Chân yếu tay mềm đánh đuổi trộm

03/12/2015 - 07:12

PNO - Trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó tình huống khi trộm cướp vào nhà không bao giờ thừa với tất cả thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ...

Mỗi năm, TP.HCM xảy ra trên dưới 6.000 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó tội phạm trộm, cướp, cướp giật ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, không chỉ lấy đi tài sản mà còn gây tổn hại sức khỏe, thậm chí tước đi tính mạng của nạn nhân.

Trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó tình huống khi trộm cướp vào nhà không bao giờ thừa với tất cả thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ, người thường bị coi “chẳng làm được gì” khi có biến cố.

Những lưu ý của thiếu tá Bùi Thái Đức (Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an TP. HCM) giúp các gia đình thêm kinh nghiệm phòng chống trộm cướp, nhất là trong thời điểm cuối năm Tết đến này.

Chan yeu tay mem danh duoi trom
Cánh cửa đẹp nhưng mỏng manh, quá dễ dàng để bọn trộm cướp bẻ song, chui vào nhà. Trong ả nh: Thiếu tá Bùi Thái Đức đang tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại P.15, Q.10, TP.HCM

Cánh cửa "mời mọc"

Nhiều nhà ít để ý chuyện gia cố cửa nẻo, bản lề, song sắt bị gỉ sét, cũ mòn theo thời gian, tạo điều kiện cho kẻ gian xâm nhập. Nhiều người có thói quen khi ngủ mở cửa trên lầu “cho mát”, trộm lợi dụng quăng dây hoặc leo từ cột điện vào. Nên chọn các loại khóa chụp, khóa chống cắt hoặc gắn hệ thống báo động.

Việc treo bảng “Coi chừng chó dữ” tạo tâm lý ngán ngại cho kẻ có ý đồ xấu; hoặc treo đồ vật có thể gây ra tiếng động để báo hiệu sự đột nhập. Không nên khóa ngoài vì như thế khác nào “tự khai” chủ nhà đi vắng, mời gọi kẻ trộm. Khóa trong sẽ gây khó khăn đối với việc đập phá, cắt khóa.

Nhiều người có thói quen treo chìa khóa nơi dễ nhìn thấy như công tắc đèn, giá máng nón, thậm chí còn khắc chữ chỉ rõ “Hộp đựng chìa khóa xe”, “Hộp đựng chìa khóa nhà” để tránh nhầm lẫn, đâu dè vô tình “giúp” cho trộm. Kẻ xấu có thể nhét tờ rơi vào cửa chính để đo lường thời gian đi vắng của chủ nhà để tính thời điểm ra tay.

Khi buộc phải vắng nhà lâu ngày, nên nhờ người khác đến ở hoặc gửi hàng xóm trông coi. Xây dựng mối quan hệ với các nhà lân cận để hỗ trợ nhau hiệu quả trong việ c giữ gìn an ninh. Với người lạ hay người quen lâu ngày không gặp, bỗng đột ngột xuất hiện, các thành viên gia đình nên cân nhắc khi cho họ vào nhà. Rất có thể khi bước qua cửa, họ sẽ “hiện nguyên hình”.

Kịch bản đánh động

Nếu trộm mới tiếp cận cửa, cần lập tức bật đèn sáng, gọi người nhà dậy, tạo tiếng khua, reo điện thoại. Trộm sẽ giật mình, từ bỏ mục tiêu. Trường hợp đối tượng đã lọt vào lúc nhà chỉ có một người, nhất là phụ nữ chân yếu tay mềm, không nên xuất đầu lộ diện mà ở trong phòng, khóa cửa, gọi điện thoại nhờ hỗ trợ. Có thể gọi với “Anh ơi!

Lấy giùm em ly nước/cái bàn ủi” để trộm nghe tưởng nhà đang có nhiều người. Trường hợp về đến cổng thấy nhiều dấu hiệu lạ như cửa, khóa bị phá, cạy, không nên chạy ào vào xem mình đã mất gì. Sự nôn nóng sẽ xóa đi những dấu hiệu ít ỏi của đối tượng để lại như dấu vân tay, dấu giày… gây khó khăn cho quá trình truy xét của công an.

Nếu vào nhà bất ngờ chạm mặt kẻ trộm, tuyệt đối không nên gay gắt, xung đột hay “la làng” mà phải thật bình tĩnh, giả vờ là người đến chơi, có thể hỏi: “Chú ơi! Bà ba có nhà không, ghé định rủ bà đi tập dưỡng sinh…”.

Không được lộ ra mình là chủ nhà, dễ khiến đối tượng hoảng loạn, điên cuồng chống trả. Cần khéo léo tìm cách để trộm tự rút đi, quan sát, ghi nhớ đặc điểm đối tượng để trình báo. Hoặc nếu điều kiện thuận lợi thì thoát ra trước, tìm khóa nhốt đối tượng trong nhà và báo công an.

Mưu trí để bảo toàn tính mạng

Trộm, cướp biết phòng ngủ của người lớn thường là nơi cất giấu nhiều của cải nên không bao giờ bỏ sót. Nếu thấy trộm trong phòng, không nên la lên mà hãy giả vờ ngủ tiếp, đợi khi trộm ra ngoài thì đóng cửa phòng, gọi điện thoại kêu cứu.

Trường hợp cướp tấn công, hăm dọa, khống chế yêu cầu đưa tài sản, nên tỏ ra ngoan ngoãn phục tùng, tránh hành động khiến đối tượng cảm thấy bất an, kích động dẫn đến hành vi man rợ. Có thể tận dụng tình huống, ban đầu tỏ ra hợp tác, nhân lúc đối tượng sơ hở, bấm chuông báo động, chạy đến nơi an toàn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI