Nhiều trẻ bệnh tâm thần vì… thức quá khuya

06/11/2014 - 07:20

PNO - PN - Dù được cảnh báo: trẻ thiếu ngủ sẽ có những hành vi tiêu cực, nhiều khả năng mất kiểm soát về mặt cảm xúc, dễ tức giận và có hành động bốc đồng… nhưng chương trình cùng lịch học dày đặc hiện nay đã khiến từ nhà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhieu tre benh tam than vi… thuc qua khuya

Ngủ gục sau lưng mẹ trên đường đến trường không còn là hình ảnh xa lạ - Ảnh: Phùng Huy

Vào học hay tan học đều… ngủ gật!

Anh Nguyễn Văn Hoàn - một PH có con học lớp 2 tại trường tiểu học Phước Long (Q.9, TP.HCM) kể: “Khổ nhất là mỗi buổi sáng phải đánh thức cu cậu dậy đi học. 6g mới gọi, nhưng mười ngày như một, cu cậu cứ nói “con muốn ngủ nữa” rồi ngủ tiếp. Thương con, tôi nấn ná để con ngủ thêm 30 phút, nhưng như thế thì phải chạy quáng quàng mới kịp giờ học. Không ít lần cu cậu đã mếu máo vì bị buộc phải dậy”.

Vào tiết chưa được 20 phút thì gương mặt Gia Ph., học sinh (HS) lớp 3 một trường tiểu học tại Q.Phú Nhuận, bắt đầu đờ đẫn. Bị cô giáo nhắc nhở, Ph. cố nhướn mắt nhìn lên nhưng đầu thì gục, lắc, không thể kiểm soát. Biết có đánh thức dậy thì học trò cũng không thể tiếp thu bài nên cô giáo để học trò… ngủ luôn trên bàn.

Chuyện học trò thiếu ngủ là khá phổ biến và dễ thấy ở bậc tiểu học và THCS. Hình ảnh HS ngủ gục trong lớp, ngủ gục sau lưng mẹ trên đường đến trường hay trên đường về nhà đã không còn xa lạ. Chị Thùy Hương - một PH có con đang học tiểu học tại Q.Bình Thạnh, cảm nhận: “Đúng là con tui đang thiếu ngủ. Chiều nào rước con về tui cũng phải ràng cháu chặt vào mình vì sợ con ngủ gật rớt xuống xe”.

Theo Tổ chức Nationnal Sleep Foundation, trẻ em độ tuổi từ 5-12 cần phải ngủ 10-11 tiếng mỗi ngày. Nếu theo chuẩn này thì ngoài bảy tiếng giấc tối trẻ phải ngủ thêm ba-bốn tiếng ban ngày, và chắc chắn rất đông trẻ em hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đang thiếu ngủ trầm trọng. Các giáo viên (GV) bậc tiểu học ghi nhận có khá nhiều HS vào lớp trong trạng thái lờ đờ, thiếu tập trung, không tham gia phát biểu xây dựng bài học, dễ “nổi khùng” với bạn, viết hoặc vẽ nguệch ngoạc vào tập vở, thậm chí vào bài kiểm tra.

Nhieu tre benh tam than vi… thuc qua khuya

Cảnh học sinh đi học ngủ gục dọc đường là chuyện khá phổ biến - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Các bé học bài đến 23 giờ là bình thường

Về thực trạng thiếu ngủ ở trẻ, phía nhà trường đổ lỗi cho gia đình là đã ép trẻ đi học thêm quá mức và không quan tâm đến giấc ngủ của trẻ. Phía gia đình lại đổ lỗi vì áp lực học hành quá lớn, bài vở nhiều, khiến trẻ phải thức khuya. Nhưng, nguyên do có từ hai phía. Ngành giáo dục không ít lần chỉ đạo GV không được cho bài về nhà khi HS đã học hai buổi ở trường, nhưng GV vẫn cho.

Vì vậy, sau giờ học chính khóa, đa số HS phải đến lớp học thêm của GV cho đến 19g mới thực sự tan học. Về nhà, các em vẫn phải tiếp tục làm thêm một số việc. Những HS không đến lớp học thêm thì về nhà phải tự học bài, làm bài, soạn bài. Rất nhiều PH cho biết, trẻ phải vật lộn với bài vở đến 23-24 giờ là bình thường. Nếu không thì khó lòng đáp ứng được yêu cầu của kiểm tra - đánh giá hiện nay.

Cũng từ chỗ không yên tâm với giáo dục mà PH thường có xu hướng gửi con đến những ngôi trường ưng ý hơn, dù xa nhà. Nhà ở khu vực trung tâm Q.2, nhưng chị Tú Cẩm lại chọn cho con vào học tại trường tiểu học Hòa Bình ở khu trung tâm Q.1, cách nhà gần 10 cây số. Bởi thế, mỗi buổi sáng, chị phải đánh thức con dậy từ 5g, đánh răng rửa mặt, cho con ăn sáng rồi quáng quàng đưa con đến trường. Sợ con buồn ngủ, té xuống đường, nên chị phải dùng hai dây đai giữ chặt con vào người mình.

Cô Thu Trang - GV tiểu học tại Q.Phú Nhuận phân tích, do quy định 7g vào học, 6g45 HS phải có mặt (vì 6g50 là tính trễ), nên nhiều HS ở xa phải thức dậy từ 5g sáng. Khi đường đi học xa thì đường về cũng xa. Nếu phải học thêm ở nhà cô vào buổi tối hoặc gặp lúc trời mưa gió, đường kẹt xe, ngập lụt… thì 20 - 21g trẻ mới về đến nhà. Nếu lạc quan mà cho rằng, trẻ sẽ được đi ngủ vào 22g30 và thức dậy vào 5g30 hôm sau, thì trẻ ngủ được bảy tiếng.

Tất nhiên, người Việt còn có thói quen ngủ trưa, nhưng theo nhiều thầy cô giáo, giấc ngủ trưa của HS hiện cũng không hiệu quả do không đủ điều kiện cơ sở vật chất.

Tại một trường tiểu học “điểm” ở Q.1, hơn 11g, HS bắt đầu vào giờ ngủ trưa thì cũng là lúc nhóm HS tập luyện robotist ở tầng trên trở nên ồn ào. Thấy chúng tôi tỏ ra e dè về sự trái khoáy này, cô bảo mẫu an ủi: “Không có đội robotist tập luyện thì các cháu cũng khó ngủ lắm”. Một GV chia sẻ: “Lớp học hơn 50 HS được xếp nằm san sát nhau như cá mòi và chỉ được nằm ngửa chứ không được nằm nghiêng, chân tay duỗi thẳng… Gò bó như thế nên các cháu không ngủ được. Nếu các cô “gắt” quá thì các cháu nhắm mắt nằm đó”.

Ở nhiều trường khác, các cô bảo mẫu cũng xác nhận tình trạng tương tự.

Thiếu ngủ, trẻ sẽ có những hành vi tiêu cực

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics, những HS ngủ đủ giấc sẽ cư xử tốt hơn so với những HS thiếu ngủ. Cụ thể, người ta đã bí mật điều chỉnh 17 HS từ 7-11 tuổi ngủ ít hơn thường lệ một giờ và 17 HS khác ngủ nhiều hơn thường lệ một giờ trong năm ngày, rồi để GV ghi lại toàn bộ những hành vi quan sát được của từng HS trong một tuần lễ. Kết quả là HS ngủ ít hơn sẽ có những hành vi tiêu cực hơn. Nghiên cứu từ ĐH McGill cũng cho thấy những HS tiểu học cũng như HS trung học có thời gian ngủ ít hơn sẽ có nhiều khả năng mất kiểm soát về mặt cảm xúc.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh - nguyên Trưởng khoa Hoạt động liệu pháp tại BV Tâm thần Trung ương 2, hiện làm việc tại phòng khám Nội khoa thần kinh, BV Tâm Hồng Phước (TP. Biên Hòa - Đồng Nai) - nói rằng: giấc ngủ không chỉ “đãi” cho hai con mắt mà còn “đãi” cả cơ thể, giúp trẻ lớn lên về thể chất và phát triển tinh thần. Thế nhưng, qua công việc thăm khám nhiều bệnh nhân có vấn đề tâm thần ở tuổi học trò cho thấy, lịch sinh hoạt của các em không khoa học, học hành lu bù và thức quá khuya.

Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn tâm lý học thần kinh - khoa tâm lý, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, thiếu ngủ lâu dài, trẻ sẽ có nguy cơ bị béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, stress, lo âu, trầm cảm...

Hiện nay, HS phải vào học lúc 7g, 7g15 hoặc 7g30 (tùy mỗi quận huyện) và HS buộc phải có mặt ở trường trước đó 15 phút. Giờ vào học như thế là quá sớm, làm mất giấc ngủ của HS, theo ý kiến của nhiều PH. Vậy, có thể bắt đầu giờ học muộn hơn để HS được ngủ nhiều hơn? “Giờ làm việc của tôi khá tự do, nên tôi ủng hộ phương án này”- chị Thanh Loan, PH Trường tiểu học Phước Bình (Q.9) nói. “Dù có khó khăn, nhưng tôi tin đại đa số PH sẽ ủng hộ nếu giờ học bắt đầu từ 8g hoặc 8g30. Ở cấp THCS và THPT, HS đã lớn, có thể tự đến trường, thì càng thuận lợi” - chị Kim Phượng, một PH ở Q.1 phân tích.

Nhiều GV cũng đề xuất, nên bắt đầu giờ học trễ hơn hiện nay, có thể vào lúc 8g hay 8g30, là điều hoàn toàn có thể, vì trong xã hội ta, người làm nghề tự do vẫn đông hơn công chức nhà nước; những đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng đã chuyển giờ làm vào 8g- 8g30. Khi giờ học bắt đầu trễ hơn thì giờ nghỉ trưa sẽ được rút ngắn lại. Với những gia đình buộc phải đưa con đi học sớm (theo giờ làm của bố mẹ) vẫn có thể đưa con vào trường sớm hơn.

Đề xuất này là hợp lý và cần được các ngành chức năng ghi nhận, xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo, bác sĩ Nguyễn Gia Khanh đề xuất.

MINH NHẬT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI