Phụ Nữ và góc nhìn World Cup: Cảm xúc, bàn thắng và hơn thế nữa

16/07/2018 - 02:29

PNO - Bàn tròn “Phụ Nữ và góc nhìn World Cup” với sự tham gia của nhà báo Nguyễn Thế Thanh (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM), doanh nhân Lại Thị Mừng, nhà báo Thùy Dương, nhà báo Hồng Hạnh.

Khi bài báo này lên khuôn, cả nước Pháp đang hò reo với chiến thắng lịch sử trên đất Nga. Các cầu thủ đội tuyển Pháp vẫn đang ngập tràn trong phấn khích, chuẩn bị bước lên bục vinh quang với chiếc cúp vô địch thế giới lần thứ 2 - chiếc cúp họ đã chờ đợi suốt 20 năm qua. Trong khi đó đoàn quân người Croat rưng rưng nước mắt nhìn giấc mơ tan biến ngay trước mắt. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bàn tròn “Phụ Nữ và góc nhìn World Cup” với sự tham gia của nhà báo Nguyễn Thế Thanh (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM), doanh nhân Lại Thị Mừng, nhà báo Thùy Dương, nhà báo Hồng Hạnh (Báo Phụ Nữ TP.HCM) còn có những góc nhìn khác.

Phu Nu va goc nhin World Cup: Cam xuc, ban thang va hon the nua

Bàn tròn “Phụ Nữ và góc nhìn World Cup”

Làn gió mới từ đội hình trẻ

Trước buổi trò chuyện chính thức, nhà báo Thế Thanh đề nghị: “Đừng hỏi tôi về đấu pháp, chiến thuật”. Thế nhưng, khi nhắc tới đội Pháp thì chị lại đầy hào hứng: “Pháp đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ nhưng rất giỏi, thi đấu tự tin, bản lĩnh và tràn đầy khao khát chinh phục cúp vàng”. Doanh nhân Lại Thị Mừng cũng hào hứng: “Nếu những mùa World Cup trước, có sự phân hóa rõ rệt giữa đội mạnh và đội yếu, đặc biệt các đội châu Á bao giờ cũng xếp chiếu dưới thì giải đấu lần này, các đội bóng châu Á đã tạo nên những “cơn địa chấn” ở nước Nga. Thể lực các cầu thủ năm nay cũng nâng cao rõ rệt”.

Nhà báo Thế Thanh giờ mới bắt đầu khiến mọi người ngạc nhiên, khi nhận xét: “World Cup năm nay mới mẻ nhờ các cầu thủ trẻ. Mbappe, 19 tuổi, xứng đáng là ngôi sao hàng công của tuyển Pháp: ghi 2 bàn vào lưới Argentina, kiến tạo cho Antoine Griezmann lập công. Sang trận Bỉ, tuy bị quở trách vì màn ăn vạ, chàng trai này liên tục bắn phá trên phần sân đối phương, thu hút mọi hỏa lực để Umtiti ghi bàn. Các bạn thấy đấy, trong trận chung kết này, mọi đường chuyền dài đều đổ về Mbappe. Tốc độ đáng kinh ngạc, kỹ thuật đẳng cấp của Mbappe luôn khiến các hậu vệ Croatia khổ sở”.

Phu Nu va goc nhin World Cup: Cam xuc, ban thang va hon the nua
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

“Hai hậu vệ cánh của Pháp là Pavard và Hernandez cũng còn khá trẻ. Ở trận chung kết, sau một lúc chuệch choạc, để Croatia liên tục chọc vào hai cánh, họ đã lập tức điều chỉnh” - nhà báo Thế Thanh nói.

Bàn về chiến thuật ở World Cup 2018, nhà báo Thùy Dương sôi nổi: “Điểm đặc biệt là các đội bóng bị đánh giá là yếu đã không chơi tử thủ theo kiểu đổ xe buýt nhiều tầng trước cầu môn, mà chơi phòng ngự phản công rất tốt, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico… Trước đây, khi không có bóng, cầu thủ thường đứng xa bóng, chờ hoặc chạy có lệ, để cho cầu thủ ở vị trí đó xử lý; chỉ khi bóng đến chân mình mới “phất”. Ngày nay, dù không có bóng, các cầu thủ vẫn chạy chỗ tích cực và tranh chấp quyết liệt. Có một nghịch lý trong đấu pháp kỳ này là lối chơi kiểm soát bóng lại không thành công. Ba đội bóng có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình nhiều nhất là Tây Ban Nha, Đức và Argentina đều bị loại”.

Phu Nu va goc nhin World Cup: Cam xuc, ban thang va hon the nua
Nhà báo Thùy Dương

“Có thể nói, đây là kỳ World Cup của các tiền vệ. Trong trận chung kết này là cuộc đọ sức của Modric, Rakitic, Kovacic với N’Golo Kante, Pogba. Không chỉ có khả năng thu hồi bóng nhanh, phát những đường chuyền mang tính tổ chức tấn công vũ bão, chính xác, khi cần, các tiền vệ cũng góp phần khuấy đảo khu vực 16m50” - nhà báo Hồng Hạnh đánh giá.

“Trong cuộc chiến cuối cùng trên sân Luzhniki, bản lĩnh và sự kết nối những tài năng của Croatia đã tạo nên sự càn lướt đầy ấn tượng trong hiệp 1 và đầu hiệp 2. Rất tiếc, những sai lầm cá nhân đã khiến đội bóng áo ca-rô trả giá. Nói không ngoa, ba bàn thắng đầu trận đều do phía Croatia tạo ra - từ phản lưới nhà đến cú chạm bóng bằng tay trong vòng cấm địa” - doanh nhân Lại Thị Mừng tỏ ra tiếc cho Croatia. “Ngoài sức trẻ, sự nhạy bén và tuân thủ đấu pháp, ý đồ của huấn luyện viên của các cầu thủ cũng góp phần tạo nên chiến thắng. Chính Mbappe, ở hiệp 2, đã có lúc tự giãn tốc độ, bật bóng đến khu vực tuyến 2, tạo điều kiện cho Pogba ghi bàn thắng gia tăng cách biệt 3-1 cho Pháp” - nhà báo Hồng Hạnh phân tích.

Phu Nu va goc nhin World Cup: Cam xuc, ban thang va hon the nua
Nhà báo Hồng Hạnh

Văn hóa và sự trưởng thành

Nghe các chị bàn luận về bóng đá, điều hấp dẫn không nằm ở những phân tích thế trận hay các thuật ngữ chuyên môn mà lại là góc nhìn bao quát, đúc kết và dung dị.

Nhà báo Hồng Hạnh chia sẻ: “Nếu đàn ông xem bóng đá theo diễn biến trên sân cỏ thì phụ nữ dõi theo cả những chuyện bên ngoài sân”. Chẳng hạn, chị bị “rụng tim toàn tập” khi một chú chim non sà xuống sân cỏ ở trận Tây Ban Nha - Iran và được cầu thủ Isco của Tây Ban Nha cúi nhặt, đưa ra khỏi sân để các cầu thủ không giẫm đạp. “Hành động nhỏ mà quá đẹp, quá nhân văn, khiến tôi không thể không yêu Isco” - chị Hạnh nói. Đâu riêng gì chị Hồng Hạnh, rất nhiều phụ nữ xem bóng đá cũng bằng những cảm xúc tươi đẹp và yêu thương dành cho cầu thủ, cho bóng đá.

“Tôi và bạn bè xem bóng đá, không quan trọng tỷ số hay chiến thuật mà xem những khoảnh khắc đẹp, sự trưởng thành của mỗi cầu thủ, đội bóng qua từng trận” - chị Hạnh nói. Những hành động nhỏ, nhưng chạm đến trái tim, như khi một cầu thủ đối phương bị ngã, họ sẵn sàng dừng đường banh “ngon ăn”, chủ động đá bóng ra biên; hay khi tan trận Croatia - Argentina, ống kính lướt qua hình ảnh một cổ động viên nhí của Argentina gục đầu vào chân người đàn ông bên cạnh, khóc nức nở, đã khiến bản năng người mẹ trong các chị trỗi dậy. Sự cảm thông với Messi, với đội bóng đã ngăn các chị buông tiếng xỉ vả.

Phu Nu va goc nhin World Cup: Cam xuc, ban thang va hon the nua
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

Dẫu Kylian Mbappe bày trò câu giờ hay dăm cái gạt chân, ôm người ngáng đường tuyển thủ đối phương để lại nhiều tiếc nuối về những trận cầu kém fair play. World Cup năm nay vẫn để lại nhiều ấn tượng đẹp về sự trưởng thành trong văn hóa bóng đá. Nhà báo Thế Thanh ấn tượng với hình ảnh những cổ động viên Nhật đi từng dãy ghế nhặt từng vỏ chai, bao ni-lông cho vào bịch rác, dù đội bóng của họ thất bại. “Sẽ không ai quên được hình ảnh đó” - nhà báo Thế Thanh khẳng định. Nhà báo Hồng Hạnh thì chú ý đến hình ảnh: “Kết thúc mỗi trận đấu, các cầu thủ đều cúi đầu chào cổ động viên, rời phòng thay đồ là mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng”.

“Tinh thần: chiến thắng không phải là tất cả và thua không phải là dấu chấm hết đã cho thấy sự trưởng thành của cầu thủ lẫn các cổ động viên qua mỗi kỳ World Cup” - nhà báo Thế Thanh nhận định. Điều này trái hẳn với những gì được lưu giữ trong ký ức của nhà báo Thùy Dương, về những mùa World Cup trước - thời mà sau mỗi trận cầu, nhất là những trận đấu với Tam sư (đội tuyển Anh) hầu như cổ động viên của đội thắng phải nán lại thật lâu trên khán đài hoặc ra về thật nhanh vì sợ… hooligan (cổ động viên quá khích) giở trò bạo lực. Chị kể chuyện ở World Cup 1994, tổ chức tại Mỹ, cảnh sát ken kín trên sân mà không được xem những đường banh đẹp mắt. Họ không thể rời mắt khỏi khán đài, do lo sợ xảy ra bạo lực. World Cup năm nay, người ta chỉ nhìn thấy những cái bắt tay chúc mừng hoặc đầy chia sẻ sau những trận cầu giữa các tuyển thủ hay các cổ động viên hai bên.

Chi tiết trở thành niềm tự hào của người dân Anh vừa diễn ra ở trận tranh hạng ba giữa Bỉ và Anh: một cổ động viên người Bỉ ngồi trong một quán bar chỉ toàn người Anh. Phút thứ 4 trên sân cỏ, Bỉ dẫn 1-0, vị cổ động viên người Bỉ không kìm được sung sướng, reo vang, để rồi hoảng hốt khi thấy quanh mình chỉ toàn người Anh. Nhưng không, các cổ động viên Anh chỉ nhìn anh, buồn bã.

Phu Nu va goc nhin World Cup: Cam xuc, ban thang va hon the nua
Doanh nhân Lại Thị Mừng

Doanh nhân Lại Thị Mừng nhớ mãi các trò tiểu xảo giữa các cầu thủ ở các mùa World Cup trước và vui mừng khi thấy năm nay, trọng tài ít có cơ hội rút thẻ đỏ. Đó cũng là lý do giữ chị Mừng ở lại đến những giây phút cuối cùng của mỗi trận đấu. Những khoảnh khắc đẹp chị Mừng chú ý là lúc huấn luyện viên của đội  thua cuộc nén buồn, nán lại chúc mừng hoặc đợi chờ cái bắt tay chia sẻ, động viên của đội thắng cuộc; thay cho cái vùng vằng, bực tức thường thấy trước đây.

Những ứng xử ngày càng văn minh, tiến bộ, thể hiện bản lĩnh của từng cá nhân cống hiến và yêu bóng đá không chỉ cho thấy một sự trưởng thành, sự nâng tầm của một giải đấu quốc tế mà còn thúc đẩy một thế giới mà các quốc gia xích lại gần hơn, nhân văn hơn.

Đàn bà cá độ vì... trai đẹp

Có thể bạn sẽ bảo tôi cảm tính khi dám khẳng định 80% đàn bà xem bóng đá là vì... trai đẹp. Điều đó có gì là sai nào, khi đó chỉ là một phần kết quả của sự hấp dẫn giới tính từ những kẻ khác giới mà khoa học đã hơn một lần chứng minh. Đàn bà có những sự quan tâm khác với đàn ông, có những đam mê và cảm xúc không giống với phân nửa thế giới còn lại. Nên không thể bắt họ phải hiểu biết kỹ thuật, đấu pháp, chiến lược của một trận cầu như cách đàn ông xem đá bóng. Cái đập vào mắt họ chính là mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, đôi mắt sâu thẳm hút hồn, dáng vóc khỏe mạnh hay cơ bắp cuồn cuộn lực lưỡng của những anh hùng trên sân cỏ. Đàn bà ngắm trai đẹp cũng bình thường như đàn ông bị thu hút bởi những đường cong gợi cảm của những cô gái ưa nhìn. Đó là tính hấp dẫn của thứ bản năng giống nòi từ trong muôn thuở. Tôi cho là như vậy.

Tất nhiên, những gì đến từ cảm tính thường nhận về những kết quả rất chi cảm tính. Nếu chúng ta tiến hành một vụ cá cược vui vẻ về trận chung kết, lý trí sẽ bảo tôi chọn đội Pháp nhưng trái tim lại mách bảo tôi nên nghiêng về phía Croatia. Lý do là Croatia được cầm trịch bởi vị huấn luyện viên có vẻ đẹp thần thánh mà tôi ngưỡng mộ. 

Dĩ nhiên có rất nhiều yếu tố quyết định thắng thua trong một trận cầu, nhưng không có yếu tố nào liên quan tới vẻ ngoài đẹp đẽ của các cầu thủ. Nên dẫu huấn luyện viên và các cầu thủ có ưa nhìn đến đâu thì Croatia của tôi vẫn thua trong tức tưởi. Đơn giản vì Pháp chơi tốt hơn ở mọi phương diện. Đó là kết quả tôi đã biết trước nhưng vẫn chấp nhận bởi người ta có quyền để lý trí bị lu mờ bởi cái đẹp mà người ta ngưỡng mộ. Một sự lu mờ tình nguyện vì cái đẹp xứng đáng được vỗ về và bao dung hơn hết thảy.

Nhà báo Hồng Hạnh

Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI