Lửa nhiệt huyết lan tỏa

02/02/2014 - 07:00

PNO - PN - Họ đều còn là đảng viên trẻ, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng có cùng ngọn lửa nhiệt huyết luôn rực cháy, lan tỏa đến nhiều người.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khắc tinh của sỏi mật

Lua nhiet huyet lan toa

BS Hưng khám bệnh từ thiện ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Vừa chạm tuổi 30, tám năm tuổi Đảng, chưa đầy hai năm tuổi nghề nhưng bác sĩ (BS) Vũ Quang Hưng (sinh năm 1984, ngụ tại Q.7, TP.HCM) - một trong những đảng viên trẻ của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, được nhiều BS đàn anh khen có tâm và có nghề.

Bận rộn với công việc của một BS điều trị, thu xếp mãi anh mới hẹn gặp chúng tôi vào giờ nghỉ trưa, tại lầu 11 - Khoa Ngoại tiêu hóa - gan mật, Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM.

Gia đình có truyền thống ba đời làm nghề y, nên Hưng ý thức cao về việc phải đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu. Cách đây vài tháng, anh cùng êkip đã mổ thành công cho một bệnh nhân nam khoảng 60 tuổi bị sỏi mật tái phát, trước đó đã phải mổ đến bảy lần nhưng vẫn chưa khỏi bệnh. Bệnh nhân này chỉ ước mong không phải mổ tới mổ lui, trong khi bệnh sỏi mật lại dễ tái phát. BS Vũ Quang Hưng đã đáp ứng được nguyện vọng đó. Anh chia sẻ: “Chúng tôi ứng dụng phương pháp phẫu thuật “tạo đường hầm mật - ruột - da”, khác hoàn toàn với những phương pháp mổ đơn thuần trước đây. Sau khi lấy sỏi ở mật ra, chúng tôi tạo một đường hầm vĩnh viễn trong hệ thống gan mật của bệnh nhân; để sau này nếu bệnh tái phát thì chỉ cần đưa ống nội soi theo đường hầm để lấy sỏi ra, không cần phải mổ”. Dù được nhiều đồng nghiệp khen “tay nghề cứng” nhưng BS Hưng vẫn tâm niệm: “Mình còn những thiếu sót trong xử lý ca bệnh nên các BS đàn anh hay góp ý. Mình nghĩ những chỗ nào sai phải thẳng thắn nhìn nhận để rút kinh nghiệm, không được tự ái. Khi còn được nhận góp ý từ người khác là mình còn được quan tâm, yêu mến”.

Anh kể, cha anh (BS Vũ Quang Cảnh, nguyên Giám đốc BV 30/4 TP.HCM) đã nhắc nhở anh từ nhỏ: ông nội rồi đến cha đều làm nghề y, con nên cố gắng bám trụ với nghề. Vì thế, ngay từ năm học lớp 9, Hưng đã ý thức việc học và thi vào khối B, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Năm lớp 12, anh giành giải nhì môn Toán kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố. Năm 2008, anh tốt nghiệp BS đa khoa loại giỏi và trở thành BS nội trú của Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Trần Thiện Trung và PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, anh bảo vệ xuất sắc đề tài tốt nghiệp Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ qua ống túi mật. Đề tài xuất sắc này đã được mời báo cáo tại Hội nghị ELSA (về phẫu thuật nội soi) khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010. Những năm sau đó, BS Vũ Quang Hưng tiếp tục tham gia các đề tài nghiên cứu khác như: Kết quả của phẫu thuật nội soi điều trị nang đường mật, Kết quả của phẫu thuật nội soi đặt lưới tiền phúc mạc điều trị thoát vị bẹn tại BV ĐH Y Dược. Hiện, anh là cán bộ giảng dạy Bộ môn Ngoại, ĐH Y Dược TP.HCM; cán bộ giảng dạy và BS điều trị tại tổ bộ môn Ngoại, BV Nhân dân Gia Định; BS điều trị tại BV ĐH Y Dược TP.HCM...

Dù tất bật với công việc chuyên môn, nhưng với vai trò bí thư chi đoàn nội trú Ngoại, ĐH Y Dược TP.HCM, anh còn thường xuyên tham gia tổ chức các phong trào khám bệnh từ thiện cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ như: khám bệnh, phát thuốc cho bà con đảo Lý Sơn, vùng núi Ba Vì, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), Quảng Bình... BS Vũ Quang Hưng nhận ra: “Nếu đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh từ thiện nhiều hơn nữa thì bà con ở những vùng quê xa xôi sẽ ngày càng cảm nhận được sự gần gũi của Đảng với dân…”.

Cô sinh viên “lắm chiêu”

Lua nhiet huyet lan toa

Nông Thị Mỹ Hạnh (ngồi giữa) cùng các sinh viên gói bánh chưng cho người già neo đơn và trẻ em cơ nhỡ

Cuối năm, khi nhiều sinh viên (SV) khác tất bật về quê đón Tết, cô đảng viên 9x Nông Thị Mỹ Hạnh (SV năm tư Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đã ở lại TP.HCM, “lôi kéo” thêm 300 bạn khác cùng lo xuân tình nguyện, mang Tết đến cho nhiều cụ già, em nhỏ cơ nhỡ và các chiến sĩ hải quân.

Vừa lo xong cho hàng trăm SV khó khăn có vé xe về quê ăn Tết, Hạnh đã xắn tay áo gói bánh chưng, chuẩn bị quà cáp, làm thiệp chúc Tết thăm các cụ già neo đơn và trẻ em cơ nhỡ ở ngoại thành, rồi lại tham gia cùng các bạn dọn dẹp vệ sinh đường phố... Hôm gặp chúng tôi, Hạnh giải thích về sự tất bật của mình: “Chị thông cảm, em phải chuẩn bị mọi thứ để ngày mai các bạn ra quân thuận lợi. Một nhóm sẽ mang bánh chưng, quà Tết, bánh mứt tổ chức Tết cho các cụ già neo đơn và trẻ em đường phố ở huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn; nhóm khác đi Đồng Nai nấu bữa cơm ngày Tết cho những gia đình khó khăn ở Vùng 2 Hải quân, thăm và tặng máy tính cho các chiến sĩ; những bạn ở nhà thì lo hậu cần và giúp đỡ các bạn SV không về quê ăn Tết...”. Những ngày cuối năm của cô Phó bí thư chi bộ SV Trường ĐH Nông Lâm thật sự bận rộn hơn cả ngày thường.

Là con một trong gia đình thuần nông ở huyện Phú Tân, An Giang, Hạnh đỗ đại học là xem như “gánh” luôn giấc mơ học đại học cho cả xóm. “Ở quê lên thành phố học đại học, ai cũng chọn ngành kinh tế, kỹ sư để thoát khỏi nghề nông chân lấm tay bùn, nên em trúng tuyển ĐH Nông Lâm là coi như “hàng độc”, không chỉ gia đình mà bà con hàng xóm đều vui mừng tiễn em đi học. Họ hy vọng 5 năm nữa, vùng quê này sẽ có một dược sĩ thú y được học hành bài bản, giúp mọi người chăn nuôi thuận lợi hơn”, Hạnh nói.

Sau mấy tuần đầu làm quen với môi trường đại học, cô đảng viên mới toanh khi ấy đã lao vào phong trào đoàn hội. Hết tổ chức thi giáo dục truyền thống là bắt tay vào các hoạt động tình nguyện. Năm nay mới 22 tuổi (SN 1992) nhưng Hạnh đã có bốn năm tuổi Đảng, kinh qua nhiều vị trí như phụ trách công tác phát triển Đảng cho SV, Ủy viên thường vụ Đoàn trường, Chủ tịch Hội SV, Phó bí thư chi bộ SV...

Điều cô đảng viên 9x này luôn trăn trở là làm sao để hoạt động đoàn hội đi vào thực chất, chứ không hình thức phong trào. Hạnh nói: “Con người được làm điều mình thích sẽ hứng thú và có kết quả tốt hơn. Em để ý thấy các hoạt động thanh niên chưa khơi đúng điều các bạn cần nên các bạn quay lưng với hoạt động phong trào, tham gia cho có lệ. Như trường em có đến hơn 13.000 SV, cần huy động chỉ gọi mươi cuộc điện thoại là sẽ có vài trăm bạn đến giúp, nhưng làm sao để vài trăm bạn đó lần sau sẽ đến nữa chứ không “biến” luôn mới là chuyện khó”. Nghĩ là làm, khi tổ chức bất kỳ chương trình hoạt động nào, Hạnh Lulu (một nickname khác của Hạnh) luôn làm theo quy trình ngược với thói quen cũ. Thay vì đề ra mục tiêu, chương trình rồi bắt các bạn làm theo, Hạnh lấy ý kiến xem các bạn đang cần gì, muốn làm điều đó như thế nào rồi mới lên kế hoạch hành động.

Một năm nữa Hạnh sẽ tốt nghiệp, hỏi cô về dự định về quê, Hạnh từ tốn: “Em chưa vội về quê ngay vì còn muốn học thêm văn bằng hai triết học để có nền tảng lý luận. Em muốn dạy lại chuyên môn mình đã học cho những bạn khác, rồi mở những lớp ngắn hạn hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức cho bà con nông dân ở quê... Em nghĩ, với cách đó em sẽ làm được nhiều hơn là tự mình làm tất cả”.

Yêu cải lương như cuộc sống của mình

Lua nhiet huyet lan toa

Là đảng viên, đạo diễn trẻ hiếm hoi của sân khấu (SK) cải lương, Phan Quốc Kiệt (ảnh) từng để lại cho khán giả nhiều ấn tượng tốt qua các vở diễn trong: Một ngày bên mẹ, Trái tim trong trắng, Tiếng vạc sành… Đồng nghiệp, bạn bè và những khán giả biết Quốc Kiệt yêu quý anh ở tấm lòng và sự tận tụy dành cho nghệ thuật cải lương.

Một trong những sáng kiến của Quốc Kiệt được nhiều đồng nghiệp ở Đoàn 3 (trước đây là nhóm Thắp sáng niềm tin) - Nhà hát Trần Hữu Trang ghi nhận là nỗ lực tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ, để đưa cải lương đến gần hơn với họ.

Từ ngày rạp Hưng Đạo được đập bỏ để sửa chữa, SK biểu diễn tạm dời về rạp Thủ Đô với chồng chất khó khăn: địa điểm xa trung tâm, trang thiết bị cũ kỹ, xuống cấp… Trăn trở trước những suất diễn các nghệ sĩ vẫn cháy hết mình trên SK, nhưng phía dưới hàng ghế khán giả chỉ vỏn vẹn vài chục người, Quốc Kiệt nghĩ: “Sao mình không dùng internet kết nối khán giả?”. Được sự ủng hộ của các đồng nghiệp, thapsangniemtin.net ra đời. Không chỉ là “phòng vé” di động mà còn là nơi khán giả và nghệ sĩ chia sẻ, trao đổi nhằm làm nghề tốt hơn. Từ ngày website ra đời, Đoàn 3 đã kết nối được với khá nhiều khán giả mới. Số vé bán ra cũng nhiều hơn, có những vở mới công diễn đã thu hút được hơn 300 khán giả/đêm diễn. Những kết quả bước đầu đó đã giúp các đồng nghiệp trẻ của Quốc Kiệt ở Đoàn 3 có thêm động lực, niềm tin để gắn bó với SK cải lương.

Là con trai nghệ sĩ Phan Quốc Hùng (nguyên Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang), từng tham gia biểu diễn trên SK khi còn rất nhỏ, nhưng có lúc tưởng chừng Quốc Kiệt đã “đứt” duyên với cải lương khi theo học ngành Quản trị kinh doanh - ĐH Kinh tế. Tốt nghiệp đại học không lâu, Quốc Kiệt làm mọi người chưng hửng khi quyết định quay lại giảng đường theo học ngành đạo diễn SK.

Ngoại hình sáng, diễn xuất tốt, Quốc Kiệt có nhiều lợi thế để tạo dựng tên tuổi ở lĩnh vực phim ảnh như lựa chọn của không ít diễn viên trẻ hiện nay, nhưng anh vẫn theo đuổi nghệ thuật cải lương. Khán giả, đồng nghiệp vẫn thấy anh miệt mài trên sàn diễn khi ở vai trò đạo diễn, khi trong những vai diễn rất nhỏ, khi lại tất bật chạy vòng ngoài lo công tác tổ chức. Anh chia sẻ: “Tôi yêu cải lương không phải vì hào quang của ánh đèn SK mà yêu cải lương như một phần cuộc sống của mình. Cũng như tất cả những nghệ sĩ khác, tôi hạnh phúc khi được đứng trên SK, được hóa thân thành nhân vật để khiến khán giả cùng khóc, cùng cười. Nhưng không chỉ có vậy, tôi còn có một thứ hạnh phúc khác, đơn giản hơn, là được ngồi ở một góc khán phòng đắm mình trong cảm xúc của khán giả, hạnh phúc khi nghe họ cười, họ khóc, họ vỗ tay theo từng tiếng ca của nghệ sĩ, hạnh phúc khi thấy vẫn còn rất nhiều khán giả yêu nghệ thuật cải lương và nhiều nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực lao động, cống hiến hết mình cho SK cải lương”.

Một trong những điều đáng quý ở Quốc Kiệt là thái độ lắng nghe để hoàn thiện mình. Ra mắt một vở diễn mới, vào một vai diễn mới, bao giờ anh cũng chủ động tìm bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người đi trước để xin ý kiến nhận xét. Không lắng nghe một chiều, cũng không cứng nhắc bảo vệ quan điểm của mình, những đóng góp hợp lý luôn được anh đón nhận; những gì còn “lấn cấn” thì anh thẳng thắn trao đổi để “vỡ ra” vấn đề.

Chưa bao giờ hài lòng với những gì mình đã làm, anh luôn tâm niệm lúc này vẫn là thời gian để anh “học việc”, tích lũy thêm kinh nghiệm từ những người đi trước. Ở vị trí Phó Đoàn 3 - Nhà hát Trần Hữu Trang, Quốc Kiệt đang trăn trở với ước mơ: “Giữ được ngọn lửa niềm tin cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ để họ cũng sống chết với nghề như những thế hệ vàng của cải lương trước đây. Đồng thời, đưa được cải lương vào SK học đường để hình thành một thế hệ khán giả cho tương lai”.

 Thảo Vân - Trường Sa - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI