Người lớn bất cẩn, trẻ chết oan uổng

22/07/2016 - 05:47

PNO - Một học sinh mầm non ở Đồng Tháp bị tủ đè tử vong khiến mọi người tiếp tục bàng hoàng. Từng có nhiều vụ tai nạn đau lòng như trẻ bị tủ đè, cửa đè…tử vong, nhưng việc đảm bảo an toàn cho trẻ vẫn còn buông lỏng.

"Sát thủ" hiện diện khắp nơi

Hai ngày sau sự ra đi đột ngột của bé Đỗ Hoàng Thiên P. đang học tại Trường MN Hướng Dương (Sa Đéc, Đồng Tháp), người nhà và các cô giáo vẫn như không tin được đó là sự thật. Sau bữa ăn chiều 19/7, bé Thiên P. bất ngờ bị tủ đồ ngã đè lên người. Trước đó, bé cùng một số bạn chơi đùa, đu lên chiếc tủ gỗ đựng cặp, quần áo đặt ở hành lang lớp, trong lúc hai cô bảo mẫu đang thay quần áo cho các bạn khác. Bất ngờ, chiếc tủ ngã đè lên người P. Nhà trường đã đưa bé đến BV Đa khoa Sa Đéc cấp cứu, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy TP.HCM nhưng vẫn không cứu được.

Nguoi lon bat can, tre chet oan uong
Ảnh: Phùgg Huy

Những tai nạn tương tự ở trường học như đã xảy ra với bé P. không hiếm. Chính sự bất cẩn của người lớn đã biến những thiết bị phục vụ cho HS trong trường như tủ, kệ… biến thành “sát thủ” gây ra những cái chết thương tâm. Cách đây hai năm, TP.HCM chấn động khi liên tục xảy ra tai nạn như thế. Một HS trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.Gò Vấp) bị tủ ngã đè tử vong. Chiếc tủ làm từ gỗ ép, kích thước khoảng 1,5m x 1,8m dựng sát tường, chia thành nhiều ô nhỏ có cửa để đựng mền gối cho HS.

Trước đó, một HS MN ở Q.9 khi đi tham quan một ngôi trường tiểu học cũng đã bị một cánh cửa tủ sách đè chết. Lại có trường hợp tai nạn từ “trên trời rơi xuống” khiến một cháu bé ba tuổi tử vong. Cụ thể, tháng 7/2013, cháu Dương Thị B.Tr. (ba tuổi, ngụ huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang chơi trong trường MN tư thục 8/3 thì bất ngờ bị một tấm liếp giường dựng sát cửa phòng đè lên người, bị đa chấn thương không qua khỏi.

Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Phó khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, gần đây BV tiếp nhận bé trai N.Q.V. (ba tuổi, nhà ở Q.9) trong tình trạng nguy kịch vì bị cánh cửa tủ sách ngã đè. Cháu bé đã tử vong. Theo mẹ bé V., trường mẫu giáo bé đang theo học có xây dựng “tủ sách” bằng bê tông đặt giữa sân. Khi bé lấy sách, đã bị cánh cửa tủ bằng sắt rơi xuống đè lên người, được đưa đến BV trong tình trạng mất nhiều máu, hôn mê sâu, phù não; kết quả chụp phim cho thấy, bé bị chấn thương sọ não nặng.

So với các khu vui chơi, công viên, hồ bơi thì trường học là nơi được tin tưởng có môi trường an toàn hơn cho trẻ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khó ai ngờ những thiết bị phục vụ cho việc dạy học, sinh hoạt của HS lại có thể gây chết người. Trước những vụ tai nạn đã xảy ra, không thể không đặt dấu hỏi về công tác quản lý, nuôi dạy trẻ ở các trường hiện nay. Lẽ nào mỗi ngày các cháu đến trường là phụ huynh lại phải thấp thỏm lo âu cho sự an toàn của con mình?

Hiểm họa từ sự chủ quan

Thử đến một vài trường MN ở TP.HCM, rất dễ nhận ra nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Tại trường MN 2 (P.2, Q.Tân Bình), hàng chục tủ đồ được đặt ngay khu vực hành lang lớp học, các em HS phải đặt cặp sách trên nóc tủ đồ này. Do thấp hơn chiều cao của tủ nên mỗi lần lấy cặp các em phải nhón chân, chồm cả người lên trên tủ. Vì thế, bất cứ lúc nào, những chiếc tủ ấy cũng có thể ngã xuống đè lên các em. Nhiều phụ huynh còn phản ánh, ở khu vực cầu trượt của HS, trường không lót miếng đệm hay đổ cát nên rất mất an toàn. Hay tại khu trò chơi xích đu, trường chỉ dùng dây xích cột vào hai bánh xe và đặt một tấm ván lên rất lỏng lẻo, dễ xảy ra tai nạn.

Được hỏi về những nguy cơ mất an toàn của HS ở trường MN 2, bà Châu Hiệp Phố - hiệu trưởng, cho biết: “Các tủ đồ đều có cửa mở để HS bỏ cặp sách vào. Do một số phụ huynh đưa con đến học tiện tay gác lên trên tủ đồ nên mới dễ gây mất an toàn như vậy, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục ngay…”. Về việc khu vực trò chơi cầu trượt của các em không có miếng lót đệm để bảo hộ, bà Phố cho biết, trường có trang bị miếng lót đệm, có thể do gặp lúc nhân viên lấy đi giặt rồi… quên mang ra nên phụ huynh thấy không có.

Nguoi lon bat can, tre chet oan uong

Những tủ đồ đặt “hớ hênh” trong trường luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Theo quan sát của chúng tôi tại nhiều trường MN ở TP.HCM, những tủ đựng đồ này thường đặt ngay hành lang lớp học để các em tiện sử dụng nhưng thường không được bắt cố định vào tường. Tại trường MN Măng Non III (P.2, Q.10), một chiếc tủ khá lớn, đựng nhiều đồ đạc của HS, đặt ngay trước phòng học, không hề được cố định vào tường nên chỉ các em hiếu động muốn trèo lên tủ, chiếc tủ hoàn toàn có thể đổ ụp xuống.

Ở trường MN Thiên Anh (Q.8), dễ thấy các thiết bị như cầu tuột, bập bênh… được đặt trực tiếp trên nền bê tông, không có nệm mút hoặc hố cát để tránh gây thương tích cho trẻ khi chơi. Trường nằm tại tầng trệt của chung cư, những chiếc kệ đựng cặp, giày dép và đồ dùng của trẻ được đặt ngay hành lang, lối đi cạnh lớp học.

Quan sát hầu hết các trường MN công lập, có thể thấy ngay các lớp học chỉ có sàn lát gạch hoa mà không trải thảm, rất dễ dẫn đến tai nạn khi trẻ chạy chơi, đùa giỡn cùng nhau bị té ngã. Các trò chơi ngoài trời của HS cũng đặt trên sân gạch, dù lẽ ra phải đặt trên hố cát hoặc thảm mút dày, để nếu té ngã trẻ cũng không dễ bị xây xát hay chấn thương. Chưa kể, những món đồ chơi này phơi dưới mưa nắng nên dẫn đến mục, gỉ sét… gây nguy hiểm cho trẻ. Thường các trường chỉ trải một tấm thảm mỏng phía dưới cầu tuột, thang leo... tác dụng trang trí là chính.

“Cái khó của nhiều trường hiện nay là việc chọn mua sản phẩm nào, ở đâu, giá cả ra sao… nhà trường đều không có quyền quyết định, dẫn đến việc nhà nước phải đầu tư nhiều tiền nhưng sản phẩm mua về đôi khi không chất lượng, không phù hợp. Theo tôi, nên để cho các trường lựa chọn và chịu trách nhiệm việc quyết định mua sản phẩm cần cho trường, phòng giáo dục - đào tạo và phòng tài chính các quận, huyện chỉ cần giám sát”, bà Lê Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng Đỏ (Q.9, TP.HCM) kiến nghị.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4, thiết bị, đồ dùng dạy học, tủ kệ đựng sách vở, mền chiếu cho HS một phần do ngân sách cấp kinh phí, một phần được vận động từ nguồn xã hội hóa, hoặc trích từ quỹ phục vụ bán trú để trang bị. “Với thiết bị mua từ nguồn ngân sách, trường chỉ được quyền chọn mẫu theo danh sách nhà cung cấp đưa ra, giá cả cũng đã được định sẵn, nên chỉ chọn lựa một cách tương đối. Cho dù là như thế, trường vẫn phải chịu trách nhiệm về an toàn cho HS khi đặt những thiết bị đó trong khuôn viên do mình quản lý”, vị hiệu trưởng này nói.

Lê Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng Đỏ (Q.9, TP.HCM): Nên để mọi thứ vừa tầm tay trẻ

Tất cả thiết bị, đồ dùng như tủ, kệ, bàn, ghế, khu vui chơi, nhà đọc sách cho các cháu… dù đặt trong lớp hay ngoài sân đều phải bo tròn các góc, cạnh. Tủ, kệ nên chọn loại có độ cao vừa tầm các cháu để tránh việc các cháu phải chồm người hay bắc ghế khi sử dụng. Những đồ chơi hay vật nặng nguy hiểm cần tránh để trên cao, khi cần đến những thứ này, cô giáo phải lấy chứ không để trẻ động vào. Những vật dụng trong nhà vệ sinh cũng nên chọn vừa tầm với trẻ và dạy trẻ sử dụng sao cho không nguy hiểm.

Ông Ngô Trung Chi, Giám đốc Công ty nội thất Phương Thu Tủ, kệ phải bắt cố định vào tường

Bàn, ghế, tủ, kệ dùng cho các cháu MN ngoài các tiêu chuẩn như vừa tầm, không độc hại, không gây nguy hiểm còn cần phải chắc chắn. Trẻ thường leo trèo, nghịch phá nên phải gắn kết chặt tủ kệ với nhau và cố định vào tường thật chắc, tránh bị đổ, ngã. Về chất liệu, cần có sự pha trộn giữa gỗ công nghiệp với gỗ tự nhiên để vừa bảo vệ môi trường, vừa bền đẹp. Hiện nhiều trường còn dùng tủ sắt. Với loại tủ này, cần kiểm tra thường xuyên và chú ý gia cố lại phần chân tủ. Khi sử dụng lâu ngày, sắt có thể bị oxy hóa khiến chân tủ bị yếu đi, nếu chứa nhiều đồ nặng, hoặc khi bị trẻ níu kéo sẽ dễ ngã đổ.

Tiêu Hà - Sơn Vinh - Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI