'Phong trào' xin nhận trách nhiệm

16/06/2017 - 10:53

PNO - Khi bắt đầu có trực tiếp truyền hình các buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, không khí chính trị của đất nước thực sự có sinh khí trước và trong mỗi kỳ họp.

Cử tri đã sung sướng ngây ngất khi có những cuộc chất vấn gay gắt, nhiều thành viên của Chính phủ bị truy đến tận cùng, buộc phải đưa ra lời hứa giải quyết.

Nhưng rồi, cái ngây ngất vội vàng “thuở ban đầu” ấy cũng chóng qua, bởi nhiệm kỳ nào cũng hứa, ông bà nào cũng rứa, hờ-ưa-hưa-sắc-hứa. 

'Phong trao' xin nhan trach nhiem
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xin nhận trách nhiệm trong việc thịt lợn rớt giá thê thảm.

Người dân không chỉ sống bằng cảm giác êm đềm của lỗ tai khi được nghe những lời ru, mà điều họ muốn là được thụ hưởng các “sản phẩm quản lý” chất lượng cao, có thể sờ được, thấy được. Ví dụ như được đi trên con đường an toàn, ăn thực phẩm sạch, vào bệnh viện hiện đại, ra phố không bị cướp giật, không bị kẹt xe, ngập nước.

Cử tri cũng từng xúc động khi vào năm 2008, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tuyên bố xin nhận trách nhiệm và nhận mọi hình thức kỷ luật về việc dự báo sai sản lượng lúa gạo. Cử tri không ngờ (và chắc chính Bộ trưởng Phát cũng không ngờ), rằng ông lại trở thành người khởi xướng cho một “phong trào” mới mang tên “xin nhận trách nhiệm”. Hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, kỳ họp này sang kỳ họp khác, cử tri nghe đến nhàm tai cụm từ “tôi xin nhận trách nhiệm”. 

Gần đây nhất, tại diễn đàn Quốc hội ngày 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đều “xin nhận trách nhiệm” vì những điều mình chưa làm được. Qua ngày sau (14/6), lại đến lượt Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “xin nhận trách nhiệm” về việc loạn kê toa thuốc và những vấn đề của ngành y tế.

Cử tri đã không còn xúc động trước những lời hứa, và nay là những lời “xin nhận trách nhiệm”. Nói khơi khơi thì ai nói mà chả được? “Xin nhận trách nhiệm” rồi thì sao? Tự “kỷ luật” mình như thế nào?

Bởi vì xét cho cùng, đương nhiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Điều quan trọng là khi ngành mình còn có những cái dở, mình có thấy xót xa, có đường hướng để làm cho nó bớt dở, tốt lên được không? 

Làm không được thì từ chức, mới gọi là dám chịu trách nhiệm. 

Chân Ngôn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI