Quyền của người chuyển giới vẫn còn… lơ lửng

12/05/2017 - 13:49

PNO - Trong khi dự án luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến từ cộng đồng, người trong cộng đồng LGBT lo ngại về chặng đường để có thể được hưởng quyền lợi và được xã hội thực sự công nhận.

Ngày 12/5, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng về dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án luật CĐGT. Đây là một trong những bước đi quan trọng nhằm đưa những quy định về CĐGT trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đi vào thực tế.

Có thể nói, thông tin này khiến cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) đặt nhiều hy vọng và trông đợi.

Quyen cua nguoi chuyen gioi van con… lo lung

Mai Như Thiên Ân - đại diện Trung tâm ICS, tổ chức vận động quyền của LGBT tại Việt Nam - cho rằng, luật CĐGT có thể giải quyết những tồn tại, bất cập của nhóm đối tượng được tác động, đặc biệt là vấn đề lao động, hôn nhân và bảo vệ người chuyển giới khỏi sự kỳ thị của cộng đồng. 

Là người được tham gia vào quá trình Bộ Y tế lấy ý kiến tham vấn, đại diện của Trung tâm ICS cho hay, dự thảo đề cương luật CĐGT mới nhất đã đề cập tới các vấn đề nổi cộm như quyền và trách nhiệm của người CĐGT, điều kiện để cá nhân được sử dụng hoóc-môn, điều kiện được phẫu thuật CĐGT… 

Điểm nổi bật trong dự thảo này là nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị đối với người CĐGT và có mong muốn CĐGT; không được lợi dụng người CĐGT để mua bán, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có các hành vi trái pháp luật khác.

Người CĐGT cũng nhận được nhiều quyền lợi như: được bình đẳng trong học tập, khám chữa bệnh, lao động; được hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau phẫu thuật CĐGT, được phép cấp giấy chứng nhận giới tính mới khi đáp ứng quy định của luật để thực hiện thay đổi hộ tịch và các giấy tờ gắn với nhân thân khác…

Tuy nhiên, theo đại diện của Trung tâm ICS, dự thảo đề cương tới nay vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là quy định chỉ những người có can thiệp về mặt y tế mới được coi là người CĐGT và được cấp giấy chứng nhận giới tính mới.

Theo đó, một trong ba điều kiện để người CĐGT được công nhận là phải sử dụng hoóc-môn liên tục ít nhất 5 năm hoặc phẫu thuật thay đổi một phần (ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc phẫu thuật toàn phần (cả ngực và bộ phận sinh dục). 

“Hiện nay, theo chúng tôi được biết, trong báo cáo tác động chính sách, thời gian sử dụng hoóc-môn trong quy định trên đã được giảm xuống còn hai năm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người chuyển giới nào cũng có nguyện vọng, điều kiện sử dụng hoóc-môn mà vẫn muốn được sống với giới thực sự của mình và được xã hội công nhận” - Thiên Ân phân tích. 

Với quy định này, nhiều người chuyển giới cũng lo lắng về việc sẽ phải kéo dài thời gian sử dụng hoóc-môn.

Tây Hạ - một người chuyển giới nữ tại TP.HCM - cho biết, do chưa có quy định và các cơ sở chuyên về chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới tại Việt Nam, nên những đối tượng này vẫn phải sử dụng các loại hoóc-môn trôi nổi.

Nếu để đáp ứng thêm 2 hay 5 năm sử dụng hoóc-môn từ thời điểm luật có hiệu lực thì thời gian sử dụng thực tế của những người này sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng tới cả vấn đề sức khỏe và tài chính.

Tương tự, trong dự thảo đề cương quy định, các trường hợp đã CĐGT ở nước ngoài, nếu muốn đăng ký lại hộ tịch thì phải có giấy chứng nhận tại cơ sở thực hiện. Như vậy, tất cả những trường hợp đã phẫu thuật nhiều năm trước đây không có đủ giấy tờ do không nắm được quy trình hoặc phẫu thuật “chui”, sẽ mãi nằm “ngoài pháp luật”?

Mặc dù quyền lợi của cộng đồng LGBT đang được luật pháp từng bước đảm bảo, song họ luôn mang theo những nỗi lo “thường trực”: liệu rằng sau khi được ban hành, luật có thực sự đi vào cuộc sống? Điều gì xảy ra khi những người thực thi pháp luật hay những bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn mang nặng sự kỳ thị đối với những người chuyển giới? 

“Chúng tôi rất mong, bên cạnh những quy định của luật CĐGT, Nhà nước, các cơ quan chức năng và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người sẽ tuyên truyền nhiều hơn để cộng đồng người chuyển giới thực sự được bình đẳng” - Tây Hạ nói.

Sẽ có “nhà vệ sinh Unisex” trong các trường học?

Tại hội thảo quốc gia LGBTIQ Việt Nam 2017 diễn ra tại Hà Nội sáng 11/5, bà Trần Thị Phương Nhung - Giám đốc Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái tại Việt Nam (Unicef Việt Nam) - cho biết, trong một nghiên cứu mới nhất mà chương trình này tiến hành, nhóm học sinh LGBT là nhóm có nguy cơ bị bạo lực nhiều nhất tại các trường học. 

Để giải quyết vấn đề này, chương trình đã tổ chức thí điểm các khóa học trực tuyến cho gần 200 giáo viên tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP.HCM. Trong bảy buổi của khóa học, có riêng một bài về vấn đề đa dạng giới nhằm cung cấp thông tin để thay đổi ứng xử của giáo viên cũng như sự kỳ thị trong môi trường học đường. 

Đặc biệt, bà Trần Thị Phương Nhung còn cho biết, trong một cuộc họp mới đây, Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ GD-ĐT) đã đề ra sáng kiến về việc xây dựng “nhà vệ sinh Unisex” trong các trường học. Đây là giải pháp để nhóm học sinh LGBT cảm thấy thoải mái, dễ dàng khi phải đối mặt với nhiều rắc rối trong vấn đề khá tế nhị này. 

“Mặc dù mới chỉ là ý tưởng, song điều này có thể thấy được sự thay đổi mạnh mẽ trong suy nghĩ của cơ quan chức năng đối với vấn đề chống phân biệt đối xử và kỳ thị với nhóm người này” - bà Phương Nhung đánh giá.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI