Rùng mình nhiều hãng xe lấy lòng đường làm bãi

24/07/2019 - 08:13

PNO - TP.HCM có 108 điểm đón, trả khách trước và trong khuôn viên trụ sở kinh doanh của hãng xe. Trong đó, dẫn đầu danh sách là Q.5 với 47 điểm; rất nhiều điểm đón, trả khách ở quận này không đảm bảo an toàn giao thông.

Khi ở làn đường bên phải đang có xe khách chạy rề rề đón khách thì ở làn đường bên trái, một chiếc xe khách khác đậu chình ình trả khách. Cảnh hai chiếc xe khách cùng chiếm gần trọn cả lòng đường này thường xuyên diễn ra trên đường Nguyễn Duy Dương, Q.5, TP.HCM, gây nguy cơ xảy ra tai nạn.

Lòng đường thành nơi đậu xe khách

Sáu tháng, hơn 10.000 người thương vong do tai nạn giao thông

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. Trong đó có 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người. Riêng tại TP.HCM, đã xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông, làm chết 304 người, bị thương 1.147 người.

Sáng sớm, anh Nguyễn Khang - nhà ở Q.Bình Tân, TP.HCM - đi lấy hàng từ Q.5 về nhà, khi đang lưu thông trên đường Hùng Vương thì một người đi bộ từ đầu xe khách Thành Bưởi bất ngờ bước ra khiến anh phải phanh xe gấp, tránh về bên trái, suýt bị một ô tô lưu thông cùng chiều tông vào.

Theo người dân, đường Hùng Vương chỉ lưu thông một chiều, xe máy đi phía bên phải nhưng xe khách Thành Bưởi thường xuyên đậu chiếm lòng đường để dừng, trả khách. Khi qua đây, xe máy buộc phải lấn sang làn ô tô, rất nguy hiểm.

Gần đó, đường Nguyễn Duy Dương từ lâu cũng thành nơi có nhiều bãi xe “tử thần”. Dọc theo cung đường này, chúng tôi nhẩm đếm, có đến 5 vị trí bị các hãng xe khách lấy làm nơi đón, trả khách với số lượng xe có lúc lên đến vài chục chiếc, choán hết lòng đường. Trên tuyến đường này, nguy cơ tai nạn luôn chực chờ người đi đường.

8g sáng, tôi ngồi sau lưng tài xế xe ôm lưu thông từ hướng cầu Nguyễn Tri Phương về đường Trần Phú, Q.5. Chiếc xe máy vừa rẽ phải vào ngã ba thì cùng lúc, hai chiếc ô tô trung chuyển khách ùn ùn phóng ra, bác tài xe ôm vội đánh lái lên vỉa hè để nhường đường cho hai xe này.

“Ngày nào tôi cũng qua đây, đường nhỏ nhưng xe trung chuyển, xe khách đậu đông như kiến. Xe ra, vô bất ngờ lắm, xe máy chạy nhanh, tránh không kịp, té như chơi” - người chạy xe ôm tên Quân chia sẻ.

Rung minh nhieu hang xe lay long duong lam bai

Sáng 23/7, lưu thông qua tuyến đường Trần Phú, chúng tôi nhẩm đếm có đến hơn 40 xe du lịch (dùng để trung chuyển khách) và xe khách án ngữ trên lòng đường. Người dân địa phương cho biết, bãi xe di động trên đường Trần Phú mọc lên từ lâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây nguy cơ tai nạn rất cao.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ riêng trên đường Trần Phú, đã có 5 điểm dừng đỗ xe không đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, Doanh nghiệp Vận tải hành khách Thanh Thủy bị “điểm mặt”.

Đường Nguyễn Thái Bình (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) nằm ngay khu trung tâm thành phố cũng có bãi xe di động. Tại đây, dù có lệnh cấm xe trên 9 chỗ dừng, đỗ nhưng xe của hãng Hoa Mai, Toàn Thắng chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM vẫn vô tư đậu để trả, đón khách. Chỉ trong một giờ, chúng tôi đếm được hơn chục lượt xe 16 chỗ của hai hãng trên “cập bến” ngay trên đường.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hai điểm dừng trả khách của  hãng Hoa Mai, Toàn Thắng ở số 85 và 23 đường Nguyễn Thái Bình đều không đảm bảo an toàn giao thông. Có thời điểm, cùng lúc có 2-3 xe dừng đỗ, gây cản trở giao thông. Các hãng xe này còn đón, trả khách trên đường Võ Văn Kiệt, Phó Đức Chính.

Được biết, trong sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng của TP.HCM đã phát hiện 826 trường hợp vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định, xe khách có tuyến cố định chạy sai hành trình...

Rung minh nhieu hang xe lay long duong lam bai
Xe khách chiếm hết nửa lòng đường Trần Phú

Điểm đen tai nạn lấn sâu vào nội thành

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện ở TP.HCM, có 108 điểm đón, trả khách trước và trong khuôn viên trụ sở kinh doanh của hãng xe. Trong đó, dẫn đầu danh sách là Q.5 với 47 điểm; rất nhiều điểm đón, trả khách ở quận này không đảm bảo an toàn giao thông.

Nói về thực trạng trên, ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND Q.5 - cho biết: “Tại Q.5, có 100 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách nên hình thành nhiều trạm xe trung chuyển. Họ đăng ký kinh doanh thì mình phải cấp, nhưng thực tế, họ chủ yếu dùng làm điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa”.

Theo ông Huy, nếu địa phương “siết” đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp vận tải lại đăng ký kinh doanh ở tỉnh rồi lập văn phòng ở TP.HCM để làm nơi đón, trả khách.

“Do đó, chúng tôi tính đến giải pháp là gắn camera tại các điểm trung chuyển, vận tải hành khách, hàng hóa, yêu cầu doanh nghiệp cam kết đảm bảo an ninh lòng lề đường, chứ quận không có đủ lực lượng kiểm tra toàn bộ các điểm này” - ông Huy nói.

Rung minh nhieu hang xe lay long duong lam bai
Đoàn xe của hãng Thành Bưởi án ngữ trên đường một chiều Hùng Vương, gây mất an toàn giao thông

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2019, tại TP.HCM, xảy ra 410 vụ tai nạn giao thông trong các tuyến đường nội thành, trong đó có 366 vụ tai nạn do xe du lịch, xe khách gây ra. Đến tháng 6/2019, TP.HCM có 19 điểm đen về tai nạn giao thông, tăng 3 điểm so với năm 2018. Đáng nói, có nhiều điểm đen xuất hiện ở Q.1 và Q.5.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND Q.1 - cho biết: “Q.1 có nhiều cơ quan trú đóng nên ô tô, xe máy nhiều. Lượng du khách đông cũng tạo ra áp lực giao thông cho khu vực trung tâm thành phố”. Ông Dũng thừa nhận, có tình trạng dừng, đỗ xe ảnh hưởng đến trật tự lòng đường và an toàn giao thông.

“Quận đã xử lý rất nhiều trường hợp xe buýt, xe khách vi phạm quy định về dừng, đỗ, đón, trả khách. Trong sáu tháng đầu năm 2019, quận đã xử lý 1.556 trường hợp và thanh tra giao thông đã xử phạt 243 trường hợp dừng, đỗ xe vi phạm” - ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, sắp tới, Q.1 sẽ lắp đặt camera tại các tuyến đường trọng điểm, rà soát các biển báo giao thông cấm dừng, cấm đỗ để bố trí hợp lý hơn.

Hoàng Lâm - Tuyết Dân

Rà soát, xử lý cán bộ, công chức vi phạm giao thông

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự giao an toàn giao thông và trật tự lòng đường, vỉa hè sáu tháng đầu năm 2019 (do Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức ngày 20/7), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện phải phân tích tỷ lệ người vi phạm giao thông là cán bộ, công chức. “Chúng ta phải nắm được tình hình vi phạm giao thông của cán bộ, công chức, có khảo sát, thống kê cụ thể để có hướng xử lý” - ông Phong nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI