Diện mạo mới từ '5 không, 3 sạch'

19/03/2015 - 07:38

PNO - PN - Theo chân cán bộ Hội, chúng tôi ghé thăm những ngôi nhà được Hội LHPN các cấp công nhận đạt danh hiệu “5 không, 3 sạch” năm 2014. Đã có nhiều đổi thay tích cực từ những việc làm nhỏ, thiết thực của phong trào này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thay đổi từ nhận thức

Khu phố (KP) 6, 7 (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) tập trung nhiều gia đình hội viên phụ nữ (HVPN) người Khmer sinh sống. Hơn 10 năm trước, nơi đây được gọi là“xóm ni lông”.

Dẫn tôi đi vòng quanh KP, chị Nguyễn Thị Nguyệt Thủy, Chủ tịch Hội LHPN P.10, Q.Tân Bình giải thích: “Sở dĩ có tên là “xóm ni lông” bởi nhà nào cũng kiếm sống bằng việc thu lượm túi ni lông, bao xốp… Thu nhập bấp bênh, miếng cơm thiếu hụt, trẻ con không được đến trường vì phải theo cha mẹ “làm nghề”. Trình độ nhận thức cùng môi trường sống còn hạn chế…, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn”. Vài năm trở lại đây, mọi thứ đã đổi khác.

Như để chứng minh, chị Thủy dẫn tôi đến nhà cô Thạch Thị Sa Bol (56 tuổi), HVPN Khmer KP.7. Ngày trước, cả nhà cô cũng đi lượm bọc, nghèo đói “vây quanh” nên bảy người con của cô không ai được học hành. “Giờ các con tôi đều có gia đình, có việc làm nuôi thân nên cũng đỡ phần nào. Tôi thì buôn bán hàng nước trước nhà, kiếm thêm tiền lo cho cháu nội đi học. Nghĩ tiếc thời đó chưa hiểu biết nên sinh con nhiều, không lo đủ đầy cho tụi nó…”, cô Sa Bol nói.

Từ ngày được các chị ở Hội PN thường xuyên tuyên truyền, cô mới hiểu được nhiều điều. Trước hết là vận động con cái không sinh con thứ ba; các cháu phải được đến trường. Trong nhà, cô còn dán luôn cả tờ bướm về tám tiêu chí thực hiện “5 không, 3 sạch” cho các thành viên luôn ghi nhớ để làm theo.

Với suy nghĩ tiến bộ, ngoài giờ giao hàng cho một công ty thực phẩm, anh Thạch Giàu (29 tuổi), ngụ KP.7 phụ vợ trông coi tiệm tạp hóa trước nhà. Vợ anh, chị Yên Thị Ngọc Mai (25 tuổi tâm sự: “Lúc nhỏ mình sống ở Campuchia, mới trở về Việt Nam vài năm nay; tiếng Việt cũng chưa rành lắm. Được mẹ chồng và ông xã động viên, mình cố gắng học viết tiếng Việt”. Chị luôn tâm niệm phải không ngừng học hỏi, tiến bộ để trở thành người mẹ tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, lo cho con gái ăn học đến nơi đến chốn…

Dien mao moi tu '5 khong, 3 sach'

Vợ chồng anh Thạch Giàu - chị Yên Thị Ngọc Mai cùng con gái trước cửa hàng tạp hóa của gia đình

Chung tay hành động

Chúng tôi đến thăm nhà dì Thạch Thị Mai, HVPN người Khmer trong KP.7. Từ Kiên Giang hai vợ chồng dì lên Sài Gòn lập nghiệp. Tận dụng khoản sân nhỏ trước nhà, dì Mai mở bán thức ăn sáng tạo thu nhập cho gia đình. Nhà có bảy nhân khẩu, công việc buôn bán lại bận rộn nên không tránh khỏi những lúc nhà cửa bừa bộn. Tranh thủ lúc rảnh tay, dì cùng chồng con lau chùi, cất gọn đồ dùng. Nhất là chỗ bán, mỗi ngày hai lần dì lại quét dọn, tránh cho nước ứ đọng, thu gom rác… Không riêng dì Mai, bà con hàng xóm đều đồng lòng trong việc giữ cho nhà cửa, khu phố luôn sạch đẹp.

Tương tự, chị Phan Thị Thu (HV PN KP.3, P.7, Q.3, TP.HCM) dù bận rộn với việc may vá tại nhà, vừa lo con nhỏ, nhưng chị vẫn giữ nhà cửa gọn gàng, tinh tươm. “Ngồi may vậy đó, nhưng thỉnh thoảng ra trước nhà, rảo một vòng xem rác mỗi nhà có để đúng chỗ không; nhiều khi ai vô ý đem rác vứt ra đường, mình gom gọn một chỗ, chờ xe đến hốt…Việc làm tuy nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn vì có thể phòng bệnh, giữ vệ sinh chung, cũng là bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình…”, chị Thu chia sẻ.

Cô Phạm Thị Lai, Chi hội trưởng chi hội PN KP.3 cho biết: KP hiện có 20 hộ gia đình là người dân tộc Khmer sinh sống. Công tác tiếp cận để tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” từng bước dễ dàng hơn khi ý thức chấp hành của mọi người dần nâng cao.

Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt Thủy, Chủ tịch Hội LHPN P.10, Q.Tân Bình: “Để mỗi gia đình đạt chuẩn “5 không, 3 sạch”, điều quan trọng là Hội PN cần tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng có nhu cầu. Khi đời sống đã ổn định, các tiêu chí đề ra sẽ được chị em thực hiện dễ dàng hơn”.

 VIỆT PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI