Sài Gòn, thành phố đầy sông nhưng đường thủy lại tắc

07/07/2019 - 10:42

PNO - Đường bộ ở TP.HCM thường xuyên ùn tắc, trong khi giao thông đường thủy lại không được khai thác, tạo ra sự lãng phí lớn về tài nguyên.

Cầu Kênh Tẻ (nối quận 7 và quận 4, TP.HCM) chỉ hơn trăm mét nhưng được ví là cây cầu “dài” nhất Sài Gòn vì sáng nào cũng xảy ra tình trạng kẹt xe khiến các phương tiện giao thông mất cả tiếng vẫn chưa thể qua cầu.

Không riêng cầu Kênh Tẻ, cầu Tân Thuận và các trục đường từ phía nam Sài Gòn vào trung tâm TP.HCM hiện nay luôn bị tắc nghẽn vì quá tải.

Trong khi đó, các tuyến đường sông, kênh rạch phía nam lại trống huơ trống hoác khiến sự tương phản giữa đường bộ và đường thủy ở TP.HCM càng thêm rõ rệt.

Sai Gon, thanh pho day song nhung duong thuy lai tac
Các trục đường bộ từ phía nam Sài Gòn đi vào trung tâm TP.HCM đang quá tải nhưng giao thông đường thủy khu vực này chưa được khai thác - Ảnh: L.N.

Đường bộ quá tải, đường thủy “lụy” cầu

Trước tình trạng quá tải tại các trục đường phía nam Sài Gòn, ông Nguyễn Hoàng Minh - nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - nhận định: “Nếu các tuyến đường thủy phía Nam được khai thác, “chia lửa” cho đường bộ, tình trạng kẹt xe ở các trục đường từ quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh vào nội thành TP.HCM sẽ được giảm xuống”. 

Cùng nhận định, ông Phan Công Bằng - Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM - nói thêm: “Tuyến đường thủy từ rạch Bến Nghé - kênh Tẻ - sông Ông Lớn - rạch Đỉa - sông Phú Xuân, từ trung tâm thành phố ra các quận, huyện ngoại thành phía nam rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư tuyến đường thủy này nhưng chưa thực hiện được”.

Theo ông Bằng, tuyến đường thủy đi từ kênh Tẻ qua phía nam Sài Gòn chưa thực hiện được là do vướng tĩnh không thông thuyền cầu Rạch Đỉa. 

“Cầu Rạch Đỉa có tĩnh không quá thấp (dưới 2m) nên các phương tiện đường thủy không thể đi qua. Do đó, khi nào cầu Rạch Đỉa xây mới, nâng tĩnh không lên cao thì tuyến giao thông thủy phía nam mới có thể thực hiện” - ông Bằng giải thích thêm.

Cũng trong tình cảnh như tuyến giao thông đường thủy từ kênh Tẻ đi phía Nam Sài Gòn, một tuyến giao thông đường thủy khác có vai trò khá quan trọng trong vận tải hàng hóa phía đông TP.HCM cũng bị “lụy” cầu. 

Đó là tuyến giao thông từ sông Rạch Chiếc - rạch Trau Trảu - rạch Ông Nhiêu - sông Tắc (đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức) hiện cũng chưa được đầu tư khai thác. Nguyên nhân là tuyến đường thủy này vướng tĩnh không thông thuyền ở công trình cầu - đập Nam Lý. 

“Hiện công trình cầu - đập Nam Lý đang được xây dựng mới. Khi nào công trình này hoàn thành thì tuyến đường thủy trên mới có thể đầu tư, đưa vào khai thác” - ông Bằng cho hay.

Hai tuyến đường thủy trên dù sao cũng có hy vọng sẽ được khai thác trong tương lai, còn tuyến đường thủy Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thông với sông Vàm Thuật - Sài Gòn dài hơn 32km đi qua nhiều quận như Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp… gần như rơi vào tuyệt vọng, khó có cơ hội trở thành tuyến giao thông sông nước “chia lửa” cho khu vực phía bắc TP.HCM. 

Nguyên nhân là do tuyến kênh này đi qua 13 công trình cầu - cống có tĩnh không thông thuyền quá thấp (hầu hết đều dưới 3m) nên các tàu thuyền lớn không thể đi qua được.

Sai Gon, thanh pho day song nhung duong thuy lai tac
Nhiều tuyến kênh rạch ở địa bàn TP.HCM ngày càng mất dần chức năng giao thông đường thủy - Ảnh: H.N.

Từ lợi thế thành… thất thế

Từng mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, ông Ba Chúc (người đàn ông nổi tiếng với nghề vớt xác ở cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh), thông thuộc các tuyến sông, kênh rạch ở khu vực Bình Thạnh, Thủ Đức nên cảm nhận rất rõ về sự thay đổi của hệ thống giao thông đường thủy ở khu vực này.

“Hồi xưa, ngày nào tui cũng chạy ghe từ rạch Lăng, vòng qua Gò Vấp rồi chạy ra sông Vàm Thuật - Sài Gòn. Có khi chạy qua hướng rạch Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) rồi chạy ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Giờ tuyến rạch này gần như không thể đi ghe được. Một phần do rạch bị bồi lắng, một phần do làm đập ngăn triều ở cửa rạch Lăng - Bình Lợi nên mực nước bị khống chế, rất khó đi lại” - ông Chúc tiếc rẻ.

Ông Ba Kính, nhà ở cuối đường số 10, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) từng có mấy chục năm mưu sinh trên sông nước cũng bùi ngùi nhớ lại: “Từ lúc họ xây đê dọc rạch Ông Dầu tui cũng bỏ nghề đánh bắt cá luôn vì đi ghe ra vào rất khó. Hồi trước, các tuyến kênh rạch ở khu vực Thủ Đức gần như thông với nhau hết, dùng ghe đi lại rất dễ dàng. Bây giờ kênh rạch ngày càng thu hẹp, nhiều tuyến không thể đi vào”.

Sống ở chân cầu sắt Bình Lợi, không biết bao nhiêu lần chứng kiến cảnh tàu thuyền mắc kẹt dưới gầm cầu (do tĩnh không thông thuyền quá thấp, chỉ khoảng 1,5m) nên khi cầu Bình Lợi được xây mới ông Chúc cũng cảm thấy vui lây. 

“Cầu mới cao hơn cầu cũ rất nhiều nên tàu hàng lớn cũng đi qua được, không còn phải canh chờ con nước. Lúc trước, mỗi khi thấy ghe, tàu bị kẹt ở gầm cầu rất sợ, vì lỡ xảy ra sập cầu thì rất nguy hiểm” - ông Chúc chia sẻ thêm.

Lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nói với chúng tôi, đón đầu cầu Bình Lợi mới sẽ nâng tĩnh không lên cao, đồng thời cầu sắt Phú Long được tháo dỡ, tỉnh Bình Dương đã triển khai xây dựng hai cảng sông lớn ở thượng nguồn sông Sài Gòn. 

Đó là cảng An Sơn đã xây dựng xong và Bến Súc (gần cầu Phú Cường) đang xây dựng. 

Khi hai cảng này hoàn thành, một lượng lớn hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường sông đến Bình Dương, giảm đáng kể gánh nặng cho đường bộ của tỉnh này.

Khác với Bình Dương, hiện nay, ở thượng nguồn sông Sài Gòn phía TP.HCM vẫn chưa có cảng hàng hóa. Do đó, khi cầu Bình Lợi mới hoàn thành, tuyến đường thủy huyết mạch này cũng chưa được TP.HCM khai thác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Công Bằng xác nhận: “Theo quy hoạch logistics của Bộ Giao thông Vận tải, ở thượng nguồn sông Sài Gòn, khu vực thuộc huyện Củ Chi có cảng ICD với quy mô khoảng 20ha. Đây là cảng hàng hóa phục vụ cho khu công nghiệp đông nam, các khu công nghiệp phía tây bắc Củ Chi cũng như cho địa bàn Tây Ninh, Long An để giảm áp lực cho vận tải đường bộ ở những khu vực này. Song hiện chưa xác định được cảng này khi nào sẽ triển khai xây dựng”. 

UBND TP.HCM nhìn nhận về hạn chế đường thủy

Trong báo cáo về thực trạng giao thông đường thủy trên địa bàn TP.HCM gửi Tổng cục Đường thủy nội địa Việt Nam mới đây, UBND TP.HCM nhìn nhận: “Thành phố không chỉ có mạng lưới đường thủy kết nối liên tỉnh mà còn có mạng lưới đường thủy nội đô phong phú... Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông đường thủy còn thấp, chủ yếu tập trung vào đường bộ, trong khi đường thủy nội địa là phương thức vận tải có chi phí thấp nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng”.

Những hạn chế về giao thông đường thủy được UBND TP.HCM phân tích là do nhiều tuyến đường thủy xuống cấp, bồi lắng, một số tuyến có cầu bắc qua độ tĩnh không thấp hoặc gặp chướng ngại vật. Công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn chậm, phát sinh nhiều vướng mắc...


Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI