đề xuất.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia xây dựng khuyến nghị, địa phương cần xem xét hạn chế việc cấp phép cho các công trình xây dựng ở ven sông. Cùng với đó, nên khảo sát kỹ về các điểm có nguy cơ sạt lở để có hướng xử lý, khắc phục. 

Về giả thuyết các công trình xây dựng tràn lan trên bờ làm ảnh hưởng đến sông gây sạt lở, ông Nguyễn Ngọc Chiến, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, phụ trách phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Nhà Bè cho biết: “Để xác định có đúng như vậy hay không, cần phải có thẩm định, kết luận của các nhà chuyên môn”.

H.Nhà Bè hiện có 16 điểm sạt lở (trong tổng số 40 điểm sạt lở của toàn TP.HCM). Tình trạng sạt lở đang có xu hướng tăng theo từng năm và diễn biến phức tạp. Hiện, tại Nhà Bè có dấu hiệu phát sinh nhiều điểm sạt lở. Sắp tới địa phương sẽ kiến nghị khảo sát lại các điểm có nguy cơ sạt lở để có hướng khắc phục, xử lý. 

Đề án xây khu dân cư cho người dân vùng sạt lở bị “vướng”

Theo đề án số 670 của UBND TP.HCM,  H.Nhà Bè sẽ bố trí nơi ở cho 220 hộ dân với 1.265 nhân khẩu trong vùng bị sạt lở. Dự kiến mỗi hộ dân sẽ được bố trí nhà ở với diện tích 100m2 đất tại xã Phước Lộc và Hiệp Phước (H.Nhà Bè). Dự kiến, kinh phí dự án này khoảng 113 tỷ. 

H.Nhà Bè đã bố trí quỹ đất để thực hiện đề án này, tuy nhiên, do có nhiều nghị định, thông tư mới thay thế nên tiến độ thực hiện đề án chậm. Hiện nay còn nhiều hộ dân chưa được cấp đất đúng như đề án nên địa phương phải bố trí ở tạm trong trạm y tế xã. 

Ông Nguyễn Ngọc Chiến 
(Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, phụ trách phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Nhà Bè)

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI