Phạt xe máy không sang tên đổi chủ: Người dân nên ủng hộ và chấp hành chủ trương này!

18/11/2016 - 13:16

PNO - Phạt người đi xe máy không sang tên đổi chủ là cần thiết vừa đảm bảo lợi ích của người dân, vừa tạo thuận lợi cho CSGT khi xử lý vi phạm.

Liên quan đến thông tin bắt đầu từ ngày 1/1/2017 CSGT sẽ phạt người đi xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy không tiến hành sang tên đổi chủ, ngày 17/11, trao đổi với PV, Đại tá Ngô Thành Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng đây là một việc làm cần thiết và các cấp, ngành cũng như người dân cần nghiêm túc thực hiện.

"Việc làm giấy tờ cũng rất đơn giản, không tốn kém. Khi đó người dân được sở hữu tài sản, có quyền định đoạt, cho mượn với phương tiện đó. Ngược lại khi họ vi phạm thì CSGT cũng dễ dàng xử lý.

Hiện nay, nhiều trường hợp lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xác định chủ xe. Trước kia họ đã bán qua mấy chủ rồi. Vì vậy khi có vi phạm mà camera hành trình quay được thì rất khó để xử lý. Làm sao xử lý được chủ cũ?", Đại tá Thật nói.

Cũng theo ông Thật, việc sang tên, đổi chủ là quyền và trách nhiệm của người sở hữu phương tiện, việc này nếu được thực hiện một cách nghiêm túc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân lẫn lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.

Đại tá Ngô Thành Thật cho rằng để làm tốt chủ trương này, cần lưu ý các ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định.

"Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền còn vấn đề pháp luật quy định thì mọi người phải chấp hành đúng. Mức phạt 100.000-200.000 đối với cá nhân và từ 200.000-400.000 đối với tổ chức tôi nghĩ như vậy là hợp lý. Chế tài nhằm nhắc nhở người dân có ý thức tốt hơn", Đại tá Thật khẳng định.

Phat xe may khong sang ten doi chu: Nguoi dan nen ung ho va chap hanh chu truong nay!
(Ảnh: Internet)

Đồng quan điểm, một vị cán bộ CSGT Hà Nội cũng cho rằng việc xử phạt xe máy không sang tên đổi chủ vào thời điểm này là phù hợp. Dù đề xuất này đã được đưa ra từ lâu nhưng còn có nhiều ý kiến tranh luận nên thời gian qua CSGT chưa tiến hành xử lý.

Ông cho rằng người dân nên ủng hộ và chấp hành chủ trương này: "Việc sang tên đổi chủ rất tốt vì không may trường hợp xe mất trộm, mất cắp, vi phạm luật giao thông thì dựa vào đó lực lượng chức năng sẽ dễ dàng cho công tác đấu tranh chống tội phạm cũng như xử phạt người vi phạm giao thông.

Gần đây, chúng tôi vừa giải quyết trường hợp 1 cô gái bị ốm nên vứt xe ngoài đường. May mắn là không có ai kịp lấy nên CSGT đã mang về đội. Vì đây là xe chính chủ nên chúng tôi đã nhanh chóng thông báo cho chủ phương tiện lên nhận", vị CSGT lấy ví dụ.

Vị cán bộ CSGT Hà Nội cho rằng người dân cần hiểu đúng và đầy đủ quy định được nêu ra. Với những trường hợp người thân trong gia đình mượn xe máy của nhau để đi lại thì sẽ không bị xử phạt và trong quy định cũng không yêu cầu xử lý hành vi này.

"Việc người thân đi xe của nhau thì chuyện đó đơn giản, có gì phức tạp đâu. Nếu anh chứng minh được xe đó là của người nhà mình thì không ảnh hưởng gì. Tôi khẳng định rằng trường hợp xe không đúng tên, đúng chủ nhưng chứng minh được là xe mượn thì không vấn đề gì cả. CSGT sẽ xử hợp tình, hợp lý", vị cán bộ nhấn mạnh.

Thanh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI