Thôi miên lừa tiền: Người gạt hay gạt người?

14/03/2013 - 11:45

PNO - PN - Liên tục thời gian qua, nhiều “nạn nhân” từ Bắc chí Nam đã cho rằng mình bị người đối diện thôi miên để “lột” tiền, cướp tài sản. Những vụ việc “thôi miên lừa tiền” này đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận...

“Phù thủy thôi miên”

Mới đây, tại TP.HCM đã xảy ra một vụ lừa tiền mà nạn nhân khẳng định chắc nịch là mình đã bị nhóm bốn đối tượng (hai nam, hai nữ) “thôi miên” để lấy toàn bộ tiền mặt và trang sức trên người. Đó là trường hợp của bà N.T.V. (ngụ huyện Bình Chánh). Bà V. cho biết, giữa tháng Một vừa qua, trên đường từ chợ Đệm (huyện Bình Chánh) về nhà, đến đường Nguyễn Cửu Phú (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), bà bất ngờ gặp bốn người đi trên hai xe gắn máy.

“Họ bám theo tôi, hỏi có biết mối nào bỏ bột ngọt để hợp tác làm ăn. Tôi đã cảnh giác, không trả lời mà cứ nhấn ga đi thẳng. Bất ngờ, bốn người này chạy vượt lên, chặn đầu xe làm tôi phải dừng lại”, bà V. kể. Bà cho biết thêm: “Giữa trời trưa nóng nực, tôi rất bực mình nên đã bỏ khẩu trang ra, tính phản ứng lại nhưng họ nhìn chằm chặp vào mắt tôi, lúc này, tôi cảm thấy người đờ đẫn, chân tay bủn rủn, không còn biết chuyện gì nữa”. Theo bà V., chỉ khi nhóm người này bỏ đi, bà mới phát hiện toàn bộ tiền mặt hơn một triệu đồng cộng với nữ trang trên người khoảng vài triệu đã mất.

Những trường hợp bị “thôi miên” như bà V. trình bày không phải hiếm. Trên nhiều diễn đàn chia sẻ về hiện tượng “thôi miên”, nhiều thành viên tự nhận mình cũng từng là nạn nhân của các “phù thủy thôi miên”.

Một dạng lừa đảo, trộm cắp tiền khác cũng được nhiều nạn nhân cho rằng mình bị “thôi miên”. Đó là trường hợp một số người ngoại quốc, dùng những tờ tiền có mệnh giá lớn, sau khi mua hàng hóa hoặc đổi tiền xong, nhiều người bán hàng, người đổi tiền bỗng dưng bị mất một số tiền lên đến vài triệu đồng. Khi trình bày với công an, các nạn nhân đều cho rằng lúc đổi tiền, trả tiền mua hàng thừa, những người ngoại quốc tỏ thái độ, thể hiện cử chỉ không đồng ý (không nói tiếng Việt) với mệnh giá tiền được trả lại. Sau một lúc dùng cử chỉ bằng tay, những đối tượng nước ngoài đã lấy được nhiều tiền trong tay hoặc trong nơi để tiền mà nạn nhân không hay biết, chỉ khi các đối tượng lừa đảo bỏ đi nạn nhân mới phát hiện.

Thoi mien lua tien: Nguoi gat hay gat nguoi?

Những đối tượng nước ngoài vào Việt Nam để lừa đảo

Nạn nhân “bịa”?

Đối với những nghi án “thôi miên” lấy tiền, tài sản, dư luận chỉ biết đến do căn cứ vào thông tin duy nhất từ phía nạn nhân trình bày, thực hư thế nào chỉ người trong cuộc mới rõ. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều trường hợp “thôi miên” đã được cơ quan công an xác minh rõ rằng đó chỉ là thông tin hoang báo của nạn nhân. Cuối tháng Hai vừa qua, Công an Q.Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính 750.000đ đối với V.H.Đ. (33 tuổi) về hành vi hoang báo việc bị thôi miên, mất tiền tỷ. Tại cơ quan điều tra, Đ. trình bày, do muốn công an “nhiệt tình” hơn trong việc khám phá vụ trộm (hai điện thoại di động) nên bịa ra chuyện bị một người đàn bà “xõa tóc thôi miên”, lấy đi hơn một tỷ đồng. Hay một trường hợp khác ở Quảng Nam, nạn nhân cũng khai báo bị mất vàng do thôi miên, nhưng khi điều tra, công an xác định do nạn nhân hoang báo.

Theo quan điểm cá nhân của trung tá Nguyễn Thanh Huyền (Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm lừa đảo, trộm cắp - Phòng Hình sự, Công an TP.HCM), hiện tượng “thôi miên” để lấy tài sản như một số nạn nhân trình báo gần như là không thể xảy ra. Giải thích theo góc độ tâm lý của người trình báo về tội phạm, trung tá Huyền nhìn nhận, nhiều khả năng những người này vì một lý do nào đó không muốn khai thật chuyện bị mất tiền, nên đưa yếu tố “thôi miên” vào để công an khó tìm ra thủ phạm hoặc xác định nguyên nhân mất tài sản.

Dưới góc độ khoa học, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên, khẳng định: hầu hết chuyện bị lừa tiền bằng thuật thôi miên chỉ là chuyện “bịa”. Theo ông Quân, nhiều người hiểu sai về bản chất của thôi miên, cơ chế của thôi miên là đối tượng được thôi miên phải đồng ý thì thuật này mới diễn ra. Nếu bị lừa thật, thì việc lừa ấy xuất phát từ ảo thuật, nhanh tay, chứ hoàn toàn không phải do thôi miên. Thông thường, mắt người chỉ có thể nhìn tối đa 30 hình/giây. Những người nắm được thuật ảo thuật sẽ biết cách làm những động tác gạt tiền, đổi tiền nhanh hơn tốc độ này, khiến mắt người không thể phân tích được. Do đó, người bị lừa sẽ không bao giờ lý giải được vì sao tiền bạc có thể mất ngay trước mắt mình.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, thôi miên là một lĩnh vực khoa học đã được khẳng định trong y học, nhằm đưa người bệnh vào trạng thái giấc ngủ thôi miên để thuận tiện cho việc điều trị. Người bị thôi miên sẽ mất một phần ý thức và làm theo người điều khiển mà trong trạng thái bình thường họ không làm được. Ví dụ, những bệnh nhân bị dị ứng với thuốc gây tê trong nhổ răng sẽ không cần chích thuốc mà chỉ cần được thực hiện thôi miên để nhổ răng. Tuy nhiên, người thực hiện thôi miên phải tốn rất nhiều thời gian “trò chuyện”.

Thoi mien lua tien: Nguoi gat hay gat nguoi?

Cảnh giác với thủ đoạn gây mê

Giải thích cho trường hợp “thôi miên” lừa tiền, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải có cùng quan điểm, ngoài việc đối tượng lừa tiền dùng ảo thuật (nhanh tay) hoặc nạn nhân hoang báo, còn có thể xảy ra trường hợp nạn nhân bị dùng thuốc mê mà không biết. Đối với trường hợp này, người thực sự bị đánh thuốc mê không có khả năng tự lấy tiền đưa cho người đối diện, đồng thời sau khi tỉnh dậy, không thể nhớ được gì. Theo cơ chế của não người, hầu hết những gì xảy ra 10 phút trước khi ngất, não hầu như không nhớ được. Ít nhất phải trải qua thời gian dài sau đó, ký ức mới có thể hồi phục.

Theo quan điểm của bác sĩ Trần Duy Tâm (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) các vụ việc được cho là “thôi miên” là do người thực hiện dùng những loại dược phẩm, hóa chất dạng bay hơi để gây mê như: khí nitric oxit, khí ête... Nếu chỉ dùng thuật thôi miên, tội phạm rất khó thực hiện việc trộm cắp tài sản, bởi hoàn cảnh thôi miên phải được thực hiện nơi yên tĩnh mới “bắt được tần sóng của não bộ". Trước đây, người ta thường dùng biện pháp dân gian như: đem theo tỏi để tránh bị thôi miên nhưng biện pháp này khó mang lại hiệu quả. Những loại củ có mùi hăng như tỏi dễ tương tác lại một số khí hoặc dễ đánh thức tâm trí của người bệnh đang lơ mơ, nhưng tỏi phải được giã nát và đeo trước cổ, không cất trong túi áo. Tốt nhất, khi thấy người lạ đến bắt chuyện và tâm trạng bắt đầu lơ mơ, cần la hét lên thật to.

Nhóm PV CT-XH

Mới đây, Công an tỉnh Kiên Giang đã gửi công văn đến Bộ Công an và công an một số tỉnh thành cảnh báo về thủ đoạn dùng thuốc mê chiếm đoạt tài sản. Theo Phòng Hình sự, Công an tỉnh Kiên Giang, ngày 17/12/2012, lợi dụng chị N.T.T.T. (43 tuổi, ngụ Châu Thành, Kiên Giang) ở nhà một mình, hai đối tượng đi xe ô tô đậu trước nhà chị để tiếp thị mỹ phẩm. Một trong hai đối tượng lần lượt đưa chai lăn nách, dầu gội cho chị T. ngửi để thử mùi thơm và sử dụng các ngón tay búng về phía chị T. Chị T. trình bày, chị có cảm giác như những hạt nước nhỏ rơi vào mặt, ngực, sau đó bị mê man bất tỉnh. Các đối tượng lấy đi nhiều tài sản có giá trị như vòng, lắc, dây chuyền, nhẫn vàng và một két sắt có 4.500 đô la Úc, một số giấy tờ nhà đất.

Qua điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang xác định, hai đối tượng này có nước da ngăm đen, cổ tay của hai đối tượng đều có hình xăm nhưng không rõ hình thù. Công an tỉnh Kiên Giang thông báo phương thức, thủ đoạn, đặc điểm của các đối tượng này đến công an các tỉnh thành để người dân chủ động phòng ngừa, cảnh giác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI