Quốc hội xem xét dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Được và mất

10/11/2016 - 10:50

PNO - "Tôi thấy việc đưa ra quyết định này là hoàn toàn sáng suốt. Việc dừng lại để cân nhắc, tính toán lại, xem hiệu quả mang lại có được như mong muốn hay không, đánh giá cho thật chính xác là vô cùng cần thiết''

Mới đây, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Dự kiến trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ có thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quoc hoi xem xet dung du an dien hat nhan Ninh Thuan: Duoc va mat
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trước thông tin trên, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Đoàn ĐBQH Thái Bình cho rằng, bản thân ông hoàn toàn đồng tình với quyết định trên.

Theo ông, khoảng thời gian này nên xem xét lại quá trình đầu tư, giá dầu, các điều kiện cần thiết, các điều kiện của đất nước hiện nay, khi tình hình nợ công đang rất cao. Hiện cũng đã có những ý kiến từ nhiều bên, nên dự án cũng cần phải dừng lại.

Ông Xuyền phân tích thêm, các dự án nhà máy ĐHN, còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ an ninh hạt nhân, môi trường, an toàn hạt nhân, sự đồng thuận của người dân, trong hệ thống so sánh giữa nhà nước ta với các nước khác, nếu như không còn nguồn nào khác thì bắt buộc phải làm. Nhưng tại Việt Nam thì thủy điện phát triển tốt, nhiệt điện đang làm, điện gió, điện mặt trời sử dụng năng lượng tái tạo, lại thân thiện môi trường vẫn đang được làm tốt.

"Đầu tư làm ăn kinh tế thì rất nhiều bài học, quan trọng là sau đó có rút ra được kinh nghiệm hay không, làm sao để không gặp phải những lỗi sai đó một lần nữa", ông Xuyền nhận định.

Bên cạnh đó, vị ĐBQH Đoàn Thái Bình cũng nhấn mạnh, hiện trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực ĐHN chưa đáp ứng được.

''Việc quan trọng là xử lý hậu quả nếu dừng lại, thứ nhất, là công cuộc hợp tác với Nga - Nhật khi làm nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 về mặt ngoại giao; thứ hai, tiền đầu tư ban đầu hơn 2000 tỷ đồng, còn lại 1 số tài trợ không hoàn lại hơn 1000 tỷ đồng của Nhật Bản, Nga.

Nếu dừng lại, số tiền chi đó phải chấp nhận mất, nhưng thiết nghĩ còn hơn cố làm, rồi không hiệu quả, nảy sinh nhiều vấn đề thiệt hại lớn hơn mà không lường trước được.

Chúng ta phải xác định không phải cứ đầu tư là đạt hiệu quả, vì còn rủi ro, dựa vào kinh tế thị trường, phải chấp nhận", ông Xuyền lưu ý.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho biết: "Tôi thấy việc đưa ra quyết định này là hoàn toàn sáng suốt. Việc dừng lại để cân nhắc, tính toán lại, xem hiệu quả mang lại có được như mong muốn hay không, đánh giá cho thật chính xác là vô cùng cần thiết. Đề án đã được xây dựng cách đây vài năm, bây giờ mọi thứ đều đã khác, nếu như hiện tại không hiệu quả, không có lợi thì nên dừng lại.''

Theo ông Sơn, với nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố vướng mắc. Vấn đề trước tiên mà tất cả người dân đều nhìn thấy và lo lắng đó là nguồn lực của nhà nước vô cùng khó khăn, nợ công đã lên mức quá cao, các khoản vay phải trả đã đến lúc tính toán, cân nhắc, đưa ra phương án.

Ngoài ra, về kinh nghiệm, thực ra chúng ta chưa có kinh nghiệm ở trong lĩnh vực điện hạt nhân, trong khi, các hoạt động đó đòi hỏi nhiều yếu tố, bao gồm cả việc nghiên cứu, lắp ráp, xây dựng, vận hành, quản lý điều hành, không đơn thuần là việc cho công nhân đi đào tạo, về làm là làm được ngay. Quan trọng là phải nắm vững, làm chủ được công nghệ thì mới vận hành tốt được.

''Vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về một số dự án kém hiệu quả, lãng phí, phải dừng lại giữa chừng, không riêng gì dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận.

Những dự án như vậy nên nghiên cứu, xem xét, cái gì không mang lại hiệu quả như mong muốn hoặc gây lãng phí thì dù có ở thời điểm nhạy cảm, cũng nên báo cáo Quốc hội, báo cáo nhân dân kiên quyết dừng lại, không thể vì một lý do nào đó mà kéo dài sự lãng phí.'' - vị ĐBQH Đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ông Sơn phân tích thêm, thời điểm chúng ta bắt đầu xây dựng dự án này thì giá nguyên liệu, năng lượng thế giới rất cao, không nhầm thì ở mức 90-100 USD/thùng dầu, nên bây giờ phải cân đối lại xem phương án đó có thực sự rẻ, có thực sự đem lại hiệu quả mong muốn như lúc thời điểm mình xây dựng dự án đó hay không.

Ninh Thuận định đặt nhà máy ĐHN ở đó, liệu có phù hợp với yêu cầu cả về công nghệ lẫn kỹ thuật hay không, đó là một loạt các việc cần phải đặt ra. Tất cả các yếu tố trên vẫn còn đang bỏ ngỏ, cần xem xét kỹ lưỡng.

Hà Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI