Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: 'Trận này 'đánh' cho bằng được các tổ chức vi phạm trật tự xây dựng'

12/12/2019 - 13:24

PNO - Mặc dù các đơn vị cho rằng không có quy định nào cho phép cắt điện, nước các công trình vi phạm trật tự xây dựng, ông Võ Văn Hoan vẫn quyết liệt: “Thành phố sẽ làm mà không cần chờ ý kiến của cấp trên”.

Sáng 12/12, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết thực hiện chỉ thị số 23 - CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. 

Pho chu tich UBND TP.HCM Vo Van Hoan: 'Tran nay 'danh' cho bang duoc cac to chuc vi pham trat tu xay dung'
Hội nghị diễn ra sáng 12/12

Liên quan đến biện pháp ngăn chặn các công trình vi phạm xây dựng bằng hình thức cắt điện nước, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng không có quy định nào cho phép điều này.

“Ngay cả khi báo cáo, xin ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư thì cũng không được Bộ cho phép cắt điện tại công trình vi phạm trật tự xây dựng” - đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết.

Mặc dù vậy, ngay sau ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vẫn quyết liệt, cho biết UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Bộ Công thương như một biện pháp lập lại trật tự xây dựng, áp dụng tại địa bàn TP.HCM.

Pho chu tich UBND TP.HCM Vo Van Hoan: 'Tran nay 'danh' cho bang duoc cac to chuc vi pham trat tu xay dung'
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan bày tỏ sự quyết tâm lập lại trật tự xây dựng

Hơn thế, ông Hoan còn khẳng định: “Thành phố sẽ làm mà không cần chờ ý kiến của Bộ Công thương. Một tổ chức triển khai dự án, khi đã phát hiện vi phạm thì nhất định, dứt khoát phải xử lý. Phải đánh cho được tổ chức làm sai".

Mặc dù vậy, theo ông Hoan, việc xử lý bằng hình thức cắt điện nước này có sự phân định đối tượng áp dụng, không “cào bằng”.

Cụ thể, những đầu nậu, nhà đầu tư các dự án nếu có sai phạm sẽ nằm trong diện bị hình thức  xử lý này. Còn người dân sửa chữa nhà cửa, nếu có vi phạm thì không phải áp dụng.

Nếu người dân cho câu nhờ điện, nước - tức có hành vi tiếp tay cho công trình vi phạm trật tự xây dựng - cũng sẽ bị xử lý.

"Ai tiếp tay, liên quan đến hành vi sai trái đều phải xử lý nghiêm" - ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chỉ ra một thực tế cho sự quyết tâm này, đó là những đầu nậu, chủ đầu tư các dự án vi phạm trật tự xây dựng chính là những đối tượng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của xã hội. Từ hành vi sai trái của mình, họ tạo tâm lý lây lan và thậm chí, tạo điểm nóng về an ninh cho xã hội, ngăn chặn sự phát triển của xã hội.

“Vừa qua có một số nhà đầu tư không tuân thủ pháp luật mà còn bất chấp, sống trên pháp luật. Nhà nước đã cưỡng chế công trình sai phạm, áp dụng mọi biện pháp mà họ vẫn tiếp tục gian dối. Sống ở một đất nước thượng tôn pháp luật mà các đối tượng lại bất chấp pháp luật. Nếu không lập lại trật tự này thì kết quả sẽ khiến cho người dân bức xúc, dẫn đến điểm nóng trong người dân; lấy bức xúc của dân đối đầu với chính quyền” - ông Hoan bức xúc.

Song song, ông Hoan còn khẳng định vai trò, sự cần thiết của biện pháp phải cấm xuất cảnh những đối tượng vi phạm trật tự xây dựng.

Pho chu tich UBND TP.HCM Vo Van Hoan: 'Tran nay 'danh' cho bang duoc cac to chuc vi pham trat tu xay dung'
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phê bình các quận, huyện có số vụ vi phạm trật tự xây dựng cao

“Trận này phải quyết liệt như thế chứ không thể mơ hồ được” - ông Hoan nói, đồng thời cho biết tới đây sẽ tước cả giấy phép hành nghề của các giám sát viên, tư vấn viên... liên quan đến sai phạm trong trật tự xây dựng.

Về kết quả triển khai chỉ thị 23, theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2019 toàn thành phố xảy ra 1.550 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; sau 4 tháng triển khai Chỉ thị 23 chỉ còn 804 trường hợp vi phạm. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày thì sau khi thực hiện chỉ thị đã giảm 3,1 vụ/ngày.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều quận, huyện có số lượng vụ vi phạm trật tự xây dựng tăng cao, dẫn đầu là Q.Thủ Đức với 144 vụ, Q.9 với 111 vụ, Q.12 là 100 vụ, Q.2 có 59 vụ...  

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, những quận huyện có tỷ lệ tăng này cần rà soát và thảo luận sâu để đưa các biện pháp triệt ngăn chặn, hạn chế cũng như xử lý được các vụ vi phạm trật tự xây dựng. Sao cho đến năm 2020 không còn quận huyện nào gia tăng vi phạm trật tự xây dựng.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI