Quản phố tây kiểu... ta?

27/06/2017 - 06:00

PNO - Chuyện lộn xộn và kể cả những vụ án mạng liên tục xảy ra ở khu vực P.Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), khiến chủ đề phố tây Sài Gòn lại sôi nổi. Trong khi đang có dự án nhằm biến phố tây thành phố đi bộ.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, từng có “chiến dịch” dùng truyền thông để “lên án” phố tây mất trật tự, nhếch nhác, chiếm dụng lòng lề đường, nhảy nhót, nhậu nhẹt thâu đêm… Chuyện này thực ra xuất phát từ vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại vùng “DMZ” đặc biệt này.

Quan pho tay kieu... ta?
Phố Tây Bùi Viện luôn đông đúc du khách về đêm.

Đỉnh điểm của “khủng hoảng” cách đây ba năm, người dân buôn bán ở phố tây (có cả du khách nước ngoài tham gia) đã xuống đường với biểu ngữ “We want life” khi xe của đội trật tự đô thị tiến vào lập lại trật tự lòng lề đường. Một nguồn tin cho biết, “chiến dịch” đã đẩy lượng khách du lịch đến phố tây giảm hơn 30% (?).

TP.HCM hay bất kỳ đâu trên thế giới, cần phải có cái nhìn rõ, về bản chất, những khu phố tây chỉ nhằm mục đích phát triển du lịch, để từ đó có cách quản lý uyển chuyển, chiến lược.

Công bằng mà nói, chính cái phố tây ở Bangkok mà chúng tôi đề cập trong bài phóng sự Khaosan - “thuộc địa” của tây ba lô, cũng đã từng bị “ném đá” với không ít ý kiến phản đối bởi một bộ phận dân chúng. Khaosan từng bị gán cho là một gợn tối trong lịch sử phát triển của ngành du lịch Thái Lan.

Nhưng cũng phải thấy một thực tế, dân ba lô tứ xứ lại cứ rất thích kéo đến Khaosan. Họ bỏ tiền tiêu xài và phong cho Khaosan những danh hiệu khá sốc như “thuộc địa của tây ba lô”, “khu ổ chuột du lịch”, “bữa tiệc khuya không bao giờ kết thúc”… Và chính quyền Thái vẫn chấp nhận.

Dường như có một quy luật bất thành văn, hầu hết các thành phố du lịch, đặc biệt tại Á châu, đều phải đạt chuẩn “2 sao” là Chinatown và phố tây. Cả hai đại diện cho sự phục vụ nhu cầu hậu cần và cả văn hóa cho các "hiệp khách giang hồ". Trong số đó, không ít kẻ thuộc phường “đi bụi” khắp thế giới và đóng góp không nhỏ vào GDP của nước sở tại.

Quan pho tay kieu... ta?
Nơi đây tập trung du khách nước ngoài nhiều nhất TP.HCM.

Họ - với đủ màu da, ngôn ngữ - nhưng đều có chung một chuyến đi của đời mình với tất cả đam mê khám phá, thu hoạch đầy ắp các trải nghiệm. Bước ra khỏi ngôi nhà mình, quê hương mình và cuộc sống thường nhật, dân lang thang quốc tế mang theo quan điểm sống đầy tràn, sống sung mãn và sẽ thể hiện hết mình trong các chuyến đi.

Họ - với ba lô hành trang giản lược tối đa - không cần các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Điều họ cần là một điểm tập kết những kẻ cùng sở thích để sẻ chia kinh nghiệm bôn ba. Một nơi cũng đồng thời cung cấp những dịch vụ giúp họ thực hiện các chuyến lên rừng, xuống biển, vào sa mạc…

Và sau các hành trình mỏi mệt, họ quay lại không gian đó để thư giãn, tìm chỗ đặt lưng qua đêm, hoặc có khi chỉ đơn giãn là tìm chỗ gửi hành lý, chờ chuyến bay hay hành trình kế tiếp. Và một không gian để kết bạn, tận hưởng đêm thành phố bất tận với bia, thức ăn hè phố và an ninh được bảo đảm.

Phố tây - hiểu theo nghĩa trạm trung chuyển du lịch quốc tế như thế - nên được hình thành và hỗ trợ để phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ngoài Khaosan, các phố tây nổi tiếng khu vực như phố tây Siem Reap, Vientian, Luang Prabang, Manila, Chiang Mai, Bali… đều mang nét giao thoa văn hóa đặc trưng của nó, từ màu sắc đến cách sinh hoạt. Nó mãnh liệt đến nỗi ai chạm ngõ cũng nhận ra ngay mình đã đến vương quốc của những kẻ lang thang. Phố tây Sài Gòn cũng không ngoại lệ.

Điểm nhấn văn hóa trong giao lưu quốc tế này của TP.HCM cần có được những chủ trương và chiến lược đặc thù để mở rộng, gia tăng lượng du khách. Hoặc nếu muốn xóa bỏ, thì cứ tiếp tục quản phố tây theo kiểu ta như đã, đang xảy ra. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI