Quyền lực cử tri

21/05/2018 - 09:39

PNO - Đại biểu dân cử nhưng lại không hề mang gương mặt của nhân dân. Thậm chí, như trường hợp của ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (hai khóa XII-XIII) vô tư vi phạm Luật Quốc tịch, vô tư… thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ.

Hôm nay, ngày 21/5, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV khai mạc. Hội trường Diên Hồng, ít nhất sẽ có một số chiếc ghế trống. Ghế làm ra là để… (cho người) ngồi. “Ngồi coi hướng”, ngồi cho vững, cho ngay ngắn là tư thế của người lẫn… ghế. Nhưng một khi tư cách xộc xệch, không nghiêm ngắn; tư chất uốn éo, luồn lách thì chẳng có tư thế nào ngồi đủ cho một chiếc ghế. Chiếc ghế đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại càng không. 

Quyen luc cu tri
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không có ưu ái trong quyết định cho thôi nhiệm vụ ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp này diễn ra, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã cho rằng, việc nhiều ĐBQH bị bãi nhiệm, thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH là “không muốn xảy ra, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Nhưng, nhìn lại những gương mặt bị bãi nhiệm, không được công nhận tư cách ĐBQH như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường; hay cho thôi nhiệm vụ ĐBQH như Phan Thị Mỹ Thanh, Võ Kim Cự… với “đường đi” để trở thành ĐBQH, với họ lại không chỉ phụ thuộc vào chuyện có muốn xảy ra hay không mà với những gì đã xảy ra thì cơ hội sàng lọc, thẩm định, chọn lựa, quyết định tư cách ứng cử ĐBQH phải được xem xét, đánh giá, kiểm soát một cách chặt chẽ và thấu đáo hơn.

Cũng như cái vĩ thanh quen thuộc “rút kinh nghiệm sâu sắc” ấy, sẽ phải rút từ đâu, từ lúc nào chứ không phải để đến khi đã tót vời lên chiếc ghế đại diện cho quyền lực nhân dân lại là những kẻ gây hại cho nhân dân, thách thức quyền lực nhân dân. 

Một lần nữa, quyền và trách nhiệm song hành của cử tri lại được đặt ra. Quyền giám sát hoạt động các đại biểu dân cử - những người đại diện cho ý chí, lợi ích, nguyện vọng của cử tri; giám sát năng lực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đại biểu cũng như thực hiện các chức vụ được giao; giám sát phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đại biểu… Ở đây, trách nhiệm giám sát, đánh giá, lựa chọn của các “đại cử tri” - chính là vai trò “cử tri” ở các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị của người ứng cử đại biểu, đương kim đại biểu.

Một khi tiếng nói ở các cấp cơ sở quan trọng này không phát huy, thậm chí bị vô hiệu thì từ vi phạm dẫn dắt thành sai phạm cứ lừng lững mà trót lọt, mà leo cao, mà chui sâu; để đến khi bị phát giác, phát hiện thì dây chuyền bất ngờ, đột xuất…

Đâu phải đợi đến ngày 3/5 vừa qua, trong phiên tiếp xúc cử tri lần cuối cùng trên tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh, cử tri Đồng Nai mới phản ánh những bức xúc về sai phạm của bà này trong thời kỳ đảm nhận các chức vụ từ sở qua UBND, từ công tác chính quyền sang công tác Đảng, Quốc hội. Và trên đường quan lộ thênh thang ấy, những chữ ký vô nguyên tắc, lạm quyền, vượt quyền, vun vén phục vụ cho lợi ích cá nhân, gia đình nào có… khuất tất gì, nó lồ lộ cho đến tận ngày leo tót lên cái ghế ĐBQH, còn đeo luôn cái vị thế trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhà. 

Cử tri nào đã bỏ phiếu cho bà Thanh, cử tri nào đã lên tiếng phản đối tư cách đại biểu của bà Thanh, cử tri nào đã được thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử theo điều 7 Hiến pháp 2013 đối với ĐBQH Phan Thị Mỹ Thanh? 

Đại biểu dân cử nhưng lại không hề mang gương mặt của nhân dân. Thậm chí, như trường hợp của ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (hai khóa XII-XIII) vô tư vi phạm Luật Quốc tịch, vô tư… thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ. Tiếc rằng, dù là con số nhỏ nhưng tính chất, hành vi và mức độ hậu quả của những vị đại biểu này gây nên đã cho thấy quy trình có thể đầy đủ, chặt chẽ, thông làu nhưng người thực hiện quy trình lẫn cán bộ giám sát quy trình một khi tắc trách, thiếu trách nhiệm thì thiệt hại là vô kể. 

Có một điều tôi nghĩ mãi, trong hai lá đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH, cả bà Thanh lẫn bà Hường đều nêu lý do “sức khỏe không ổn định”, mà đúng ra, một lời cho trung thực thì nên là, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, để chí ít cũng là xứng cho một chút “tín dân” sau cùng.

Sự xem xét và giải quyết nhanh, dứt điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bà Thanh rất đáng ghi nhận, nhưng lý do chấp thuận đơn “cho thôi nhiệm vụ ĐBQH” có vẻ như quy chiếu từ nguyện vọng chủ quan - cá nhân chứ không phải là xem xét trách nhiệm, tư cách, đạo đức từ ý chí, đánh giá khách quan - tập thể, trong đó có phản ánh của cử tri. 

Tôi là một cử tri. Xin gửi đến Hội trường Diên Hồng không chỉ “một tấc lòng ưu ái” mà còn cả những ưu tư sau ngày này, 2 năm về trước, ngày 22/5/2016… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI