Sài Gòn nóng hầm hập, bà hỏa rình rập khắp nơi

02/03/2019 - 06:00

PNO - TP.HCM hiện có 500 trụ cứu hỏa không lấy được nước và hơn 700 điểm chỉ lấy được nước để chữa cháy khi... thủy triều lên.

Theo thống kê mới nhất, TP.HCM có hơn 41.000 cơ sở thuộc diện phải quản lý về cháy nổ, trong đó có hơn 12.000 cơ sở thuộc nhóm có nguy hiểm về cháy nổ, có 460 công trình chưa đảm bảo điều kiện về phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Dù đang ở cao điểm mùa khô, nhiều nơi vẫn chưa xem trọng công tác PCCC.

Sai Gon nong ham hap, ba hoa rinh rap khap noi

Chung cư Ngô Gia Tự (Q.10) là một điểm “báo động đỏ” về nguy cơ cháy nổ

Nấu nướng ngay trên “đường hầm độc đạo”

Phía sau những phố xá khang trang, sầm uất ngay tại trung tâm TP.HCM, hiện vẫn tồn tại nhiều khu dân cư tồi tàn, nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Có mặt ở những khu vực này vào những ngày nắng nóng cuối tháng 2/2019, chúng tôi không khỏi lo ngại khi thấy người dân vẫn vô tư nổi lửa nấu ăn ngay trên những lối đi nhỏ hẹp.

Xử phạt hơn 41.000 cơ sở về phòng cháy

Từ năm 2014-2018, lực lượng PCCC của TP.HCM đã kiểm tra 374.064 lượt cơ sở về an toàn PCCC, trong đó có 174.336 lượt cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập 41.905 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định phạt tiền 41.150 cơ sở với tổng số tiền 43.163 tỷ đồng, đình chỉ và tạm đình chỉ 32 cơ sở. UBND quận, huyện, phường, xã đã xử lý 557.062 trường hợp vi phạm thuộc địa bàn quản lý.

11g trưa 28/2, dưới cái nắng chói chang, con hẻm số 15 Cô Bắc, Q.1 gần như vẫn không có ánh sáng lọt vào. Hẻm quá nhỏ, bề ngang nhiều đoạn chỉ chừng 1m, bên trên bị bít kín nên nhiều người ví von nó là “đường hầm độc đạo”.

Càng về trưa, hẻm số 15 càng trở nên oi bức, một vài người dân tranh thủ lấy bếp gas mi-ni ra cửa lớn nấu nướng ngay cạnh hàng xe máy đang đậu dọc theo tường nhà. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến tình huống xảy ra cháy.

Trong một số đợt khảo sát gần đây ở khu dân cư gần cầu Ông Lãnh (Q.1), các chuyên gia PCCC đã chỉ ra nhiều nguy cơ cháy nổ: nhà ở xuống cấp, lối đi nhỏ hẹp, người dân bất cẩn trong sinh hoạt. “Tại TP.HCM, hiện vẫn còn nhiều khu vực nhà ở được làm bằng những vật liệu tạm bợ, dễ cháy trong các hẻm sâu nhỏ, rất nguy hiểm. Ở trung tâm thành phố, có các “điểm nóng” như ở khu dân cư gần ga đường sắt Sài Gòn, các khu nhà cũ dọc đường Trần Văn Đang, Trần Quang Khải” - một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, cho biết thêm. 

Sai Gon nong ham hap, ba hoa rinh rap khap noi

Người dân chiếm hẻm làm nơi nấu nướng, buôn bán, rất dễ gây hỏa hoạn vào mùa nắng nóng

Tại xóm “ổ chuột” nằm ven đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn gần cầu Lò Gốm, Q.6), vào những ngày nắng nóng, mùi dầu khét bốc hơi lan ra cả xóm. Ở đây, hầu hết nhà dân được làm tạm bợ, có căn được lợp bằng bạt ni-lông hoặc mái lá nên rất dễ bắt lửa. Đầu hẻm, hai cơ sở phi hành, tỏi nằm chiếm cả lối đi; cuối hẻm là những bãi rác, phế liệu chất cao ngất, bốc mùi hôi nồng nặc, bị đốt dang dở.

Tại đường An Dương Vương (Q.8), nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cao về cháy nổ vẫn tồn tại đan xen giữa khu dân cư. Ở đây, nhiều nhà dân đã từng khốn đốn vì bị “vạ lây” từ những đám cháy cơ sở sản xuất, như nhà bà Võ Thị Của (hẻm 226 đường An Dương Vương), có hàng chục người phải thuê nhà sống tạm nhiều năm do nhà bị cháy rụi từ vụ cháy cơ sở sản xuất gỗ trong hẻm. “Người dân chúng tôi có phòng cháy đến mấy mà sống bên cạnh những cơ sở sản xuất dễ gây cháy thì cũng như không” - bà Của nói.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM vừa gửi cho đoàn giám sát của Quốc hội, từ năm 2014-2018, TP.HCM xảy ra hơn 6.200 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 238 người và thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 835 tỷ đồng; đa phần các vụ cháy xảy ra ở khu dân cư.

Sai Gon nong ham hap, ba hoa rinh rap khap noi

Nhiều trụ lấy nước cứu hỏa ở TP.HCM hư hỏng, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy

Thủy triều lên mới lấy được nước chữa cháy

Một chiến sĩ có thâm niên về công tác chữa cháy ở nội thành TP.HCM cho biết, mùa khô, việc chữa cháy vô cùng khó khăn, một phần vì trời nắng nóng, lửa khó tắt, một phần vì thiếu nước để dập lửa. Theo anh, TP.HCM có nhiều điểm lấy nước chữa cháy từ kênh rạch. Mùa mưa, những điểm này luôn có nước nhưng mùa nắng thì nước cạn, phải phụ thuộc vào triều cường; triều lên thì có nước, triều xuống thì không.

Theo số liệu tổng hợp của UBND TP.HCM, hiện nay, toàn thành phố có 802 bến, điểm để lấy nước chữa cháy nhưng có đến 711 bến, điểm phụ thuộc vào thủy triều. Bên cạnh đó, tình trạng hư hỏng trụ lấy nước cứu hỏa cũng làm công tác chữa cháy thêm khó khăn. Cụ thể, TP.HCM hiện có hơn 1.000 trụ nước chữa cháy bị hỏng và hạn chế khả năng lấy nước, trong đó có gần 500 trụ chữa cháy không lấy nước được. Trong vụ cháy chung cư Carina ở Q.8 khiến 13 người tử vong (ngày 23/3/2018), nhiều trụ cứu hỏa ở chung cư này không có nước. 

Ngoài mối lo về nguồn nước để chữa cháy, TP.HCM cũng đang gặp không ít khó khăn về trang thiết bị, phương tiện PCCC. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, lực lượng Cảnh sát PCCC hiện có 264 xe chữa cháy các loại, chỉ mới đáp ứng 60% nhu cầu về phương tiện thường trực sẵn sàng tác chiến, phương tiện chữa cháy nhà tầng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. 

TP.HCM muốn thành lập Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy

Để tăng cường hiệu quả công tác PCCC, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ có quy định, hướng dẫn thành lập hiệp hội về PCCC tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm, tạo điều kiện tiếp xúc, giao lưu cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Trước mắt, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ thí điểm thành lập Hiệp hội PCCC TP.HCM.

Hoàng Lâm - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI