Phố Tây Sài Gòn: Điểm đến tự nhiên, đừng áp đặt!

28/06/2017 - 13:30

PNO - Phố Tây cần những con hẻm không rác, đèn chiếu sáng, mưa không ngập… lập tức từ người dân đến du khách sẽ tự tạo ra điểm đến lý tưởng, an ninh cho Sài Gòn.

Các bài viết về vấn đề phố Tây trên báo Phụ Nữ vừa qua đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, khá đông bạn đọc ủng hộ quan điểm quản lý uyển chuyển, song song việc bảo đảm an ninh để phát triển du lịch và tạo ra dấu ấn văn hóa độc đáo của TP.HCM.

Pho Tay Sai Gon: Diem den tu nhien, dung ap dat!
Phố tây Bùi Viện, nơi tập trung đông đảo du khách.

Lấy câu chuyện xảy ra tại một xứ Trung Mỹ để mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi về chiến lược quản lý liên quan đến phố Tây, ông Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM - khuyên rằng, đừng quá băn khoăn về vấn đề “lập lại trật tự lòng lề đường”, bởi chỉ cần môi trường tốt sẽ tạo ra tình hình an ninh trật tự tốt.

Phố Tây không chỉ có “mặt tiền”

“Không cần suy nghĩ to tát, chỉ một việc làm nhỏ ít ai nghĩ tới, đã khiến cả khu ổ chuột nổi tiếng giữa thủ đô Mêxicô thay đổi ngoạn mục. Đó là người ta đã thử tiến hành sơn lại toàn bộ các căn nhà, con phố… Quả nhiên, khi toàn bộ khu ổ chuột sáng sủa lên, tỷ lệ tội phạm giảm đi 30%. Điều đó chứng tỏ, tâm lý con người ta sẽ căng thẳng hơn, manh động hơn nếu môi trường sống nhếch nhác”, ông Lưu nói.

Qua câu chuyện, vị kiến trúc sư muốn lưu ý rằng, nhắc đến phố Tây, đừng quên nó chỉ có “mặt tiền” đường Bùi Viện, Đề Thám hay Phạm Ngũ Lão, mà còn là toàn bộ các hẻm hóc, ngóc ngách của cả khu vực. “Khách nước ngoài ở trong các con hẻm rất đông bởi nhu cầu tự nhiên của phần lớn những người đi du lịch với túi tiền ít. Do đó, cần phải có kế hoạch bảo đảm môi trường lan tỏa cho toàn bộ khối phố, chứ không phải chỉ có kế hoạch phố đi bộ”, ông Lưu lưu ý.

Pho Tay Sai Gon: Diem den tu nhien, dung ap dat!
Càng về khuya, phố Tây Bùi Viện càng tấp nập du khách quốc tế.

Theo ông, phố Tây cần những con hẻm không rác, đèn chiếu sáng, mưa không ngập… lập tức từ người dân đến du khách sẽ tự tạo ra điểm đến lý tưởng, an ninh cho Sài Gòn. Dĩ nhiên, cũng cần tăng cường lực lượng cảnh sát du lịch, thanh niên xung phong tại phố Tây với tinh thần “du khách là ưu tiên số 1”. Bên cạnh đó, phải chú trọng đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách qua các hình thức trình diễn âm nhạc, hội họa, ẩm thực… thật sự phong phú, sáng tạo.

Ông Lưu cũng lấy lịch sử hình thành phố Tây tại các thành phố du lịch trên thế giới để đưa ra quan điểm quản lý theo hướng phát triển tự nhiên theo cách mà nó đã hình thành. “Khách du lịch tạm gọi là Tây ba lô cần một điểm đến đáp ứng được mọi nhu cầu ăn ở, đi lại, tổ chức tour, tham quan, giải trí… với giá rẻ nhưng lại phải ở gần ngay trung tâm thành phố.

Đó là nhu cầu hết sức thực tế mà hầu hết các thành phố muốn phát triển du lịch phải đáp ứng được. Nên chăng, đừng quá cứng nhắc trong chính sách quản lý phố Tây. Ngoài các nhu cầu như tôi đã nói, vỉa hè cũng là một nhu cầu của khách du lịch bụi”. Ông đưa ra ví dụ về Đại lộ Champs-Élysées trứ danh Paris (Pháp) khi cho người dân sử dụng 2/3 vỉa hè để kinh doanh.

Mọi sự thay đổi phải tạo ra giá trị mới, thuận lợi cho dân

Trao đổi với chúng tôi ngày 27/3, nhà báo Trần Ngọc Châu (Giám đốc kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính FBNC) thoáng hoài niệm về khu vực phố Tây thời điểm trước 1975 khi nó chưa hình thành. “Đây là nơi tập trung nhiều tòa soạn báo của Sài Gòn. Mà hễ tòa soạn thì gắn với quán cà phê. Quán cà phê nổi tiếng tại đó là quán Gió với sự lui tới của các nghệ sĩ như Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An… hoặc thỉnh thoảng có Lê Uyên Phương từ Đà Lạt xuống.

Pho Tay Sai Gon: Diem den tu nhien, dung ap dat!
Du khách thích thú khi ngồi uống bia trên vỉa hè phố Tây.

Có người đặt vấn đề có mối liên hệ nào đó giữa nơi tập trung nhiều thành phần kinh doanh có vốn ngoại ngữ và quan hệ rộng của ngày trước để hình thành nên phố Tây sau này. Nhưng thực ra phố Tây là tổng hòa của các lợi thế như nằm ở trung tâm thành phố, gần công viên lớn và khách sạn 5 sao đầu tiên là New World. Những người kinh doanh khách sạn mini, những hộ dân bán cà phê rồi dần dần tổ chức tour… đã góp phần hình thành và phát triển phố Tây”, ông Châu nhớ lại.

Biến phố Tây thành phố đi bộ, theo ông Châu, là một vấn đề quản lý đô thị mà chính quyền địa phương phải nghiên cứu kỹ lưỡng. “Đừng cứ làm quá theo phong trào dẹp lòng lề đường. Thực sự tại TP.HCM đã làm rất nhiều nhưng không thành công. Chính vì nguyên tắc của một sự thay đổi về quản lý đô thị, thay đổi thói quen của người dân thì chính quyền phải chứng minh mình đang tạo ra một cái gì đó thuận lợi hơn cái trước”, ông Châu nói.

Về mặt kinh tế, theo ông Châu phố Tây Sài Gòn đã rất thu hút, rất thành công, nó trở thành mô hình cho các thành phố du lịch khác trong nước. Ví dụ khi ra Sapa, cũng có khu Tây ba lô lấy mô hình từ TP.HCM. Những “cư dân” của khu Tây ba lô Sài Gòn cũng đã chiếm ít nhất 50% khách ở các khu Tây ba lô các tỉnh thành trong cả nước. Do đó, một chính sách để phố Tây tiếp tục lan tỏa là cần thiết cho một trung tâm như Sài Gòn.

Theo tôi, cho dù làm bất cứ cái gì, điều đầu tiên là phải tôn trọng người dân bằng cách phải hỏi ý kiến họ. Không phải cứ nói đến phố đi bộ là ngày một, ngày hai ra một cái thông báo cấm mà được, nó sẽ không hiệu quả: “Từ phường, quận cho đến thành phố phải có tâm ý hãy để cho người dân phát triển kinh tế, người ta sẽ lại đóng thuế nuôi mình. Thế nhưng, người làm quản lý nhà nước của ta không thể suy nghĩ một cách tự nhiên như vậy được. Người quản lý thực sự không có quyền gì hết mà chỉ là thực thi công việc quản trị hành chính mà thôi. Tôi nghĩ phải thay đổi suy nghĩ này. Phố Tây hay bất cứ mô hình kinh tế, xã hội nào cũng cần suy nghĩ này”, ông Châu kết luận. 

Cho kinh doanh trên vỉa hè phố Tây

Nhằm chấn chỉnh hoạt động du lịch tại phố Tây theo hướng chuyên nghiệp, ngày 21/6, Sở Du lịch và UBND Q.1 (TP.HCM) đã ký kế hoạch liên tịch tổ chức phố đi bộ tại tuyến đường Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) với ba nhóm giải pháp:

Nhóm thứ nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của cộng đồng địa phương về du lịch cộng đồng với bộ quy tắc ứng xử mang tên “Four Free - Four No”, nhưng đơn vị quản lý chưa cho biết cụ thể bộ ứng xử “4 quẩy - 4 không” này là gì.

Nhóm thứ hai nhằm bảo đảm an ninh và chỉnh trang đô thị. Trong đó đáng chú ý là việc rà soát, nâng cấp camera an ninh và lắp đặt hệ thống wifi truy cập internet miễn phí trên toàn tuyến phố Bùi Viện.

Nhóm thứ ba chính là thành lập phố đi bộ đêm tại đây trước ngày 15/7 tới. Cụ thể, cấm tất cả xe máy, ô tô, xe tự chế, xe hai bánh bán hàng rong di chuyển vào đường Bùi Viện vào đêm thứ bảy và chủ nhật (bắt đầu từ 19g đến 2g sáng hôm sau). Tuy nhiên, các cơ sở được sử dụng vỉa hè để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Nhóm giải pháp này còn đề ra việc tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật cuối tuần, lắp đặt hệ thống bản đồ du lịch bằng màn hình cảm ứng và chủ trương phố đi bộ Bùi Viện “nói không” với túi ni lông.

Như chúng tôi đã từng thông tin, năm 2005, TP.HCM đã có đề án quy hoạch phố Tây trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn. Đề án được giao cho Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch khi đó chủ trì. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết, sắp tới sẽ có họp báo và thông tin cụ thể hơn về phố đi bộ tại phố Tây, còn đề án cách đây 12 năm thì ông không… nắm.

Trong khi đó, ông Lã Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố - xác nhận, kế hoạch phố đi bộ nêu trên chính là đang thực hiện theo đề án năm 2005. “Vào năm 2005, đã có khảo sát và nghiên cứu, nhưng sau đó cứ dập dờn hoài… Mãi cho đến năm 2010 mới bắt đầu quay trở lại. Chúng tôi cùng với Đại học Kinh tế TP.HCM chuẩn bị tổ chức làm. Khoảng năm 2014 bắt đầu bảo vệ đề án lần đầu tiên nhưng chưa đạt, phải làm lại đến năm 2015 mới xong, cũng chưa triển khai được. Bây giờ mới triển khai”, ông Khánh nói.

Giải thích thêm lý do việc quy hoạch phố Tây kéo dài, theo ông Khánh, vì cách đây hai năm sở mới thành lập, chưa có người để triển khai. Về phía Q.1 khi đó cũng chưa thể xúc tiến vì chuẩn bị thay đổi lãnh đạo (?).

Nên để người dân tự do lựa chọn xu hướng phát triển nơi sống của họ

Vào năm 2013, đồ án liên quan đến phố Tây Sài Gòn mang tên “Khu Vinh Bùi Viện” (hay còn gọi là Smiling Stop) của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Phước Vinh, Hoàng Hữu Gia Hân và Phan Thị Khánh An đã giành giải thưởng duy nhất tại cuộc thi tài năng do Quỹ CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức.

Trao đổi với chúng tôi, thành viên Hoàng Hữu Gia Hân cho biết, nhóm đã chọn khu vực phố Tây tham gia cuộc thi vì muốn sử dụng giải pháp không gian kiến trúc để giải quyết các vấn đề về quy hoạch đô thị. “Trong quá trình phát triển, khu vực này được hình thành bởi sự đan xen văn hóa độc đáo cũng như trở thành một khu vực sử dụng đất hỗn hợp (mix-used). Khu vực là lựa chọn dừng chân của những khách du lịch với mức giá hợp lý và đa dạng chất lượng dịch vụ chấp nhận được về khách sạn, điểm vui chơi, ẩm thực… 

Khu phố Tây đem đến tâm lý thoải mái và bình dân. Do đó, các tiếp cận can thiệp của nhóm tại khu vực này nhằm mong muốn thông qua các giải pháp về không gian có thể thúc đẩy chất lượng về hoạt động kinh tế cũng như hoạt động xã hội, môi trường tại khu vực”, KTS Gia Hân nói.

Cụ thể, nhóm tạo thêm một tuyến khu vực đi bộ trên cao có kết cấu đơn giản và bê tông nhẹ nhằm tạo thêm “mặt tiền” cho ngôi nhà và tận dụng các khu vực không gian trống phía trên để tạo ra các khu vực công cộng được “thuê” từ nhà người dân. Vì vậy, người dân có thể cải thiện sinh kế của mình cũng như tham gia vào việc tự xây dựng nơi ở của chính họ.

“Theo tôi, phố Tây Bùi Viện nên được phát triển như là chính nó, thì sẽ phù hợp và bền vững hơn. Nó đã có sẵn các yếu tố để trở thành một khu vực dành cho người đi bộ như nơi chốn được đa dạng sự lựa chọn, các trạm trung chuyển, ngay khu vực trung tâm, có bến xe, bãi đậu xe lớn, các dịch vụ đa dạng, phức hợp, khoảng cách các ngã tư, các hẻm nhỏ… Điều cần hiện giờ là một không gian công cộng chất lượng hơn, khả năng liên kết cuộc sống người dân khu vực được cải thiện hơn”, KTS Hoàng Hữu Gia Hân chia sẻ.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI