Sài Gòn, nắng độc bủa vây, cây xanh quá thiếu

02/04/2019 - 06:00

PNO - Trong những ngày nắng nóng cháy da cùng với tia cực tím vượt ngưỡng, người ta mới cảm nhận rõ Sài Gòn thiếu bóng cây xanh.

Nhiều con đường không một bóng cây

“Nắng quá, lại nghe nói có tia cực tím gây ung thư da nên mới dừng xe ở đây núp mát lúc đèn đỏ” - một phụ nữ dừng xe gần ngã tư Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM), phân bua về việc dừng chờ đèn đỏ không đúng vị trí. Một “quý ông” bẻ dựng cổ áo che nắng ngoái đầu nhìn nhóm người núp dưới bóng cây phía sau, nói giọng đầy chia sẻ: “Trời nắng nóng, mới để ý thấy đường phố quá thiếu cây xanh, nhiều tuyến đường không một bóng cây”. 

Sai Gon, nang doc bua vay, cay xanh qua thieu
Nhìn từ trên cao, TP.HCM toàn nhà cửa san sát, tỷ lệ mảng xanh quá ít - Ảnh: Hoàng Nhiên

Chúng tôi thử chạy một vòng quanh TP.HCM và ngạc nhiên khi nhận ra nhiều tuyến đường chỉ khô khốc nhựa đường và bê tông. Đơn cử như đường Lạc Long Quân, đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) dài 4-5km nhưng không có một cây xanh nào. Đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ Phan Đăng Lưu đến Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) cũng tương tự. Điều đáng nói, đây là những trục đường lớn, là tuyến giao thông quan trọng chứ không phải đường ngắn, nhỏ hẹp.

Thiếu cây xanh, tia cực tím uy hiếp

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện khu vực Đông Nam bộ nói chung và TP.HCM đang vào đợt nắng nóng gay gắt. Theo trang Weatheronline (Anh Quốc), tại TP.HCM, từ ngày 28/2-26/3, chỉ số tia UV (tia cực tím) đạt từ mức 12 đến 14 (mức cao nhất), trong khi chỉ số này từ 11 trở lên đã rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho rằng, nếu TP.HCM có nhiều cây xanh, sẽ góp phần ngăn chặn được nắng nóng, hạn chế được tia cực tím nguy hại.

“Hầu như mọi tuyến đường có vỉa hè nhỏ hẹp đều không có cây xanh. Lẽ ra, ở những tuyến đường này, phải có phương án dùng mảng xanh dạng dây leo thay thế cây thân gỗ nhưng không thấy đơn vị nào làm” - tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về lĩnh vực cây xanh đô thị ở TP.HCM, nhận định.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ có một số tuyến đường ở nội thành có cây to tỏa bóng mát. Còn lại, hầu như đường nào cũng bị nắng chiếu trực tiếp do cây xanh quá ít hoặc tán cây còi cọc. Quan sát từ trên cao, khu vực nội thành TP.HCM toàn nhà cửa san sát, mảng xanh chỉ thấp thoáng vài nơi.  

Chưa có quy hoạch công viên cây xanh

Ở nội thành TP.HCM, do quỹ đất hạn chế, mảng xanh không được mở rộng, nhưng ở các quận ven và huyện ngoại thành, mảng xanh cũng ít được đầu tư. Như tại H.Hóc Môn, theo quy hoạch, toàn huyện có 198 khu vực bố trí đất cho công viên cây xanh với tổng diện tích hơn 110ha nhưng đến nay, theo UBND huyện này, vẫn chưa có công viên cây xanh nào được triển khai xây dựng.

Còn tại Q.Bình Tân, khoảng đầu năm 2019, khi công viên ở khu dân cư Bắc Lương Bèo (P.Tân Tạo A) được xây dựng, người dân mới tá hỏa khi phát hiện, công viên này chỉ làm một phần ở giữa khu đất rộng, một đầu bỏ trống, còn đầu kia nằm sát bên bô rác bốc mùi. Nguyên nhân là do khu đất này được quy hoạch làm công viên nhưng UBND Q.Bình Tân chỉ giao đất khúc giữa, còn chừa lại hai đầu để họp chợ và làm nơi thu gom rác.

Sai Gon, nang doc bua vay, cay xanh qua thieu
Hạ tầng không đảm bảo khiến cây xanh trên đường phố thường xuyên bị bật gốc Ảnh: Hoàng Nhiên

Dự án công viên cây xanh ở khu dân cư Bắc Lương Bèo do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng. Khu vực xây công viên cây xanh có diện tích khoảng 15.000m2 nằm gần khu công nghiệp Tân Tạo, thuộc quy hoạch cây xanh cách ly. Khi chủ đầu tư chuẩn bị khởi công, chính quyền địa phương muốn giữ lại 5.000m2 đất làm nơi bố trí chỗ họp chợ cho diện buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực gần đó. Mới đây, đất quy hoạch làm công viên dọc kênh Lương Bèo mới được trả lại cho chủ đầu tư để làm… công viên. 

Lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, sở dĩ xảy ra tình cảnh trên là do quy hoạch riêng về công viên cây xanh vẫn chưa được thông qua nên quỹ đất dành cho mảng xanh cứ bị điều chỉnh cho các mục đích khác. 

Theo đồ án quy hoạch cây xanh đang được UBND TP.HCM xem xét, TP.HCM hiện có hơn 542ha công viên cây xanh, đạt bình quân 0,69m2/người. Trong đó, khu vực nội thành cũ (13 quận) có hơn 324ha công viên cây xanh, chiếm hơn 59% tổng diện tích cây xanh của thành phố. Nếu so với các thành phố trên thế giới như Paris (Pháp), Moscow (Nga), Washington (Mỹ), Nam Kinh (Trung Quốc), Luân Đôn (Anh) hay Singapore, tỷ lệ cây xanh trên đầu người của TP.HCM thấp hơn hàng chục lần.

Bên cạnh tỷ lệ cây xanh trên đầu người thấp, chất lượng cây xanh ở TP.HCM cũng không cao, chủng loại cây không phong phú, số loài không phù hợp còn chiếm tỷ lệ khá cao như keo lá tràm, keo mỡ, bạch đàn, bã đậu… 

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho rằng, mảng xanh đô thị ở TP.HCM đang rơi vào lòng luẩn quẩn: “Ở nội thành, tình trạng bê tông hóa và thi công hạ tầng liên miên làm cho cây xanh kém phát triển, dễ bị ngã đổ. Để hạn chế cây ngã, phải cắt tán, mà cắt tán thì thiếu bóng mát, cây không góp phần bảo vệ môi trường như che chắn nắng, ngăn chặn tia cực tím độc hại”.

Cũng theo tiến sĩ Đinh Quang Diệp, để phát triển mảng xanh, TP.HCM cần nghiên cứu hoặc tổng hợp các đề tài đã nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phù hợp. Ví dụ như, về chủng loại, cần nghiên cứu trồng những loại cây có tán mát, ít ngã đổ; với những tuyến đường không có vỉa hè, phải dùng các dạng cây leo thay thế. Cần có những quy định hạn chế bê tông hóa để vừa tăng diện tích mảng xanh, vừa góp phần trữ nước, chống ngập.

Trung Thanh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI