Kiểm tra tài xế sử dụng ma túy: Hiệu quả tới đâu?

03/04/2014 - 06:49

PNO - PN - Ngày 1/4, Sở Giao thông vận tải TP.HCM bắt đầu tiếp nhận báo cáo của các doanh nghiệp vận tải về việc khám sức khỏe định kỳ cho tài xế nhằm kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng tài xế không đảm bảo sức khỏe và loại khỏi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo Sở GTVT, trong đợt này sẽ có khoảng 60.000 tài xế xe buýt, taxi, xe tải, xe khách tham gia kiểm tra sức khỏe. Bên cạnh việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, tất cả tài xế đều bị kiểm tra việc sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích gây nghiện khác. Đối với các doanh nghiệp (DN) có tài xế đã được khám sức khỏe theo định kỳ, ngày khám từ 1/4 trở về sau, DN tổng hợp báo cáo đến Sở GTVT từ nay đến trước ngày 15/4.

DN chưa tổ chức khám sức khỏe cho tài xế thì tổ chức khám và gửi báo cáo cho Sở trước 30/4. Sở GTVT sẽ cung cấp danh sách DN vận tải, tài xế cần kiểm tra sức khỏe, chất ma túy đến Sở Y tế. Qua đó, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn tiếp nhận và bố trí riêng việc kiểm tra sức khỏe và chất ma túy cho tài xế. Song song với hình thức kiểm tra này, Sở Y tế và Công an TP còn cử người tham gia với Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra đột xuất sức khỏe và xét nghiệm chất ma túy của tài xế tại các bến xe, bến cảng, trên đường… Kết quả kiểm tra sẽ được gửi về Sở GTVT để xử lý đối với DN, tài xế vi phạm.

Nhiều DN băn khoăn một số biện pháp kiểm tra và xử lý hiện nay có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN và tài xế. Ông Trần Văn Sinh - Giám đốc Công ty (CT) cổ phần vận tải Bình Tâm lo lắng: “CT chúng tôi có 30 tài xế. Trước khi tuyển dụng, chúng tôi đều yêu cầu người tham gia tuyển dụng phải cung cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Trong quá trình làm việc, khi phát hiện tài xế không đủ sức khỏe hoặc có sử dụng chất ma túy là chúng tôi cắt hợp đồng ngay.

Tuy nhiên, việc tài xế lén lút sử dụng chất ma túy khi lái xe, CT không thể quản lý được. Theo quy định, Sở GTVT sẽ tạm thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu vì DN không thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, chất ma túy đội ngũ tài xế là oan cho DN quá”. Tương tự, theo lãnh đạo một DN taxi có gần 1.000 tài xế trên địa bàn TP.HCM, việc kiểm tra sức khỏe và chất ma túy của tài xế trên đường đi cần xem lại vì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của tài xế và hoạt động của DN.

Kiem tra tai xe su dung ma tuy: Hieu qua toi dau?

Các tài xế chích ma túy trong một rừng tràm ở Q.Thủ Đức

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện những tài xế không đảm bảo sức khỏe vẫn tham gia lái xe không phải chuyện khó, nhưng để lần ra những tài xế sử dụng chất ma túy trong đội ngũ hàng chục nghìn tài xế hiện nay chẳng khác nào “mò kim đáy biển”. Bác sĩ Đinh Nguyễn Thiên Kim - Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM cho biết: Thực tế, có rất nhiều cách để tài xế “lách” kết quả dương tính với ma túy hay các chất gây nghiện khác như: uống nhiều nước để đào thải chất gây nghiện, ngưng sử dụng chất gây nghiện vài ngày… Hoặc, tài xế có thể uống một viên thuốc chứa hoạt chất paracetamol, sau tám giờ thuốc sẽ được đào thải ra ngoài cùng các chất ma túy. Riêng các chất kích thích khác như: xăng, keo chó… thì tính bay hơi, đào thải khỏi cơ thể càng nhanh hơn.

Nói về các biện pháp xét nghiệm, theo bác sĩ Kim, nếu xét nghiệm chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra nước tiểu bằng phương pháp miễn dịch (xét nghiệm nhanh từ 30 - 60 phút), tỷ lệ sai sót rất cao. Nhiều trường hợp nhiễm chéo, cho kết quả không đúng hoặc có người uống thuốc tây trị bệnh có những hoạt chất làm từ chất gây nghiện lại cho kết quả dương tính với chất gây nghiện và ngược lại. Do đó, tốt nhất là kiểm tra bằng phương pháp sắc ký với mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu. Thời gian có kết quả nhanh nhất từ bốn đến sáu giờ. Tuy nhiên, hiện chỉ có vài nơi (Trung tâm Pháp y TP.HCM và Phân viện giám định pháp y tâm thần phía Nam) thực hiện được phương pháp này do thiếu hóa chất chuẩn. Thế nhưng, mỗi ngày Trung tâm Pháp y TP.HCM chỉ thực hiện được khoảng 30 mẫu, giá mỗi mẫu xét nghiệm là 1,5 triệu đồng.

Bác sĩ Phan Văn Hiếu - Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM cho biết thêm: “Theo tôi, không nên để tài xế chủ động đi kiểm tra sức khỏe hoặc để các DN vận tải báo cáo kết quả xét nghiệm cho tài xế mà cần phải có đơn vị kiểm định độc lập. Việc xét nghiệm khi tài xế đang lái xe trên đường, bến cảng, nhà ga… cần phải thực hiện đột xuất, tránh tài xế “chơi chiêu”. Ngay cả khi xét nghiệm bằng phương pháp sắc ký mà tài xế biết trước thì họ cũng lách được kết quả xét nghiệm. Thậm chí, khi tài xế nghiện ma túy gây ra tai nạn nhưng không lấy mẫu xét nghiệm ngay lúc đó thì vài ngày sau cũng khó xác định được tài xế này có sử dụng ma túy hay không”.

Theo bác sĩ Hiếu, hiện nay, các nước phát triển muốn xác định tài xế có sử dụng chất gây nghiện hay không thì họ xét nghiệm bằng cách lấy mẫu tóc. Vì chất gây nghiện đào thải và để lại dấu vết trên tóc đến ba tháng. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam… chưa ứng dụng được phương pháp này.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết, việc tạm thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải chỉ thực hiện đối với DN tuyển dụng tài xế mà không tổ chức kiểm tra sức khỏe, chất ma túy cho tài xế. Trong thời gian bị tạm rút giấy phép, nếu DN tổ chức kiểm tra sức khỏe, chất ma túy đối với đội ngũ tài xế sẽ được cấp phép hoạt động lại. Việc này nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của DN trong việc tuyển dụng tài xế.

 Phan Trí - Thanh Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI