Sao lại đẩy trẻ khỏi căn nhà đang sống?

16/10/2018 - 06:00

PNO - Vợ chồng ly hôn. Vợ được giao nuôi con, nhưng chồng lại được tòa án ưu ái quyết “giao toàn bộ nhà đất" và buộc hai mẹ con phải ra khỏi nhà trong vòng 60 ngày.

Nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn được quy định tại điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: khi chia tài sản chung, ngoài việc xem xét lỗi, công sức đóng góp… tòa án cần đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền lợi của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã không được thực thi nghiêm túc trong vụ tranh chấp tài sản chung trong trường hợp dưới đây. 

Sao lai day tre khoi can nha dang song?
Theo bà Nhung, căn nhà số 9 đường N2, cách nhà đang tranh chấp 200m và được cho là nơi ở ổn định của ông Tr. từ năm 2016 đến nay.

Tháng 1/2003, bà Trần Thị Nhung - ngụ tại P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Văn Tr. - ngụ tại P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM đến UBND P.Phú Hòa đăng ký kết hôn. Năm 2005, hai người sinh được một con chung. Năm 2010, ông Tr. chuyển hộ khẩu về nhà số 424/36 Lê Hồng Phong, P.Phú Hòa do bà Nhung làm chủ hộ từ năm 2008. 

Cuối năm 2016, bà Nhung và ông Tr. đưa nhau ra tòa ly hôn. Bản án sơ thẩm số 12/2017/HNGĐ-ST ngày 24/1/2017 của Tòa án nhân dân TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương quyết định: công nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà Nhung và ông Tr.; nợ chung không có; tài sản chung chia đôi; giao cho bà Nhung trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là Nguyễn Trần Tr.T.; ông Tr. có nghĩa vụ trợ cấp hằng tháng 2,6 triệu đồng cho đến khi con chung đủ 18 tuổi. 

Quyết định của hội đồng xét xử sẽ không có gì đáng nói, nếu như phần chia đôi tài sản chung căn nhà số 424/36 Lê Hồng Phong, P.Phú Hòa được tòa tuyên “bà Nhung được giao toàn bộ nhà đất và có nghĩa vụ hoàn trả một nửa giá trị (bằng tiền) tài sản chung cho ông Tr.”. 

Đằng này, ông Tr. không phải trực tiếp nuôi con, là người đến ở sau trong căn nhà đó thì lại được tòa án ưu ái quyết “giao toàn bộ nhà đất và có nghĩa vụ hoàn trả một nửa giá trị (bằng tiền) tài sản chung cho bà Nhung”, đồng thời buộc mẹ con bà Nhung ra khỏi nhà trong vòng 60 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực, dù rằng bà Nhung và con trai đã sinh sống ổn định trong căn nhà này từ 10 năm trước. 

Sao lai day tre khoi can nha dang song?
Hồ sơ vụ việc.

Quyết định bất hợp lý và không đúng nguyên tắc này không chỉ bị nguyên đơn (bà Nhung) kháng cáo mà chính Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cũng có quyết định kháng nghị số 04/2017/KNPT-DS ngày 21/2/2017 đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.Thủ Dầu Một.

Cụ thể, tòa án cấp sơ thẩm không chia tài sản chung bằng hiện vật cho cả vợ và chồng mà chỉ giao cho chồng (ông Tr.), và buộc ông Tr. phải hoàn trả cho bà Nhung một nửa giá trị tài sản (bằng tiền) là không phù hợp với quy định pháp luật. 

Theo bà Nhung, mặc dù ông Tr. có chỗ ở ổn định (tại nhà số 9 đường N2, P.Phú Hòa), trong khi bà Nhung và con trai được chính quyền địa phương xác nhận chỉ có một chỗ ở duy nhất là căn nhà số 424/36 đường Lê Hồng Phong, P.Phú Hòa, nhưng bản án phúc thẩm ngày 21/7/2017 vẫn quyết định giao toàn bộ căn nhà, đất, ô tô, salon gỗ, giường gỗ, bàn ghế gỗ giáng hương cho ông Tr. với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng; bà Nhung được quản lý, sử dụng ti vi, dàn máy VCD, ghế massage, tủ lạnh, máy giặt, tủ đựng quần áo, tủ ly chén, cùng số tiền tương đương một nửa giá trị nhà đất và buộc bà Nhung giao nhà cho ông Tr. trong vòng 60 ngày.    

Ngày 28/12/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 24/2017/HNGĐ-PT ngày 21/7/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại TP.HCM nhận định: “Cách chia cho bà Nhung được hưởng theo giá trị tài sản là chưa hợp lý, chưa xem xét đến chỗ ở ổn định cho bà Nhung và cháu Nguyễn Trần Tr.T., không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và con chưa thành niên theo quy định tại khoản 5, điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và điều 7 Thông tư 01/2016/TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 6/1/2016 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp”. 

Sao lai day tre khoi can nha dang song?
Theo bà Nhung, nhà số 9 đường N2, là nơi ông Tr. sống.

Kháng nghị này được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận một phần, nhưng lại “cần giao toàn bộ nhà đất và các công trình phụ cho ông Tr. sử dụng, sở hữu. Ông Tr. có nghĩa vụ thanh toán các giá trị trên cho bà Nhung với tỷ lệ 50%” vì lý do “xét thấy căn nhà 1 trệt 2 lầu (số 424/36 Lê Hồng Phong, P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) được xây dựng gần hết chiều ngang lô đất, nếu chia thành hai phần sẽ ảnh hưởng đến kết cấu nhà và việc sử dụng chung...

Mặt khác, giữa bà Nhung và ông Tr. đã xảy ra mâu thuẫn rất trầm trọng, nếu để ông Tr. và bà Nhung sống gần nhau thì có thể xảy ra xô xát, gây thương tích, gây mất trật tự công cộng, dẫn đến vụ án hình sự”.  

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Nhung cho rằng, tòa án các cấp đã rất thấu tình khi cho rằng “không thể để vợ chồng sống gần nhau sau khi ly hôn do mâu thuẫn đã rất trầm trọng” nhưng lại không đạt lý, vì ông Tr. đã có nơi ở khác ổn định, còn mẹ con bà có một chỗ ở duy nhất (nhà số 424/36 Lê Hồng Phong, P.Phú Hòa), lại là chủ hộ trước khi bà cho ông Tr. chuyển về sống chung. Lẽ ra, người ra khỏi nhà phải là ông Tr. chứ không phải là mẹ con bà Nhung.

Bà Nhung cho biết, hiện bà đã làm đơn yêu cầu hoãn thi hành án (giao nhà cho ông Tr.) và đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vụ phân chia tài sản chung, với mong muốn có một bản án thấu tình đạt lý để mẹ con bà được tiếp tục sống ổn định trong căn nhà cũ và trả phần chênh lệch bằng tiền lại cho ông Tr., nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển toàn diện cho đứa con chưa thành niên của mình. 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI