Mặt nạ giấy bồi: Nỗi lo mai một

20/09/2015 - 08:29

PNO - Rất khó tưởng tượng nhưng vẫn phải tin, ở cả Thủ đô này chỉ còn duy nhất một gia đình gìn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Cứ ngỡ mặt nạ giấy bồi chỉ là một trong những món đồ chơi mang lại tiếng cười cho con trẻ mỗi dịp Trung Thu, thế nhưng đi sâu tìm hiểu mới thấy thứ đồ chơi giản dị này còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Trong khi nhiều người nước ngoài có dịp sang Việt Nam du lịch, họ phải tìm bằng được mặt nạ giấy bồi để mua về làm quà thì không ít người trẻ Việt lại cảm thấy xa lạ với món đồ chơi dân gian này. Có lẽ đây cũng chính là nỗi lo lắng của những ai muốn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống Việt Nam, vì sao chúng cứ mai một dần?

Nghề lấy công làm lãi

Nếu có dịp hỏi han những người Hà Nội về món quà họ chuẩn bị cho con cái mình nhân dịp Trung Thu thì số đông sẽ có cùng câu trả lời, họ đều muốn mua cho con và các cháu mặt nạ được làm bằng giấy bồi chỉ bởi chúng rất an toàn, màu sắc rất đẹp và có nhiều hình thù bắt mắt. Câu trả lời tưởng như sẽ mang đến niềm vui cho những người làm nghề, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy...

Mat na giay boi: Noi lo mai mot
Hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm truyền thống Việt hiện nay đều chung nỗi lo mang tên “mai một”.

Trung bình mỗi ngày một nghệ nhân chỉ có thể làm từ 6 đến 7 chiếc mặt nạ. "Như thế cũng là nhiều lắm rồi", ông Nguyễn Văn Hòa - một nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi tâm sự. Rất khó tưởng tượng nhưng vẫn phải tin, ở cả Thủ đô này chỉ còn duy nhất một gia đình gìn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Để có một sản phẩm đẹp, đạt yêu cầu, trước hết phôi phải cứng và sắc nét. Muốn có phôi như thế, nghệ nhân phải bồi từ 5 đến 6 lớp giấy bìa, đến khi nào đạt được độ dày khoảng trên 1mm thì mới đạt yêu cầu. Hơn nữa, nghệ nhân phải rất cần cù, tỉ mỉ thì mới làm ra được mặt nạ.

Khi vẽ mặt nạ để hoàn chỉnh một sản phẩm, người làm nghề phải dồn tất cả hồn mình để "truyền" vào mặt nạ đó, có như thế, sản phẩm mới trở nên sinh động, tạo ấn tượng. Hơn nữa, phải được đem ra phơi dưới trời nắng to thì mặt nạ mới có mùi thơm và cứng cáp. Sau khi phơi khô, nghệ nhân mới bắt đầu ngồi sơn, vẽ từng chi tiết, nhưng không đơn giản vẽ một lần là xong, vẽ xong một chi tiết phải đem phơi cho khô rồi mới vẽ tiếp được.

Công đoạn nào cũng phải làm rất cẩn thận thì sản phẩm mới đẹp, nếu làm ẩu thì mặt nạ sẽ bị nhăn, không lì mặt, rúm ró... Trong quá trình vẽ, người làm nghề cũng không được phép run tay, nếu không nét sẽ bị nhòe, thậm chí chỉ cần một giọt sơn vô tình chảy vào cũng khiến chiếc mặt nạ sắp hoàn thiện trở thành... sản phẩm bị loại!

Làm nghề này nhọc nhằn là thế nhưng không giống với suy đoán của người ngoài, niềm hạnh phúc vẫn hiện rõ trong ánh mắt của đôi vợ chồng nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi duy nhất ở Thủ đô. Họ hài lòng với công việc của mình, lấy công làm lãi thì có sao, họ vẫn duy trì được cuộc sống, công việc và thói quen hàng ngày.

Nhưng niềm hạnh phúc tưởng như khó giải thích ấy thực ra vô cùng giản dị. Ông Hòa cho biết, ông được bố vợ truyền nghề làm mặt nạ giấy bồi khi ông về làm rể. Kể từ đó, những chiếc mặt nạ giấy bồi quanh quẩn bên ông, ăn cùng, thức cùng, và có cùng giấc mơ với ông chủ trong suốt hơn 30 năm qua. Vợ chồng ông Hòa đã cho ra đời biết bao sản phẩm mặt nạ đẹp mắt.

Chung một nỗi lo

Hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm truyền thống Việt hiện nay đều chung nỗi lo mang tên "mai một". Trong số các loại hình đồ chơi Trung Thu, mặt nạ giấy bồi là loại hình lâu công nhất.

Trong cuộc sống hiện đại, giữa muôn vàn món đồ chơi sặc sỡ, cùng sự xuất hiện của trò chơi điện tử với hàng loạt hình thức giải trí theo xu hướng độc hại và tiêu cực thì những thứ đồ chơi an toàn, giàu tính nhân văn lại trở nên xa lạ. Mặt nạ giấy bồi ngày càng vắng bóng và ít người mua.

Làm thế nào để kết nối người trẻ Việt với những nét văn hóa dân gian? Đây là câu hỏi mà ngay cả những nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa thể trả lời được. Những chiếc mặt nạ vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí vừa mang những giá trị văn hóa truyền thống, và chứa đựng biết bao câu chuyện hay vẫn không ngừng mai một và... mất tích nếu không còn ai tiếp nối.

Thiết nghĩ, việc giữ gìn và phát huy nghề làm mặt nạ giấy bồi nói riêng, nghề truyền thống nói chung cần một sự khích lệ kịp thời để người làm nghề không phải... cười ra nước mắt. Hơn ai hết, họ đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hạ Chi (Lược theo SKĐS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI