P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM: “Điên đầu” với cơ sở sản xuất gây tiếng ồn

11/04/2017 - 10:26

PNO - Gần đây, báo Phụ Nữ liên tục nhận được phản ánh về việc cơ sở sản xuất dụng cụ lau nhà ở số 30/25 đường Kinh số 1 (KP.5, P.Tân Tạo A Q.Bình Tân, TP.HCM) gây tiếng ồn, ảnh hưởng đời sống người dân.

P.Tan Tao A, Q.Binh Tan, TP.HCM:   “Dien dau” voi co so  san xuat gay tieng on
Cơ sở sản xuất số 30/25 gây tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Người dân nhiều lần gửi đơn lên chính quyền các cấp nhưng chưa được giải quyết

Theo phản ánh, gần một năm qua, người dân ở KP.5, P.Tân Tạo A đang chịu cảnh “vừa bịt tai vừa sống” vì một cơ sở sản xuất gây tiếng ồn; đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng chưa được giải quyết. Ông T.V.S. (SN 1960, ngụ KP.5) cho biết, từ tháng 6/2016, ông Lê Văn Hà (SN 1987) đến thuê đất tại số 30/25 đường Kinh số 1 để làm cơ sở sản xuất dụng cụ lau nhà.

Trong quá trình sản xuất, cơ sở này sử dụng máy ép keo gây tiếng ồn rất lớn, lại hoạt động gần như 24/24. Ông S. nói: “Vì tiếng ồn quá lớn, tôi và một số hộ dân gần cơ sở có sang nói chuyện với ông Hà, ổng hứa sẽ dời đi nơi khác. Nói là vậy nhưng sơ sở này vẫn hoạt động bình thường”. Thấy góp ý không có kết quả, người dân đã làm đơn trình báo UBND P.Tân Tạo A.

Tháng 8/2016 UBND phường đã cử cán bộ xuống kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở về hoạt động gây tiếng ồn. Sau khi bị kiểm tra, ông Hà đóng cửa không sản xuất một thời gian.

P.Tan Tao A, Q.Binh Tan, TP.HCM:   “Dien dau” voi co so  san xuat gay tieng on
 

Đến tháng 9/2016, ông Hà lại chuyển về thêm nhiều máy móc loại lớn và tiếp tục sản xuất. Thời điểm này, cơ sở hoạt động từ 7g30 đến 17g, nhưng tiếng ồn thì dữ dội hơn trước nhiều.

“Từ ngày cơ sở hoạt động trở lại với những loại máy công suất lớn thì mỗi lần máy dập kim loại khởi động là nền và tường nhà tôi rung lên như có… động đất, không thể nào ở trong nhà được. Nhiều nhà cách đó đến vài trăm mét cũng bị ảnh hưởng, nhà nào cũng phải đóng kín cửa để giảm bớt tiếng ồn”, ông S. chia sẻ.

Anh V. V. (ngụ đường Kinh số 1, KP.5) cho biết, cơ sở của ông Hà hoạt động đã làm cuộc sống gia đình anh xáo trộn hẳn. Cả nhà phải thường xuyên “trốn” trên lầu để đỡ bị tiếng ồn tra tấn. Những nhà gần đó đang có con nhỏ thì ban ngày phải “sơ tán” con đi nơi khác.

Sáng ngày 5/6, có mặt tại khu vực đường Kinh số 1, KP.5, chúng tôi thấy cơ sở của ông Hà đang rầm rộ hoạt động. Từ đầu hẻm 30, đã nghe tiếng ồn của máy móc phát ra từ cơ sở số 30/25. Tường và sàn hai căn nhà sát vách cơ sở rung lên từng chặp theo hoạt động của máy dập kim loại; trong nhà chát chúa những âm thanh từ cơ sở số 30/25 dội sang.

“Từ năm ngoái đến giờ, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng chỉ thấy chính quyền xuống kiểm tra rồi đâu lại vào đó, cơ sở vẫn hoạt động bình thường. Nhiều người không chịu nổi tiếng ồn định bán nhà đi nơi khác nhưng không thể bán được vì sợ tiếng ồn nên chẳng ai chịu mua. Chúng tôi ngày đêm mong chính quyền xử lý quyết liệt vụ này”, ông N.V.N. (ngụ KP.5) nói.

Đại diện KP.5 (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Thời gian qua, KP cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc cơ sở của ông Hà hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn. Đây là một vấn đề “nóng” trong các đợt tiếp tiếp xúc cử tri. UBND phường đã xuống kiểm tra ba lần, lập biên bản xử phạt, yêu cầu ông Hà cam kết không gây tiếng ồn; nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm”.

Sáng 6/4, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết, UBND quận sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan kiểm tra phản ánh của dân về cơ sở gây ô nhiễm này và thông tin cụ thể cho báo Phụ Nữ kết quả kiểm tra, xử lý.

Để làm rõ phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên - môi trường Q.Bình Tân nên tổ chức đo độ ồn tại cơ sở sản xuất nêu trên. Theo quy định ở mục 2.1, Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6g đến 21g) và 55dBA (21g đến 6g). 

Nếu cơ sở sản xuất vượt quá quy chuẩn trên sẽ bị xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về tiếng ồn, theo quy định tại khoản 1, điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, xưởng sản xuất có thể bị đình chỉ hoạt động và buộc phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn (khoản 2, 3, điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP).

Luật sư Trần Minh Hùng 
(Văn phòng luật sư Gia Đình - 
Đoàn Luật sư TP.HCM)

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI